Tái cơ cấu doanh nghiệp ở EVN: Để phát triển bền vững…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiến trình CNH - HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Cao Sỹ Kiêm - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII đã có cuộc trao đổi với PV TCĐL về vấn đề này.

Ông Cao Sỹ Kiêm

TCĐL: Thưa ông, tại sao tái cơ cấu DNNN là một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội khóa XIII (ngày 8/11/2011) về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015, đã nêu rõ mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Trong đó, tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Hiện nay, ở Việt Nam, phần lớn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được thành lập từ thời bao cấp. Sau một thời gian dài hoạt động theo mô hình tập trung, nhiều tập đoàn, tổng công ty chậm đổi mới để tiếp cận với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn hoạt động kém hiệu quả so với nhiều doanh nghiệp được thành lập sau này. Trong khi đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang diễn ra ngày càng sôi động, yêu cầu quan trọng cấp thiết là phải đổi mới, cơ cấu lại các DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh.

Thực hiện Nghị quyết trên, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý, tất cả chỉ tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính. Việc tái cơ cấu các DNNN thực sự có chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả rõ rệt từ năm 2014.

Là một trong những DNNN thực hiện tái cơ cấu, ông đánh giá như thế nào về kết quả EVN đạt được thời gian qua?

Thực hiện mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, EVN là một trong những tập đoàn đi đầu trong việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành; chủ động giảm vốn tại các công ty cổ phần, tập trung mọi nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Tôi đã nhiều lần tham gia các đoàn kiểm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và có thể khẳng định, các hoạt động này của EVN luôn mang tính tích cực nội sinh và có sức lan tỏa rộng lớn.

Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình phát triển, EVN đã liên tục đổi mới và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, sau tái cơ cấu EVN đã có sự chuyển biến tích cực về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ, kinh doanh ổn định và hiệu quả. Đây chính là động lực, cơ sở cho kinh tế nước ta phát triển, đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, cách giải quyết các vấn đề của Tập đoàn còn là bài học kinh nghiệm cho các ngành kinh tế khác. Bởi lẽ, hoạt động điện lực liên quan trực tiếp đến các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống nhân dân. Vì vậy, sau khi thực hiện tái cơ cấu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã, đang và sẽ tạo động lực thúc đẩy các ngành khác kinh tế khác hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế đất nước và đời sống nhân dân với chất lượng ngày càng cao và dịch vụ ngày càng hoàn hảo.

Tái cơ cấu là động lực để EVN phát triển bền vững 

Nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo kinh nghiệm của ông, việc cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh có giúp EVN giải quyết được bài toán về huy động vốn đầu tư cho các công trình điện?

Những năm trước đây, vốn tự có của EVN chưa lớn, huy động vốn rất khó khăn, trong khi khối lượng đầu tư xây dựng các công trình điện rất lớn. Điện lực lại là ngành có sản phẩm, nhưng không thể dự trữ được. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào, thiên tai, những biến động của thế giới và trong nước luôn tác động trực tiếp đến ngành Điện.

Tuy nhiên, EVN đã giải quyết được các vấn đề trên bằng cách sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, kết hợp vốn tự có với việc huy động vốn nước ngoài. Cùng với sự điều hành có lộ trình của Chính phủ, ngành Điện huy động được nguồn vốn rất lớn, đặc biệt là vốn dài hạn. Trong khi đó, ở nước ta, thị trường vốn dài hạn rất khó đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng. Tuy nhiên, do có những dự án liên doanh, liên kết với nước ngoài nên ngành Điện đã đạt được hiệu quả trong đầu tư - xây dựng bằng vốn vay dài hạn.

Với kinh nghiệm đó, cùng với việc cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tôi tin rằng thời gian tới EVN sẽ tiếp tục huy động được nguồn vốn đầu tư lớn để triển khai xây dựng các công trình điện.

Theo ông, EVN cần phải tiếp tục đổi mới như thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đất nước?

Sau khi sắp xếp, đổi mới và tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, hoạt động của EVN thời gian qua đã được xã hội và nhân dân ghi nhận, Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đánh giá cao. Bên cạnh đó, EVN còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương, tạo điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, EVN cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DN trong thời gian tới. Trước hết, EVN cần tiếp cận nhanh với những dự án, công nghệ của đối tác tiên tiến trên thế giới, nghiêm túc đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch. Hiện một số dự án nằm trong Quy hoạch điện đã chậm tiến độ.

Ba năm trở lại đây, lưới điện quốc gia đã và đang tiếp tục “phủ sóng” khắp cả nước, từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đến hải đảo. Vì vậy, EVN cần có phương án hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng điện, giảm tổn thất điện năng. Mục tiêu chung là thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp, đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông! 


  • 16/06/2016 02:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 8902