Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời đại truyền thông số

Nhân dịp 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), ông Trịnh Mai Phương – Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Điện lực về những đổi mới trong công tác truyền thông của EVN.

PV: Với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, báo chí – truyền thông ở Việt Nam đã và đang đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp xu thế truyền thông số. Hoạt động báo chí truyền thông tại EVN thời gian qua có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Trịnh Mai Phương - Trưởng ban Truyền thông EVN

Ông Trịnh Mai Phương: Phải khẳng định rằng, chúng ta đang sống trong “kỷ nguyên 4.0” và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Trong xu thế đó, EVN cũng không phải là ngoại lệ. Tập đoàn đã ban hành Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số. Để hiện thực hóa mục tiêu này, EVN đang triển khai chuyển đổi số trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động và đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả ấn tượng, trong đó có công tác truyền thông.

Thời gian qua, công tác truyền thông của EVN đã có những đổi mới mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng truyền thông số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng, cũng như đông đảo khách hàng sử dụng điện. Các sản phẩm truyền thống như tạp chí, website được đổi mới mạnh mẽ về nội dung và hình thức thể hiện, tăng cường các nội dung Infographic, các nội dung truyền thông đa phương tiện…

Khai thác thế mạnh của mạng xã hội, EVN đã kịp thời phát triển các kênh truyền thông mới có tính tương tác cao và phù hợp với xu thế của người đọc như: Fanpage Điện lực Việt Nam, Youtube Điện lực Việt Nam EVNnews… Đến nay, các kênh này đang phát huy hiệu quả cao trong việc lan tỏa thông tin, với số lượt tiếp cận các nội dung tin/bài/video đăng tải rất ấn tượng; nhiều nội dung đạt hàng trăm nghìn lượt tiếp cận. Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã đưa vào vận hành thử nghiệm kênh Tiktok Điện lực Việt Nam. Bước đầu, các clip trên kênh đã cho thấy tính lan tỏa nhanh với số lượt xem rất lớn, hứa hẹn tính hiệu quả cao khi triển khai chính thức kênh Tiktok trong thời gian tới.

Về truyền thông nội bộ dành cho CBCNV, ngoài trang home.evn.com.vn, bản tin nội bộ EVNNews, bản tin điện tử EVN hằng tuần, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xây dựng và phát triển trang Group Đồng nghiệp EVN trên nền tảng Facebook, tạo một “sân chơi” để CBCNV trong toàn ngành không chỉ cập nhật nhanh nhất các thông tin, sự kiện từ đơn vị mà còn là “ngôi nhà chung” để trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chia sẻ những tình cảm sâu sắc thể hiện lòng yêu nghề... Đến nay, Group Đồng nghiệp EVN đã có gần 46.000 thành viên, với hàng nghìn nội dung được đăng tải, thảo luận, tương tác hằng tháng.

Công tác truyền thông của EVN cũng ngày càng đa dạng cách thức thể hiện. Ngoài các tin/bài/phóng sự/video clip, EVN đã khai thác thế mạnh của mạng xã hội để triển khai những nội dung livestream trực tiếp trên các kênh Fanpage, Youtube, Group, tăng tính thời sự và hấp dẫn đối với người xem.

Bên cạnh đó, EVN cũng đã rất chủ động cung cấp thông tin/thông cáo báo chí tới các cơ quan báo chí, các phóng viên theo dõi ngành để các cơ quan báo chí có thể đăng tải thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Cùng với các bài viết, phóng sự, video, EVN còn triển khai các nội dung tọa đàm trực tuyến, phát trực tiếp trên các trang báo điện tử và các kênh Fanpage của các cơ quan báo chí, qua đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ…

PV: Việc đổi mới trong cách tiếp cận, mở rộng các phương tiện truyền thông bước đầu đã mang lại hiệu quả cao hơn. Vậy theo ông, để đạt được kết quả này, yếu tố nào là quan trọng nhất?

Ông Trịnh Mai Phương: Đầu tiên, tôi cho rằng đó là sự quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khi triển khai chuyển đổi số trong EVN trên tất cả các lĩnh vực công tác nói chung và lĩnh vực truyền thông nói riêng. Lãnh đạo EVN đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc triển khai hoạt động các kênh truyền thông số trên mạng xã hội; tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thiết bị… đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất các nội dung số.

 

Những con số ấn tượng truyền thông trên mạng xã hội của EVN tính đến 15/6/2022:

Fanpage Điện lực Việt Nam: Gần 61.000 tài khoản theo dõi;

Youtube Điện lực Việt nam - EVNNews: Gần 14.000 tài khoản đăng ký;

Group Đồng nghiệp EVN: Gần 46.000 thành viên.

Cùng với đó là sự đổi mới trong tư duy, cách triển khai của những người làm công tác truyền thông từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến các đơn vị. Các phóng viên, biên tập viên của Trung tâm Thông tin Điện lực, những người làm công tác truyền thông tại các đơn vị đã không ngừng nỗ lực, học hỏi, trau dồi các kiến thức, kỹ năng về truyền thông số, truyền thông đa phương tiện trên các nền tảng. Mặc dù vậy, dư địa để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông của EVN tới các đơn vị đều còn nhiều, nhất là ở các đơn vị cấp 3 (các công ty điện lực, công ty phát điện...) là cấp tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng đa dạng trong xã hội, ảnh hưởng quan trọng tới hình ảnh và uy tín của toàn EVN.

PV: Trên hành trình số hóa công tác truyền thông, đâu là những thách thức mà EVN phải đối mặt?

Ông Trịnh Mai Phương: Điện lực là ngành có những đặc thù chuyên môn sâu, rộng về kinh tế, kỹ thuật nên để triển khai được những nội dung ngắn gọn, hấp dẫn, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác, phù hợp với xu thế của độc giả trên các nền tảng số, trên mạng xã hội là không đơn giản.

EVN là một doanh nghiệp, nên các thông tin tuyên truyền chỉ tập trung trong khuôn khổ hoạt động ở quy mô của tập đoàn. Do vậy, áp lực đối với những người thực hiện nội dung trong việc “làm mới” các hoạt động vốn có tính lặp lại cũng là thách thức lớn.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phục vụ vận hành các kênh truyền thông trên các nền tảng số cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu an ninh thông tin không được đảm bảo, chúng ta không chỉ phải đối mặt với việc mất dữ liệu, mà các kênh thông tin còn có thể bị đối tượng xấu phá hoại, thay đổi giao diện, xuyên tạc nội dung,… gây ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị, thậm chí gây mất lòng tin của người dân, các khách hàng sử dụng điện đối với một doanh nghiệp Nhà nước như EVN.

Phóng viên, biên tập viên EVNEIC tác nghiệp tại Quảng Ngãi về ảnh hưởng của cơn bão số 9, tháng 10/2020

PV: Thưa ông, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xu thế truyền thông số, đội ngũ những người làm công tác truyền thông trong EVN cần phải làm gì?

Ông Trịnh Mai Phương: Cơ sở hạ tầng, nguồn lực là những yếu tố quan trọng hàng đầu, nhưng nếu lực lượng làm công tác truyền thông chậm đổi mới, chúng ta sẽ “tụt hậu”. Để đứng vững và “giữ chân” độc giả trong thời đại truyền thông số, chúng ta cần phải nâng cao chất lượng nội dung của tin tức, đa dạng cách thức truyền tải, bắt kịp xu thế xem/đọc của công chúng ngày nay đang có xu thế “nhanh hơn – nhiều hơn”.

Để công tác này ngày càng hiệu quả, lực lượng làm công tác truyền thông trong EVN, đặc biệt là Trung tâm Thông tin Điện lực – đơn vị quản lý các kênh truyền thông của EVN cần không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, để có những tác phẩm hay, thiết thực và hấp dẫn đối với người xem, đối với cả những độc giả ngoài xã hội và những độc giả là CBNV trong EVN.

Bản thân những CBCNV làm công tác truyền thông ở EVN và các đơn vị cũng phải không ngừng học tập, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, đặc biệt là thường xuyên cập nhật những kiến thức, xu thế của truyền thông số; có nghiệp vụ, kỹ năng sản xuất sản phẩm nội dung số; nhanh chóng tiếp cận và sử dụng công nghệ hiện đại, nâng cao tính đa năng trong việc sử dụng các phương tiện, công cụ và kỹ năng để sản xuất các ấn phẩm truyền thông khác nhau… Đồng thời, chúng ta cũng cần cập nhật những thông tin, xu thế truyền thông mới của các cơ quan báo chí, để có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc đăng tải, lan tỏa các nội dung về ngành Điện trên các kênh này.

Khó khăn, thách thức là không nhỏ, nhưng với sự nhiệt huyết, sáng tạo của đội ngũ làm công tác truyền thông từ EVN đến các đơn vị, tôi tin tưởng rằng, công tác truyền thông của EVN sẽ ngày càng được đổi mới, phát triển, bắt kịp các xu thế của thời đại…, góp phần lan tỏa hình ảnh, thương hiệu EVN chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, phát triển bền vững đến cộng đồng xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc tới các cán bộ nhân viên và người lao động làm công tác truyền thông toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao!

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 21/06/2022 10:00
  • Theo Tạp chí Điện lực quý II/2022
  • 8092