Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế

Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Bộ Công Thương vừa tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến về “Đề án Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú – Tổng thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chủ trì buổi tọa đàm. Buổi tọa đàm còn có đại diện các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương. Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An đại diện EVN tham dự tọa đàm.

Theo Ban Chỉ đạo, Việt Nam sẽ bước vào một thời kỳ hội nhập mới với những dấu ấn đặc biệt như: WTO tiếp tục thúc đẩy hội nhập đa phương thông qua việc triển khai gói cam kết Bali, APEC đang tham vọng hướng tới việc thành lập Khu vực thương mại tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 và một loạt các FTA mà Việt Nam tham gia sẽ kết thúc đàm phán và bắt đầu triển khai thực hiện cam kết…

Xu hướng hội nhập sẽ chuyển dần trọng tâm từ hội nhập bên ngoài (thông qua đàm phán, ký kết) sang hội nhập bên trong (thông qua hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Vai trò thực thi cam kết, khai thác cơ hội của hội nhập cũng sẽ chuyển đến các địa phương và doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh H.Thương

Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp còn chưa nắm rõ thông tin cũng như chưa tích cực ủng hộ chủ trương về công tác hội nhập. Vì vậy, Bộ Công Thương đã xây dựng Đề án “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế”.

Tại tọa đàm, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các Ban hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh, thành phố phía Bắc, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế… đã đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng đề án đảm bảo thiết thực, khả thi. 

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận: Công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian đầu làm sôi nổi nhưng sau bị chìm dần; sự phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt. Tại Hà Nội, các sở chưa tham gia tích cực và coi đây chỉ là nhiệm vụ của Sở Công Thương; các doanh nghiệp còn thiếu các thông tin cụ thể về hội nhập; báo chí mới đưa tin chung chung. Bộ Công Thương đã nhìn nhận ra vấn đề trên và trưng cầu ý kiến về Đề án tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế là rất thiết thực.

Về phía EVN, ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc chia sẻ: Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam đã đứng thứ 3 Đông Nam Á và đứng thứ 31 trên thế giới về quy mô. Lưới điện không chỉ đưa về 99,59% số xã, 98,2% số hộ dân nông thôn mà lưới điện Việt Nam đã liên kết với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Trung Quốc, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng sang các quốc gia khác. Hoạt động của ngành Điện trong những năm qua có sự hợp tác quốc tế rất nhiều, hiện có 3 dự án điện BOT và 19 dự án khác có vốn  đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh thiết lập thị trường điện cạnh tranh thì nhu cầu hợp tác quốc tế là tất yếu. Vì thế, trong những năm qua EVN đã phổ biến cho các đơn vị về bối cảnh sắp tới, những cơ hội và thách thức khi hội nhập quốc tế, đồng thời yêu cầu các đơn vị phải chủ động thông tin tuyên truyền với quốc tế để đáp ứng những nhu cầu hội nhập của toàn xã hội.

Đóng góp vào ý kiến cho Đề án, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng: “Trong thời gian qua, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế còn chung chung, tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục mà chỉ theo chiến dịch. Vì vậy để công tác thông tin tuyên truyền đạt hiệu quả đòi hỏi tất cả các thành phần, tổ chức từ cơ quan lập pháp đến hành pháp phải nhận thức đây là lĩnh vực phải làm. Ngoài ra đề án cần đưa thêm các cơ quan quản lý truyền thông như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tham gia thực hiện. Đặc biệt, đối với các cơ quan truyền thông phải được tập huấn kỹ để chính những người thực hiện công tác truyền thông đó hiểu rõ vấn đề từ đó tuyên truyền đúng, cụ thể và hiệu quả”.

Tại buổi tọa đàm, Tổng thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế về quốc tế Nguyễn Cẩm Tú ghi nhận các ý kiến đóng góp và cho biết: Điểm mới trong công tác thông tin tuyên truyền dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tích cực của tất cả các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan. Bộ Công Thương sẽ là đầu mối của cả nước trong công tác tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự kiến, kế hoạch tuyên truyền sẽ được xây dựng tổng thể theo từng năm, có trọng tâm về nội dung, ưu tiên về đối tượng là các cán bộ quản lý Nhà nước tại địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, nhóm ngành hàng; bổ sung các phương thức tuyên truyền mới như mở chuyên mục Hội nhập kinh tế quốc tế trên các báo và tạp chí...

Các hoạt động thông tin tuyên truyền trọng tâm trong năm 2015 dự kiến là: Tuyên truyền về cộng đồng kinh tế ASEAN; tuyên truyền về các Hiệp định thương mại tự do; cơ hội và thách thức đối với các nhóm ngành hàng cụ thể, các nhóm doanh nghiệp cụ thể trong việc thực hiện các cam kết hội nhập; cách thức lồng ghép nội dung hội nhập kinh tế quốc tế vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương và vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.


  • 12/06/2015 09:46
  • Huyền Thương
  • 3511


Gửi nhận xét