TP.HCM: Đi trước đón đầu xây dựng thành phố thông minh

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, ngành Điện TP.HCM đã chuẩn bị nguồn lực để bước sang năm 2018 sẵn sàng đặt chân, tích hợp vào cấu hình của đề án thành phố thông minh.

Trong câu chuyện những ngày cuối năm 2017, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC), hào hứng khi nói về đề án Thành phố thông minh mà lãnh đạo TP.HCM đã đề ra: “Trong mấy năm qua, ngành Điện lực đã chuẩn bị nguồn lực để bước sang năm 2018 sẵn sàng đặt chân, tích hợp vào cấu hình của đề án thành phố thông minh”.

Gặt những mùa vàng

Hơn 20 năm công tác tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện thuộc EVNHCMC, ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Trung tâm, thuộc lòng lưới điện TP. HCM như lòng bàn tay của mình. Cách nay hơn chục năm, hệ thống SCADA (hệ thống thu thập, giám sát và điều khiển lưới điện) đã được đưa vào vận hành tại Trung tâm như một sự đột phá của ngành Điện lực.

Ngày mưa bão, ngày cuối năm cận tết, ngày đỉnh điểm mùa khô, phụ tải lưới điện căng như dây đàn, ông Minh cùng các kỹ sư trẻ tính toán phụ tải, phương án xử lý sự cố trên từng tuyến dây, rồi lệnh cho các trạm trung gian, công nhân các công ty điện lực thực hiện. Nhưng mãi đến tháng 3/2017, ông Minh mới thực sự hài lòng khi Trung tâm được nâng cấp với phiên bản mới. Phần mềm chương trình mua của nước ngoài, nhưng các kỹ sư trẻ đã mày mò, phát triển, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện trong nước. 

Sơ đồ lưới điện thông minh được EVNHCMC xây dựng và đang áp dụng hiệu quả - Ảnh: Huyền Thương

Bây giờ, ngồi tại Trung tâm, trước hàng màn hình khổng lồ cao gần 3 m, dài chừng 5 m - 6 m, cùng hàng chục máy tính, anh em có thể nắm được hơi thở, mạch đập của toàn bộ các tuyến dây tải điện trên địa bàn TP. HCM, cùng lúc quan sát, điều khiển từ xa 41 trạm cao thế không cần người trực.

Đặc biệt, năm nay Trung tâm đã triển khai thành công chương trình DMS (một nhánh của SCADA), có thể quản lý lưới điện phân phối tích hợp trên bản đồ GIS tại huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Ông Minh cho biết: “Tuyến dây nào, tải bao nhiêu, mất điện hay sự cố trên tuyến đường nào, đều có thể nắm được, kể cả số lượng khách hàng mất điện, hệ thống sẽ tự phân tích, cô lập khu vực mất điện và đưa ra phương án xử lý nhanh nhất”. 

Sang năm 2018, chương trình này sẽ được triển khai rộng khắp TP.HCM. SCADA phiên bản mới và các biến thể của nó mang lại lợi ích gì cho người dân? Năm 2016, số lần mất điện bình quân là 510 phút/khách hàng/năm (5,1 lần), sang năm 2017 điều mà hàng triệu người dân TP.HCM đã cảm nhận được: số lần sự cố và thời gian mất điện đã rút ngắn khá ngoạn mục, chỉ còn 230 phút/khách hàng/năm, tương đương 3 lần và phấn đấu đến năm 2020 chỉ còn 1,5 lần. 

Nâng niu nguồn lực 

Để tiếp chúng tôi, Trưởng ban Kỹ thuật EVNHCMC Luân Quốc Hưng (tiến sĩ trẻ sinh năm 1982, lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành Hệ thống điện tại Đại học Toulouse - Pháp), phải tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa buổi.

Anh Hưng kể: “Mấy hôm nay chúng tôi tổ chức lớp bồi huấn cho anh em kỹ sư trẻ, mời giảng viên là thầy Trần Quốc Tuấn, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu nguyên tử và năng lượng tái tạo (CEA - Pháp). Năm 2017 được Tổng công ty xem là năm Khoa học công nghệ, với việc “đổ móng” cho nền tảng hạ tầng như hệ thống SCADA, trạm không người trực, đo đếm điện kế từ xa… Sang năm 2018 là năm Xây dựng chất lượng nguồn nhân lực, để đủ năng lực tích hợp với đề án xây dựng Thành phố thông minh”.

Trả lời câu hỏi “Nguồn lực này sẽ đáp ứng như thế nào khi TP.HCM triển khai đề án xây dựng Thành phố thông minh”, anh Hưng cho biết: “Hạ tầng hiện đại của ngành Điện lực đã xây dựng và sẽ tiếp tục được nâng cấp, nguồn lực chất lượng cao sẽ triển khai, phối hợp. Đảm bảo nguồn điện liên tục với độ tin cậy cao là yêu cầu hàng đầu. Các giao dịch của ngành với người dân đã đạt 80% trực tuyến, phần còn lại sẽ tiếp tục hoàn thiện trong năm 2018. Các chương trình quản lý thông minh như đo đếm từ xa, tự động hóa… sẽ giúp người dân không còn phải mở cửa để nhân viên ghi điện hàng tháng, sự cố và thời gian khắc phục sẽ được thông tin đến tận khách hàng. Đối với các ngành liên quan, chúng tôi đã ở tư thế sẵn sàng. Ví dụ, để có thể giữ điện cho 100 bệnh viện, chúng tôi sẽ phối hợp xây dựng 100 phương án cụ thể. TP.HCM có bao nhiêu chốt đèn giao thông, bao nhiêu camera an ninh, trường học, nhà máy nước…, chúng tôi sẽ kết hợp với các ngành chức năng để có từng phương án chi tiết. Quy chế đãi ngộ chuyên gia và công nhân lành nghề đã có rồi, phải đào tạo nâng cao để họ phát huy khả năng. Năm 2018 sẽ có nhiều lớp bồi huấn do giảng viên trong nước và nước ngoài giảng dạy, rồi gửi đi đào tạo trong và ngoài nước”.

Được biết, năm qua, EVNHCMC đã tổ chức nhiều lớp bồi huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên gia và công nhân lành nghề tại các ban chức năng, trung tâm điều độ, các công ty điện lực… để có đủ năng lực tiếp nhận, làm quen và vận hành thuần thục các chương trình, thiết bị mới đã và sẽ được đưa lên lưới. 

Ông Phạm Quốc Bảo nói: “Với việc tập trung xây dựng nguồn lực chất lượng cao, hy vọng năm 2018 EVNHCMC sẽ nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của đề án xây dựng Thành phố thông minh, một số chỉ tiêu sẽ về đích trước so với nghị quyết Đảng bộ EVNHCMC đã đề ra”.


  • 08/01/2018 04:40
  • Theo Sài gòn Giải phóng
  • 10604