Tây Bắc đang chuyển mình

Trao đổi về vai trò của Thủy điện Sơn La trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, ông Hoàng Chí Thức - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho rằng: Công trình thế kỷ này đang và sẽ tạo động lực cho Tây Bắc nói chung, 3 tỉnh Sơn La – Điện Biên – Lai Châu nói riêng, có thể thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững và bứt phá mạnh mẽ…

Ông Hoàng Chí Thức, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Ảnh: H.T

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò, vị trí của Thủy điện Sơn La đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung?

Ông Hoàng Chí Thức: Đây là một dự án quan trọng quốc gia có quy mô vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh vùng Tây Bắc nói chung, như kết luận của BCH Trung ương Đảng đã xác định ngay khi dự án được phê duyệt.

Có thể khẳng định, Thủy điện Sơn La là công trình công nghiệp lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La, tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh là phát triển thủy điện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Công trình hoàn thành, đưa vào khai thác, sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương một nguồn thu không nhỏ, góp phần tăng thu ngân sách của các tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, công trình còn tạo ra mặt hồ nuôi trồng thủy sản rộng lớn, tạo thêm việc làm cho đồng bào trong vùng, phát triển du lịch trong tương lai…

Đặc biệt, các dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La do các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu làm chủ đầu tư, là dịp để các tỉnh bố trí lại dân cư theo quy hoạch điểm tái định cư, đồng thời người dân tại nơi ở mới có điều kiện sống bằng và tốt hơn nơi ở cũ, sớm ổn định cuộc sống lâu dài tại đây. Nhà máy cũng tạo việc làm ổn định cho con em các dân tộc trong vùng trực tiếp làm công nhân vận hành. Các yếu tố hạ tầng đồng bộ như điện, đường, trường trạm, nước sạch… phục vụ cho dự án di dân tái định cư của thủy điện cũng tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc được hưởng lợi, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống. Hơn thế nữa, nguồn điện từ Nhà máy sẽ đảm bảo cung cấp điện lưới an toàn, ổn định cho đồng bào các dân tộc trong vùng.

Ngoài ra, khi Nhà máy đi vào hoạt động, ngân sách các tỉnh còn được bổ sung từ nguồn thuế VAT, thuế tài nguyên, phí trồng rừng… Đây là điều kiện để các tỉnh có nguồn kinh phí chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng, khắc phục dần tình trạng phá rừng làm nương. Đặc biệt, lòng hồ Thủy điện Sơn La có diện tích lớn phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản, hứa hẹn tiềm năng phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch sinh thái hấp dẫn.  Các tỉnh sẽ có thêm nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng lưu vực đầu nguồn sông Đà.

Có thể khẳng định, công trình Thuỷ điện Sơn La, sẽ tạo thêm động lực, góp phần thúc đẩy kinh tế các tỉnh Tây Bắc phát triển, vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới…

PV: Vậy tính đến thời điểm này, đồng bào các tỉnh Tây Bắc đã được hưởng lợi ích cụ thể nào từ dự án Thủy điện Sơn La, thưa ông?

Ông Hoàng Chí Thức: Công trình Thủy điện Sơn La cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành cả 6 tổ máy, đang phát huy hiệu quả từng ngày. Đồng bào trong vùng đang từng bước được hưởng lợi, thông qua việc thực hiện các dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Người dân được hưởng nguồn vốn chính sách đầu tư, hỗ trợ di dân tái định cư với mức bình quân từ 1,21 tỷ đồng/hộ. Đây là nguồn tài chính quan trọng, tạo điều kiện giúp cho đồng bào xoá đói giảm nghèo và từng bước ổn định đời sống. Mặt khác, các tổ máy hoàn thành đưa vào vận hành phát điện, đã tạo thêm nguồn điện năng lớn, cung cấp điện luới quốc gia cho đồng bào các tỉnh trong vùng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp đồng bào từng bước sử dụng thiết bị máy móc, cơ khí hóa, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động…

PV: Để công trình Thủy điện Sơn La có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình, theo ông cần có sự phối hợp đồng bộ như thế nào từ chính quyền địa phương cũng như Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các ban, ngành Trung ương?

Ông Hoàng Chí Thức: Nhà máy Thủy điện Sơn La là công trình quan trọng quốc gia, không chỉ có chức năng kinh doanh phát điện, mà còn có nhiệm vụ điều tiết nước cho vùng đồng bằng Bắc Bộ vào mùa cạn và điều tiết lũ vào mừa mưa; cung cấp nước cho Nhà máy Thủy điện Hoà Bình tăng thêm thời gian phát điện. Vì vậy, để công trình thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội của mình, rất cần có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương các cấp, các ngành liên quan…

Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành Trung ương đã và đang tạo hành lang pháp lý cũng như về cơ chế, chính sách bảo vệ vùng đầu nguồn Nhà máy, để không bị bồi lấp nhanh, chống lũ ống, lũ quét. Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành Trung ương đôn đốc các công ty vận hành khai thác thủy điện nộp thuế VAT, thuế tài nguyên và phí trồng rừng cho các tỉnh Tây Bắc. Đồng thời, xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách để các tỉnh trong vùng được hưởng nguồn lợi từ hiệu quả công trình này mang lại.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đang xây dựng chi tiết quy hoạch phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, trong đó nhấn mạnh tính liên kết vùng hoàn chỉnh, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đây sẽ là một trong những yếu tố then chốt để công trình Thủy điện Sơn La có thể đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của các tỉnh Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, tạo động lực cho vùng Tây Bắc từng bước xóa đói giảm nghèo, chuyển mình vươn lên cùng đất nước…

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 03/01/2013 12:51
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 2435


Gửi nhận xét