Tháng Ba – tiếng gọi từ Cồn Cỏ

Được ví như “con mắt thần”, “vọng gác tiền tiêu” của Vịnh Bắc Bộ, với vị trí địa lý - lịch sử, Cồn Cỏ có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển đảo với các sản phẩm, loại hình như tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, du lịch thể thao, lặn thám hiểm biển, câu cá, khám phá rừng nguyên sinh trên đảo... Những tiềm năng đó như bừng tỉnh khi Cồn Cỏ có dòng điện 24/24h qua máy phát Diezen tại chỗ.

Cồn Cỏ -  đảo 2 lần được phong Anh hùng.

Những ngày giữa tháng 3 này, theo đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chúng tôi có dịp ra với Cồn Cỏ, hòn đảo 2 lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng. Giữa muôn trùng sóng nước, biển khơi, đảo Cồn Cỏ dần hiện ra xanh mướt, xen lẫn với những công trình kiên cố của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Từ xa, khi tàu chưa cập bến, hình ảnh lá cờ tổ quốc đã hiện ra, căng mình trong nắng, gió tháng ba. Chưa bao giờ tôi thấy cờ tổ quốc và biểu tượng quốc huy đẹp như thế.

Tàu biên phòng đưa đoàn công tác từ cảng Cửa Việt (Gio Linh – Quảng Trị) ra với đảo Cồn Cỏ, người chiến sĩ có nước da ngăm đen, nhuốm mặn mòi của biển cả nói với tôi trong tiếng máy ầm ì, ra đảo mùa này sóng lặng, độ cao con sóng không quá 4m giúp tàu bè đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Tiếp câu chuyện với người lính biên phòng, giờ ở ngoài đảo có điện lưới quốc gia, vui lắm, những ngày bà con ngư dân “trúng” cá, tập trung về đảo nhiều để mua bán, trao đổi hàng hoá, rộn ràng không kém đất liền.

Thật vậy, hình ảnh cảng cá Cồn Cỏ hiện ra ngay khi tàu cập cảng, điều đó khiến những người như chúng tôi nghĩ mình đang về với bất cứ vùng biển nào trên dải đất hình chữ S này. Rồi bước chân lên đảo, ngoài công trình, trụ sở của Nhà nước đầu tư, điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, ngoài điện, đường, trường, trạm, rồi nhà hàng, hệt như phố biển của khu du lịch nào đó, bộ mặt huyện đảo Cồn Cỏ uy nghi đến lạ.

Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ cho biết, với chủ trương “dân sự hoá”, năm 2002 đánh dấu bước phát triển mới ở đảo Cồn Cỏ. Bằng mô hình “Đảo thanh niên” tỉnh Đoàn Quảng Trị đã đưa 43 Thanh niên xung phong ra đảo lập nghiệp. Năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ đươc thành lập với định hướng phát triển thành huyện đảo du lịch kết hợp với QPAN giữ vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo (hiện Cồn Cỏ có 02 khu dân cư với 19 hộ).

Đổi thay khi đảo Cồn Cỏ được cấp điện liên tục

Đặc biệt, cũng theo ông Tuấn, tháng 8 năm 2017, cuộc sống của người dân nơi đảo tiền tiêu như đánh dấu trang mới khi điện phát liên tục. Có điện, Cồn Cỏ tập trung triển khai Đề án “mở tuyến du lịch ra đảo Cồn Cỏ”, nhà đầu tư du lịch cũng quan tâm chú trọng đến khi đầu tư thực hiện dự án khu resort với các hạng mục như bãi tắm, hạ tầng lưu trú, ẩm thực…

Bên cạnh đó, ngoài việc kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, mở rộng, tôn tạo một số điểm đến,... thì địa phương còn nâng cấp các dịch vụ hiện có, đào tạo nghề và nghiệp vụ dịch vụ, du lịch cho người dân, triển khai các mô hình phù hợp với điều kiện của đảo… Qua đó nâng cao chất lượng, ổn định đời sống người dân  và thực hiện các chủ trương, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.

Đủ điện – Đảo “khoác áo mới”

Cũng cần nói thêm rằng, trước đây, năm 2009, lưới điện trên đảo được tỉnh Quảng Trị đầu tư, quy mô nhỏ, thời gian cấp điện trong ngày ngắn. Do máy phát có công suất thấp nên chỉ đáp một phần nhu cầu của người dân, cơ quan hành chính và chiến sĩ trên đảo, thiệt bị công suất lớn hạn chế sử dụng.

Từ khi tiếp nhận, quản lý, vận hành cấp điện cho Cồn Cỏ, EVN giao cho Tổng công ty Điện lực miền Trung (trực tiếp là Công ty Điện lực Quảng Trị - PC Quảng Trị), thành lập Trạm điện Cồn Cỏ, lắp đặt thêm 01 máy phát điện 250kVA, thay thế toàn bộ công tơ cũ bằng công tơ điện tử....

Đến nay PC Quảng Trị mua thêm 02 máy phát 500kVA – 230/400V-50Hz (dự kiến lắp đặt trong tháng 3/2018) để phục vụ nhu cầu phụ tải, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, ANQP, du lịch trên đảo và 3 bồn chứa dầu (20 tấn/bồn) để cung cấp và dự trữ nguyên liệu đảm bảo đủ vận hành ít nhất 01 tháng (khi thời tiết không thuận lợi).

“Việc bán điện cho khách hàng (hơn 300.000kWh/năm) bằng nguồn điện Diezen tại đây, với giá thành hiện tại (theo quy định của Chính phủ) EVN đang bù lỗ. Nhưng với trách nhiệm được giao, EVN luôn gắng đảm bảo lưới điện được duy trì liên tục tại đảo” – ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổng công ty Điện lực miền Trung, quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH huyện đảo Cồn Cỏ đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, nhu cầu dùng điện cho ANQP trên đảo dự kiến đến năm 2020 khoảng 2.77MVA, 2025 là 3.66MVA và 2030 khoảng 4.67MVA.

Năm 2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Mai đề xuất thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng tâm linh Cồn Cỏ. Dự án có mức đầu tư khoảng gần 1500 tỷ đồng với nhiều hạng mục khách sạn, vui chơi giải trí, khu ẩm thực… Đây là tín hiệu vui cho đảo Cồn Cỏ, nhưng dự kiến nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng mạnh. Giai đoạn 2019 -2020 nhu cầu dụng điện sẽ tăng, để cấp điện an toàn, liên tục trên Đảo cần phải xây mới các trạm biến áp, đường dây cáp ngầm, bổ sung đường dây, tổng chi phí các hạng mục khoảng 10 tỷ đồng.

Đoàn công tác EVN trao quà động viên CB-CNV trên đảo 

Trong chuyến công tác tại huyện đảo Cồn Cỏ lần này, Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tuy Tập đoàn tiếp nhận và cung cấp điện 24/24 trên đảo nhưng vẫn phải dùng điện diezen. Thời gian tới, khi hoàn thành nhà công vụ và có thêm 2 tổ máy phát điện hoạt động, đơn vị sẽ cung cấp đủ nhu cầu sử dụng điện trên đảo, để phát triên kinh tế và du lịch tại đây. Về lâu dài Tập đoàn sẽ khảo sát và lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió tại đảo nhằm bổ sung, dần thay thế điện diezen, ông Thành cho biết thêm.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phát triển kinh du lịch kết hợp với ANQP hài hoà, lồng ghép phát triển với bảo vệ an ninh quốc phòng. Việc có nhiều nhà đầu tư đã tìm tới xây dựng khách sạn, dịch vụ, thăm quan trên đảo Cồn Cỏ từ khi có điện đã cho thấy chủ trương đó là hoàn toàn đúng đắn. Tỉnh Quảng Trị sẽ kết nối tam giác du lịch giữa Cồn Cỏ - Cửa Tùng – Cửa Việt, ông Đồng cho biết thêm.

 Cũng theo ông Đồng, Về lâu dài, tỉnh Quảng Trị mong muốn có nhiều nhà đầu tư tìm tới Cồn Cỏ, vì thế tỉnh mong được sự hỗ trợ của ngành điện để đa dạng nguồn điện từ điện gió, điện mặt trời và có thể là kéo cáp ngầm đưa điện ra với Cồn Cỏ.

Diện tích không lớn nhưng huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) lại có vị trí chiến lược quan trọng án ngữ cửa ngõ phía Nam Vịnh Bắc Bộ. Nơi đây cách đất liền khoảng 15 hải lý, có thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bải tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát..., rừng tự nhiên chiếm trên 70% diện tích, là một trong những vùng biển có rặng san hô tốt nhất Việt Nam… thuận lợi cho phát triển kinh tế biển đảo (dịch vụ, du lịch lặn biển ngắm san hô, đánh bắt, nuôi trồng…).

 


  • 23/03/2018 03:27
  • Theo Báo Công Thương Điện tử
  • 11962