Tái cơ cấu EVN giai đoạn 2012 - 2015: Còn nhiều việc phải làm

Theo Quyết định số 1782/QĐ-TTg ngày 23/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2012 - 2015, ngành nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.

Những kết quả bước đầu

Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, EVN đã xây dựng xong Chiến lược phát triển của EVN giai đoạn 2012 - 2015, định hướng tới năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với mục tiêu tổ chức lại khâu sản xuất điện, Tập đoàn đã thành lập 03 tổng công ty phát điện 1, 2, 3, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV, đồng thời phê duyệt Đề án Tái cơ cấu 6 đơn vị gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và 5 tổng công ty phân phối điện.

Trong năm 2013, EVN cũng đã tập trung chuyển đổi thống nhất về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, cơ chế quản lý đối với các công ty điện lực/điện lực cấp quận/huyện, tăng cường phân cấp trách nhiệm quyền hạn cho các đơn vị này, từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Từ nay tới 2015, các tổng công ty điện lực thuộc EVN phải sắp xếp, ổn định mô hình tổ chức của các đơn vị trực thuộc. Thực hiện việc thoái vốn theo đúng các quy định của Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo toàn vốn, nhất là thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính, tập trung nguồn lực vào lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Trong năm 2013, EVN đã tích cực tìm kiếm các đối tác để đàm phán thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại các công ty cổ phần thuộc diện thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thực  hiện chỉ đạo của Chính phủ về điện khí hóa nông thôn, đến cuối năm 2013, EVN đã đưa điện lưới quốc gia về trên 98% số xã, trên 97% số hộ dân nông thôn và đang phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 98,6% số hộ dân có điện. Mục tiêu để đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn sẽ có điện.

Với mục tiêu tổ chức lại khâu sản xuất điện, EVN đã thành lập 3 tổng công ty phát điện - Ảnh: Vũ Lam

Còn nhiều thách thức

Một trong những yêu cầu quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu EVN là phải nâng cao sức cạnh tranh trên cơ sở đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, với tiến trình này, EVN đang gặp phải 2 rào cản lớn.

Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2015, tổng công suất nguồn của EVN phải đạt 23.000 MW, chiếm 56% tổng công suất toàn hệ thống điện quốc gia, sản xuất 40% nhu cầu điện cả nước. Tới năm 2020, năng lực sản xuất điện của EVN phải đạt gần 32.300 MW công suất, chiếm khoảng 43% tổng công suất hệ thống, chủ động sản xuất được 38 - 40% nhu cầu điện cả nước. EVN đảm nhận gần như toàn bộ khâu bán lẻ điện năng, cùng với đó là bộ máy quản lý kinh doanh từ trung ương tới cấp xã.

EVN cũng được Chính phủ giao xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, lưới điện liên kết với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước trong khu vực để mua bán và trao đổi điện năng. Với khối lượng đầu tư cơ sở hạ tầng điện lực mà Chính phủ giao cho Tập đoàn đảm nhận trong giai đoạn 2011 - 2015 như vậy, từ nay tới năm 2020, mỗi năm EVN phải xoay xở được khoảng 4 tỷ USD đầu tư phát triển nguồn. Riêng giai đoạn 2011 - 2015, yêu cầu lượng vốn đầu tư của EVN lên tới 501.470 tỷ đồng, gấp 2,45 lần so với tổng đầu tư của EVN giai đoạn 2006 - 2010.

Đầu tư lớn, nhưng giá bán điện chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường sẽ gây áp lực cho EVN trong việc thu xếp vốn đầu tư. Theo Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, giá bán điện hiện nay còn bao cấp cho nhiều đối tượng, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư vào phát triển điện lực cũng như thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong 3 năm 2010 - 2012, Chính phủ đã điều tiết giá bán lẻ điện năng ở mức độ giữ lợi nhuận hàng năm của EVN bằng 0%.

Thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện cho phát triển đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, EVN đã và đang triển khai nhiều dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, dự án cấp điện cho 1.331 thôn buôn và trên 92 nghìn hộ đồng bào dân tộc, đưa tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện tại các tỉnh Tây nguyên đạt trên 90%; cấp điện cho các hộ dân Khmer chưa có điện ở Kiên Giang (hiện đã cấp điện cho hơn 60 nghìn hộ dân Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu, đạt trên 90%). Tập đoàn cũng đang triển khai dự án cấp điện cho các thôn bản vùng sâu vùng xa tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhằm đưa tỷ lệ số hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện lên trên 90% vào năm 2015, đảm nhận cung cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi; Phú Quốc - Kiên Giang; Phú Quý - Bình Thuận; Vân Đồn - Quảng Ninh; Cát Hải - Hải Phòng, tiếp nhận lưới điện tại huyện Côn Đảo, hỗ trợ 482 tỷ đồng cho 3 huyện ở Lai Châu giai đoạn 2009 - 2015 để thực hiện xóa đói giảm nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ...

Từ năm 2011, thực hiện chính sách của Chính phủ, EVN hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp được sử dụng điện với giá điện chỉ bằng 75% giá thành. Giá bán điện cho tưới tiêu trong nông nghiệp cũng duy trì nhiều năm bằng khoảng 50% giá thành. Trong khi yếu tố đầu vào là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ… liên tục tăng. Hiện nay, mỗi năm, EVN chi hàng nghìn tỷ đồng để duy trì cấp điện cho khu vực nông thôn.

Đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo tổ quốc là thành tích lớn, nhưng cũng tạo sức ép lớn lên tình hình tài chính của EVN vẫn đang còn khó khăn.

Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, bên cạnh các nỗ lực chủ quan và tái cơ cấu doanh nghiệp hiệu quả, EVN cần tiếp tục nhận được sự chỉ đạo và tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc việt là việc lành mạnh tình hình tài chính về thu xếp vốn đầu tư.

Giai đoạn 2011 - 2020 EVN có nhiệm vụ đầu tư các dự án nhà máy điện với tổng công suất 9800 MW, chiếm 58 % tổng công suất các nguồn điện mới trong giai đoạn này.

Cơ cấu EVN gồm có Công ty mẹ, 14 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 04 cơ sở đào tạo; 26 đơn vị thành viên, trong đó có 09 doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ (Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, 3 tổng công ty phát điện, 5 tổng công ty điện lực); 05 doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 12 doanh nghiệp EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

 

 


  • 22/01/2014 04:32
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3329


Gửi nhận xét