Tái định cư Thủy điện Trung Sơn: Khi lòng dân đã thuận

Khu tái định cư số 1 Thủy điện Trung Sơn được triển khai đầu tiên, ngoài việc đầu tư kết cấu hạ tầng, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Trung Sơn còn có phương án hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế tại nơi ở mới.

Vì nguồn điện cho Tổ quốc

Để xây dựng Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đạt đến cao trình chống lũ, trong năm 2015, 30 hộ dân bản Co Me (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) phải di dời đến Khu Tái định cư số 1, nơi có kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây dựng khang trang.

Ông Ngân Văn Quàn (59 tuổi) là hộ đầu tiên chuyển đến nơi ở mới, được bà con trong khu tái định cư bầu làm Tổ trưởng, cho biết: “Những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố của bà con được xây dựng bằng tiền bồi thường, hỗ trợ từ BQL Thủy điện Trung Sơn. Mỗi gia đình nhận được từ vài trăm triệu đồng đến gần tỷ đồng. Từ khoản tiền này, bà con xây dựng nhà ở, mua sắm dụng cụ sản xuất, phát triển chăn nuôi... Gia đình tôi được đền bù hơn 800 triệu đồng, làm nhà xong, số tiền còn lại tôi sẽ đầu tư phát triển chăn nuôi hoặc buôn bán. So với nơi ở cũ, khu Tái định cư rộng, đẹp và tiện nghi hơn nhiều”.

Không giấu nổi niềm vui  khi đón nhận ngôi nhà mới khang trang, anh Hà Văn Trai cho biết: “Trước đây gia đình tôi ngoài nương rẫy, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, ruộng ít, nên gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, gia đình tôi đã được địa phương chuyển về khu Tái định cư số 1, nhường lại mảnh đất cũ cho xây dựng nhà máy”.

Nhớ lại khi còn ở đất cũ, bà Núi - vợ ông Trai chia sẻ: “Khổ nhất là những đứa trẻ, một phần vì gia đình khó khăn, một phần đi học vất vả nên nhiều cháu phải nghỉ học giữa chừng. Khu tái định cư này được BQL Dự án Thủy điện xây dựng có trường học ngay gần nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường, không phải đi qua sông, qua suối. Về đây, mỗi gia đình được cấp từ 300 m2 đến 350m2 đất ở, có nước sạch, có điện và đặc biệt có đường nhựa nối với trung tâm huyện, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế”.

Nhưng có lẽ vui nhất là bà Ngân Thị Sạch (58 tuổi). Bà có hoàn cảnh gia đình thật éo le. Chồng mất sớm, 2 con trai phải vào Nam kiếm kế sinh nhai, 2 con gái lấy chồng xa, thi thoảng mới về thăm mẹ. Ngôi nhà cũ nát dựng tạm bằng tre, lợp lá cọ đã lâu không được cải tạo, nâng cấp, nên khi mưa xuống, chỗ nào cũng thấy dột. Giờ chuyển đến nơi ở mới, rộng rãi, khang trang với các công trình phụ khép kín, tiện ích, bà chia sẻ: “Nếu không được BQL Thủy điện Trung Sơn hỗ trợ tiền xây dựng nhà, không biết bao giờ gia đình tôi mới có nhà kiên cố để ở. Niềm mơ ước bao đời của gia đình tôi bây giờ đã trở thành hiện thực”.

Một góc khu tái định cư số 1 (Tổ bản Xước, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) - Ảnh: Xuân Tiến

… Và tất cả vì lợi ích của dân

Thủy điện Trung Sơn nằm ở thượng nguồn sông Mã, có quy mô trung bình, nên chỉ có 676 số hộ dân thuộc 3 huyện của tỉnh Thanh Hóa và Sơn La phải di dời tái định cư.

Ông Ngô Quốc Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn cho biết: “Hiện tại, các điểm tái định cư đều đang trong quá trình thi công, phần lớn người dân đã bốc thăm và nhận ô đất của mình. Các khu tái định cư được thiết kế hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Các hạng mục được xây dựng bao gồm nhà ở hộ gia đình, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, nhà trẻ, nhà giáo viên…, đặc biệt là hệ thống điện hạ áp được kéo tới từng hộ, hệ thống đường giao thông nội vùng thuận tiện, hệ thống nước sinh hoạt được cấp đến từng nhà. Ngoài ra còn có hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Chúng tôi luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết”.

Khu tái định cư số 1 được triển khai đầu tiên, ngoài việc đầu tư kết cấu hạ tầng, Ban Quản lý Dự án còn có phương án hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế tại nơi ở mới: Hỗ trợ con giống, thức ăn, cây trồng... tập huấn quy trình, kỹ thuật canh tác trong sản xuất nông nghiệp và khai đất hoang để bà con phát triển sản xuất.

Ban Quản lý Dự án Thủy điện Trung Sơn xác định, việc di dân tái định cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, để đạt được sự đồng thuận cao, BQL Thủy điện Trung Sơn đã làm tốt công tác dân vận, tham khảo, lấy ý kiến của các cấp chính quyền, cũng như người dân ngay từ khi tiến hành khảo sát thiết kế Dự án.

Ngoài ra, trong quá trình thi công, Ban Quản lý cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, cung cấp thông tin với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình phải di dời hay chịu ảnh hưởng của của Dự án. Thông qua những cuộc tiếp xúc, vận động, người dân và chính quyền địa phương hiểu và nắm bắt được những thông tin cơ bản về Dự án, đặc biệt là chính sách hỗ trợ di dân tái định cư. Bản thân từng cán bộ của BQL cũng cố gắng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có hướng giải quyết một cách hợp lý mọi mâu thuẫn phát sinh, đảm bảo sự đồng thuận cao nhất từ phía người dân.

Đánh giá về những thành công bước đầu trong di dân tái định cư Thủy điện Trung Sơn, ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Những gì mà Thủy điện Trung Sơn đã làm rất đáng ghi nhận. Nhìn kết cấu hạ tầng đã xây dựng  tại Khu Tái định cư số 1, bà con trong diện phải thực hiện tái định cư rất tin tưởng vào BQL Dự án. Hi vọng, những điểm tái định cư còn lại của Thủy điện Trung Sơn sẽ tạo điều kiện ngày càng tốt hơn, tiện nghi và  hiện đại hơn, giúp người dân phải di dời nhà ở có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, tiến kịp với miền xuôi”.  

Dự án Nhà máy Thủy điện Trung Sơn

- Địa điểm xây dựng: Xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam
- Tổng vốn đầu tư: Hơn 410 triệu USD (vay vốn WB) và vốn đối ứng của EVN
- Khởi công: 24/11/2012
- Dự kiến phát điện tổ máy số 1: Quý IV/2016
- Dự kiến hoàn thành: Quý II/2017
- Sản lượng điện trung bình hàng năm: Hơn 1 tỷ kWh
- Đơn vị thi công: Nhà thầu Samsung C&T và Công ty Cổ phần Xây dựng 47
- Đơn vị giám sát thi công: Công ty AECOM (New Zealand) và Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đông Á.
- Tổng số hộ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án: 1.516
- Số hộ phải tái định cư: 616 ở 40 bản của 8 xã
- Tổng số tiền cho sinh kế, cải thiện cuộc sống: 41 triệu USD

 


  • 10/06/2015 03:08
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4307


Gửi nhận xét