Tăng giá điện để thu hút nhà đầu tư

Ngay sau khi Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng 6,08%, nhiều ý kiến lo ngại việc tăng giá điện có tác động tiêu cực đến đời sống người dân, gây lạm phát.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn, đánh giá của mình, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần công bằng trong cách đánh giá về giá điện bởi chúng ta duy trì giá điện trong thời gian dài ở mức thấp. Việc điều chỉnh giá theo thị trường cạnh tranh, dựa trên các yếu tố đầu vào, tăng vừa để thu hút đầu tư vào ngành điện, vừa giúp chính doanh nghiệp cân đối, tiết kiệm sản xuất.

Thu hút đầu tư vào điện gió

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), giá điện tăng phần nào đó sẽ tác động đến các ngành sản xuất khác, tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhất là thép và xi măng. Tuy nhiên, giá điện thấp cũng có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ không đầu tư vào ngành điện và sẽ có nguy cơ chúng ta thiếu điện. “Vấn đề của chúng ta là công khai, minh bạch và có sự giám sát độc lập giá điện” - ông Doanh nói.

Theo ông Doanh, tăng giá điện sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội tham gia vào thị trường điện, đặc biệt đối với điện gió, mặt trời. “Việc có thể khuyến khích năng lượng tái tạo thành công hay không chính là ở chỗ cơ chế bán điện có linh hoạt, thị trường hóa hay không?  Nhiều năm qua Việt Nam duy trì giá bán điện thấp chỉ có lợi cho điện than, trong khi chi phí sản xuất điện mặt trời, sinh khối cao hơn nhưng bền vững hơn, an toàn hơn lại bị mua ở mức thấp, điều này khiến chúng ta không cân đối được” - ông Doanh nêu quan điểm.

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: "Trên thực tế, suất đầu tư điện than hiện nay về quan niệm thấp hơn so với công nghệ mới. Tuy nhiên, quá trình hoạt động nhiệt điện than sẽ phát thải ra môi trường dẫn đến hiệu quả giảm, chi phí tổng hợp tăng. Do vậy tăng giá điện theo cơ chế thị trường cạnh tranh, đảm bảo đúng tiêu chí nâng cao giá để thu hút nhà đầu tư mới từ điện gió, điện mặt trời".

Tăng giá điện sẽ giúp nhà đầu tư mới có cơ hội tham gia vào thị trường điện.

Không ảnh hưởng lạm phát

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lần gần nhất tăng giá điện là từ tháng 3-2015. Trong ba năm đó, năm 2015 lạm phát 0,6%, năm 2016 là 4,74%, năm 2017 dự kiến là 4%. Như vậy, tính toán nhanh cho thấy giá điện tăng thấp hơn tốc độ tăng giá trung bình của các mặt hàng khác trong nền kinh tế.

Theo ông Đức, tăng giá điện vào tháng 12 có thể tác động nhất định đến những doanh nghiệp đang sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết của người dân. Tuy nhiên, việc tăng giá điện thời điểm này đã được tính toán với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2017 là 4%. “Chính phủ chọn thời điểm này để tăng giá điện khi mà mục tiêu lạm phát dưới 4% đã nằm trong lòng bàn tay” - ông  Đức nói.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế: "Tăng giá điện thời điểm này là phù hợp, bởi gần ba năm qua giá điện không tăng. Trong khi đó giá đầu vào như than, dầu, tỉ giá hối đoái được điều chỉnh... Việc tăng giá điện nhằm bù đắp với việc tăng giá đầu vào là hợp lý, mức này chỉ tương đương với lạm phát.

“Thực tế việc tăng giá điện mức 6,08%, cộng thêm 10% của VAT có thể sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng, mức lạm phát từ nay đến Tết Nguyên đán tăng lên. Tuy nhiên, mức độ lạm phát hiện được đánh giá cả năm 4%, các chỉ số giá tiêu dùng hiện được ổn định” - ông Phong nói.


  • 07/12/2017 09:54
  • Nguồn: Báo điện tử Pháp luật TP Hồ Chí Minh
  • 6532