Tái định cư Thủy điện Sơn La: Hạnh phúc trên quê mới

Từ những nếp nhà còn thơm mùi vôi mới hôm nào, đến nay, các bản tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La đã nhuộm màu thời gian; cây xanh đã vươn lên, rợp bóng bên mỗi ngôi nhà, đồng bào đã gắn bó và càng yêu tha thiết quê hương mới… Đó là thành quả được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, do UBND tỉnh Sơn La tổ chức vào tháng 4 vừa qua.

“Chinh phục lòng người khó hơn nhiều”

Để nhường đất cho nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, tỉnh Sơn La phải di chuyển 12.584 hộ dân, với 58.337 nhân khẩu từ 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La.

Nhận trách nhiệm trước Trung ương Đảng và nhân dân cả nước, cả hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La đã vào cuộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ di dân, TĐC. Đến nay, Sơn La đã di chuyển 100% số hộ dân nằm trong diện phải di dời đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Cuộc sống người dân vùng TĐC đã cơ bản ổn định, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao so với nơi ở cũ...

Với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo di dân TĐC huyện Mường La thời kỳ 2003 - 2004, ông Hà Chung - nguyên Bí thư Huyện ủy Mường La nhớ như in những ngày đầu thuyết phục người dân di dời: “Hàng trăm cán bộ của tỉnh, của huyện được tăng cường về các xã, bản làng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con di dời. Hàng nghìn nhân công, cùng hàng trăm thanh niên tình nguyện và bộ đội, công an đã được huy động về các bản “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc’’ với bà con”. 

Sở dĩ có sự vào cuộc đồng bộ và đông đảo như vậy bởi đa phần đồng bào TĐC đều là người dân tộc thiểu số, gắn bó với quê hương, với phong tục tập quán đã nhiều đời. Yêu cầu đồng bào dời nơi chôn rau cắt rốn để đến một vùng đất xa lạ, thực sự là một thách thức không hề nhỏ. 

“Nếu như chinh phục lòng sông để làm thủy điện đã khó, thì chinh phục lòng người còn khó hơn nhiều”, ông Lò Ngọc Ón -  Phó trưởng Ban Quản lý Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, tỉnh Sơn La chia sẻ. Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở nơi TĐC chưa được đầu tư; công tác quy hoạch các khu, điểm TĐC được tiến hành đồng thời với công tác bố trí dân chuyển đến TĐC… nên quá trình di dời gặp vô vàn khó khăn.

Khó là vậy, nên việc Sơn La di chuyển 12.584 hộ dân đến nơi ở mới một cách an toàn, đảm bảo đúng tiến độ, đã góp phần quan trọng vào việc Nhà máy Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm so với kế hoạch, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước. Đây thực sự là kỳ tích, là dấu ấn không thể nào quên của cuộc di dân lịch sử.

Học sinh vùng tái định cư Thủy điện Sơn La được học trong cơ sở hạ tầng đầy đủ

Bước khởi nghiệp trên quê mới

Năm 2007, khi chúng tôi đến khu TĐC Sơn Pha, xã Cò Nòi - bản TĐC xa nhất của huyện Mai Sơn, cũng là lúc các hộ dân ở xã Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai vừa đến khu TĐC. Khi ấy, nhiều bà con tỏ ra băn khoăn, lo lắng, thậm chí còn nghi ngại về cây trồng mới, vật nuôi mới, về việc phải thay đổi phương thức sản xuất mới, không được tự do hái rau trên rừng, bắt cá dưới sông như khi còn ở bản cũ. 

Nhưng đến năm 2015, khi quay trở lại mảnh đất này, đi trên con đường trải nhựa phẳng lì dẫn vào khu TĐC, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp, những sân bê tông phơi đầy ngô vừa thu hoạch. Đây đó, trên các nóc nhà, hệ thống giàn ăng ten tivi chi chít, xen vào đó là những giàn nước nóng năng lượng mặt trời.

Trưởng bản Sơn Pha - anh Lò Văn Hội chia sẻ: “Trước kia ở bản cũ nhiều nhà đói ăn lắm. Đất thì nhiều, nhưng đi làm nương phải qua sông, qua suối cực nhọc. Giờ về Sơn Pha, tất cả các hộ chịu khó lao động, tích cực học hỏi lẫn nhau nên các gia đình đều khá giả. Nhà nào cũng có tủ lạnh, xe máy, ti vi…”

Câu chuyện về khó khăn, lo lắng, băn khoăn của Sơn Pha hôm nào và tinh thần vươn lên làm giàu chính đáng của đồng bào TĐC ở Sơn Pha hôm nay, cũng chính là điều mà chúng tôi đã gặp, đã thấy ở nhiều khu TĐC Thủy điện Sơn La. Với mục tiêu “Phải tạo được các điều kiện để đồng bào TĐC sớm ổn định chỗ ở và đời sống, làm sao để nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”, ngay từ ngày đầu di dời, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể nơi tiếp nhận dân TĐC, vận động nhân dân nơi sở tại nhường đất, nhường nguồn nước và giúp đỡ các hộ TĐC dựng lại nhà, ổn định chỗ ở; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất và tổ chức giao đất cho các hộ dân TĐC phát triển sản xuất. 

Với những nỗ lực không mệt mỏi, trên quê hương mới, đại đa số đồng bào TĐC đã dần ổn định cuộc sống. Chè lại xanh trên các đồi nương, trâu bò không ngừng tăng về số lượng, các mô hình nuôi cá lồng, cá tầm trên lòng hồ thủy điện đang làm giàu cho nhiều hộ dân tái định cư; các ngành nghề dịch vụ xuất hiện ngày càng nhiều, phục vụ kịp thời nhu cầu của đồng bào… 

Một góc khu tái định cư thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên)

Nâng cao chất lượng sống 

12 năm thực hiện Dự án di dân TĐC Thủy điện Sơn La, những thành quả là rất đáng  ghi nhận. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 19/276 điểm TĐC chưa ổn định. Nhiều hộ vẫn còn chật vật lo miếng cơm manh áo, không có nghề nghiệp ổn định. Điều cần lưu ý là, lực lượng lao động trong vùng TĐC khá lớn, nhưng có tới 68,7% lực lượng lao động là nông nghiệp và chưa qua đào tạo...

Để tiếp tục ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào vùng TĐC giai đoạn 2016-2020, mới đây Ban quản lý Dự án di dân TĐC tỉnh Sơn La đã đề xuất phương án triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với vùng TĐC tại 8 huyện, thành phố như: Mô hình sản xuất rau củ quả an toàn; trồng cây dược liệu; sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; cà phê; trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản... Đặc biệt, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất.

Với các phương án này, cùng với việc chủ động rà soát, sắp xếp ổn định các khu dân cư; tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng… hy vọng, đồng bào sống tại các khu TĐC Thủy điện Sơn La sẽ ngày càng gắn bó, yêu quý và có cuộc sống mới ấm no, giàu đẹp trên quê hương mới... 

Tình hình kinh tế - xã hội các khu TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Sơn La tính đến năm 2015:

- Thu nhập bình quân tại các điểm TĐC: 1,28 triệu đồng/người/tháng (thời điểm trước khi di dân năm 2005, thu nhập của các hộ vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là 0,34 triệu đồng/người/tháng); 
- Tỷ lệ hộ nghèo: 18,13% (năm 2005 là 42,71%); 
- Tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng: 75%; 
- Tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học: 100%;
- Tỷ lệ phổ cập giáo dục THCS: 99%; 
- Số điểm TĐC ổn định, có điều kiện phát triển: 169/276 điểm (chiếm 61%);
- Số điểm TĐC cơ bản ổn định, có khả năng phát triển: 88/276 điểm (chiếm 32%);
- Số điểm TĐC chưa ổn định, sẽ có khả năng ổn định: 19/276 điểm (chiếm 7%);
- 99% số người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 
- 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

 


  • 27/06/2016 10:22
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7597