Tết này, bà con Nhơn Mỹ không còn đói điện

Nhơn Mỹ là xã miền núi thuộc Thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định, có địa hình vừa đồi núi vừa đồng bằng, các trục giao thông khá phức tạp. Phần lớn người dân Nhơn Mỹ sống chủ yếu bằng nghề nông, đặc biệt các khu dân cư là những thôn xóm rải rác và ở sâu trong các ngõ hẻm. Trước 1982, người dân Nhơn Mỹ chưa có điện, ánh sáng sinh hoạt chủ yếu là đèn dầu hoặc đèn cầy, chống hạn, chống úng chỉ bằng máy bơm nước chạy xăng, hoặc dầu với công suất nhỏ, không đủ sức cứu những cánh đồng lúa khi cháy nắng, hay khi bị ngập nước

Với khát khao có điện, chính quyền xã Nhơn Mỹ đã vận động nhân dân góp vốn đầu tư xây dựng đường dây. Mục tiêu trước mắt là làm sao có điện về để cấp cho 2 trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Đến tháng 12/1982 thì công trình hoàn thành với 2,018 km đường dây hạ áp, tải điện về cấp chủ yếu cho 2 trạm bơm nông nghiệp Bảy Yển và Bình Thạnh thuộc Xã Nhơn Mỹ. Một vài bà con khu vực lân cận trạm bơm xin kéo điện về thắp sáng gia đình, “Khi có điện về sáng nhà sáng cửa, vợ chồng em mừng đến rơi nước mắt, lũ nhỏ thì có điện để học bài, vợ chồng em ráng góp tiền mua ti vi để nâng cao kiến thức, nghĩ cách làm ăn”. Một nông dân sống gần trạm bơm Bảy Yển chia sẻ.

Thấy rõ lợi ích từ việc có điện, các khu dân cư khác cũng đồng lòng góp vốn mua vật tư dựng trụ kéo dây đưa điện về nhà để dùng, và cứ như thế hình thức góp vốn xây dựng đường dây kéo điện về nhà ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, tham gia hình thức này chỉ một số ít hộ dân có điều kiện về tài chính, còn phần đông bà con nghèo chỉ biết ước mơ và trông chờ. . .

Đón Tết này bà con xã Nhơn Mỹ không còn “đói” điện. Ảnh: CTV

Hiểu và thông cảm với khó khăn của bà con, ngành Điện đã cùng với các cấp chính quyền tỉnh và địa phương phối hợp tích cực triển khai dự án REII cải tạo và xây dựng mới lưới điện xã Nhơn Mỹ với tổng chiều dài đường dây 0,4 kV là 30,5 km và 6 trạm biến áp với tổng dung lượng 840 kVA. Theo đó, ngày 19/5/2010, Điện lực An Nhơn chính thức tiếp nhận lưới điện hạ áp với vẻn vẹn 5,79 km, thực trạng lưới điện khi tiếp nhận chất lượng quá kém, đa số cột điện bằng tre nhiều vị trí đường dây điện được mắc treo trên cây hoặc gác trên hàng rào chè. . . không đảm bảo an toàn, điện áp thấp đến mức, muốn nấu một nồi cơm điện chín, bà con phải nấu từ 5 giờ sáng.

Ngay từ những ngày đầu sau khi tiếp nhận, ngoài việc thay cáp công tơ đo đếm và các phụ kiện kèm theo, Điện lực An Nhơn đã tiến hành di dời công tơ đến vị trí an toàn. Nhờ vậy, bà con đã được sử dụng điện an toàn, đảm bảo về chất lượng, bà con đã có thể nấu được cơm điện vào bất cứ lúc nào. Đặc biệt, tỷ lệ điện tổn thất đã giảm từ 23% xuống còn 12%. Nhưng đó cũng chỉ là niềm vui của số ít bà con có điện, trên thực tế bà con Nhơn Mỹ vẫn còn “đói” điện, nhu cầu sử dụng gấp nhiều lần so với sản lượng điện đã được cấp. Trong khi đó để triển khai tiếp dự án REII, nhiều khó khăn mới lại xuất hiện.

Một lần nữa, dần tháo gỡ và giải quyết các khó khăn, trước tiên là thực hiện cấp điện an toàn chất lượng, ngành Điện lại tiếp tục đầu tư hoàn thiện lưới điện hạ áp sau tiếp nhận, trong đó, điểm mối chốt của công trình là xây dựng thêm các nhánh rẽ đi sâu vào trong các xóm dân, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để thực hiện được việc này, Điện lực An Nhơn phải dùng nhiều biện pháp thi công khá phức tạp, nhiều công đoạn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhất là khâu giải phóng mặt bằng và đền bù hoa màu cho nhân dân.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Công ty Điện lực Bình Định và nỗ lực phấn đấu của Điện lực An Nhơn, những vướng mắc trở ngại lần lượt được tháo gỡ, công trình đã được thi công và hoàn thành vào cuối năm 2012, nhiều cụm dân cư trước đây không có điện thì giờ đây điện đã được đưa đến nơi, tiêu chuẩn chất lượng điện được đảm bảo, hiệu quả lớn nhất là tỷ lệ điện tổn thất giảm xuống còn 8%. Bên cạnh đó, công tác kinh doanh bán điện không còn khó khăn phức tạp như trước nữa, các xóm dân khó kéo điện nhất cũng được có điện, đặc biệt là, các hộ nghèo không đủ tiền góp vốn thì nay cũng đã có điện vào nhà.

Công trình “Hoàn thiện lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận khu vực xã Nhơn Mỹ”:

  • Tổng kinh phí: Khoảng 2,34 tỉ đồng.
  • Đã thực hiện sửa chữa tối thiểu lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận và xây dựng mới 7,164 km đường dây, trong đó gồm 3,13 km đường dây 0,4 kV và 4,034 km đường dây 0,2 kV.

               


  • 08/02/2013 03:41
  • VnAn
  • 3232


Gửi nhận xét