Tháng Thanh niên: Thắp sáng đường quê

Công trình thắp sáng đường quê do Đoàn thanh niên vận động đầu tư và tình nguyện góp ngày công lắp đặt ở nhiều địa phương trong cả nước đã góp phần thay đổi cuộc sống ở nhiều vùng nông thôn.

Những cách làm sáng tạo

Mô hình Đoàn thanh niên tham gia thắp sáng đường quê đang nở rộ ở nhiều vùng nông thôn và có sự chung tay ủng hộ từ chính người dân địa phương. Thanh niên ở những vùng quê này có nhiều cách làm sáng tạo vận động nguồn lực xã hội chung tay thắp sáng đường quê.

Tại Hà Tĩnh, trong nửa đầu tháng ba, Đoàn Thanh niên cấp xã đã khánh thành và bàn giao 11 hệ thống đường điện chiếu sáng với tổng chiều dài gần 10 km, trị giá lên đến cả trăm triệu đồng. Trong Tháng Thanh niên, Đoàn xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà vận động thành công các doanh nghiệp tài trợ dây điện, bóng đèn chiếu sáng, lắp đặt trên các trục đường chính. Khi thấy bóng đèn đầu tiên tỏa sáng khắp đường làng, các hộ dân trong các đường nhánh, ngõ nhỏ chủ động rủ nhau góp tiền mua dây điện, bóng đèn rồi gọi đội thanh niên tình nguyện trong xã đến lắp đặt.

Mô hình thắp sáng đường quê là điểm sáng của Đoàn thanh niên trong xây dựng nông thôn mới - Ảnh CTV

Còn tại Bắc Ninh, Chương trình thắp sáng đường quê bắt đầu triển khai trong 2 tháng cuối năm 2012 đã có gần 30 km đường giao thông nông thôn được lắp đèn chiếu sáng. Trong 3 tháng đầu năm nay, thanh niên vận động tài trợ, hoàn thành lắp đặt thêm hơn 20 km đường điện chiếu sáng, điển hình nhất là công trình dài hơn 4,5 km tại xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ.

Bí thư Đoàn xã Mộ Đạo, Nguyễn Văn Đệ cho biết, thanh niên trong xã vận động các hộ dân góp kinh phí làm thí điểm, đến khi có đèn chiếu sáng, được  dư luận ủng hộ, nên Đoàn thanh niên đã  mở rộng ra toàn xã. “Dự kiến, sẽ vận động mỗi hộ góp 100.000 đồng nhưng khi thu tiền, nhiều gia đình phấn khởi ủng hộ luôn vài trăm nghìn đồng ...”, anh Đệ nói.

Đời sống văn minh hơn

Bên cạnh vận động đóng góp chi phí lắp đặt, Thanh niên còn đứng ra đảm nhận việc sửa chữa, kiểm tra định kỳ đảm bảo an toàn cho các đường điện chiếu sáng. Để tiết kiệm năng lượng, ngoài tính toán khoảng cách đặt bóng chiếu sáng cho hợp lý, bóng đèn sử dụng cũng phải là loại tiết kiệm năng lượng. Tùy vào điều kiện kinh tế, mỗi địa phương sẽ tính toán cụ thể hỗ trợ chi trả tiền điện hằng tháng và nếu người dân có phải đóng góp thì số tiền phải bỏ ra cũng không đáng kể.

Bí thư Đoàn xã Thạch Tân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) - Hồ Thị Hạnh, cho rằng, đường điện chiếu sáng “chạy” đến đâu là mang theo niềm vui, phấn khởi cho bà con đến đó. Họ không còn ngại mỗi khi có việc ra đường vào buổi tối.

Ấn tượng về công trình đường điện chiếu sáng do thanh niên khởi xướng, ông Nguyễn Văn Tập, ở xã Mộ Đạo (Quế Võ, Bắc Ninh), cho rằng người dân yên tâm và có ý thức hơn trong gìn giữ an ninh trật tự. Điện sáng khắp đường làng, họ dễ dàng nhận diện đối tượng lạ mặt ra vào địa phương. Nhiều trường hợp quần chúng phát hiện có dấu hiệu nghi vấn tội phạm trộm cắp tài sản đều gọi điện báo cho đội trật tự thôn giám sát, phòng ngừa. “Cuộc sống người dân chúng tôi giờ đây đã văn minh hơn khi không còn phải cầm đèn pin soi đường như trước đây nữa. Buổi tối, người già và trẻ em đi lại vô tư mà không còn lo va quệt với các phương tiện giao thông”, ông Tập nói.

Chia sẻ sau nhiều chuyến công tác trong Tháng thanh niên năm nay, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đặc biệt ấn tượng khi chương trình thắp sáng đường quê xuất hiện chưa đầy 2 năm nay nhưng đang nở rộ ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam. Theo anh Dũng, thắp sáng đường quê hiện là cách làm khẳng định sự đóng góp cụ thể, ý nghĩa nhất của thanh niên tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới. Cũng theo anh Dũng, T.Ư Đoàn sẽ nghiên cứu chi tiết và hướng dẫn nhân rộng Chương trình ra toàn quốc, đưa sáng kiến làm đường điện chiếu sáng phủ khắp nông thôn Việt Nam.

 


  • 28/03/2013 09:24
  • Theo Thanh Niên
  • 3314


Gửi nhận xét