Sử dụng tro xỉ thải làm VLXD ở Đồng bằng sông Cửu Long: Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ tro xỉ

Trong vòng ba năm tới, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần tới gần 80 nghìn tỷ đồng để làm đường giao thông. Nếu sử dụng tro xỉ thải làm vật liệu xây dựng (VLXD) để làm đường giao thông thay vì vật liệu thông thường thì ngân sách có thể tiết kiệm được từ 3-5%, tương đương với hàng ngàn tỷ đồng.

Khu vực ĐBSCL là một trong sáu vùng kinh tế của Việt Nam, hàng năm đóng góp một phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của cả nước. Việc sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư cho xây dựng sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của khu vực nói riêng và cho cả nước nói chung.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều dự án trọng điểm kết nối giao thông liên vùng, hiện có 26 dự án được đầu tư với tổng vốn khoảng 88.910 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách trên 21.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 27 dự án quan trọng cấp bách dự kiến triển khai giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí khoảng 67.000 tỉ đồng. Do vậy, việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình bằng cách giảm chi phí vật liệu xây dựng khoảng 3-5% đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Nghiên cứu của Viện Kinh tế Xây dựng cho thấy: Trong công tác xử lý, gia cố đất yếu, rất nhiều tiêu chuẩn và chỉ dẫn kĩ thuật đã được ban hành để xử lý nền bằng chất liên kết vô cơ (xi măng, vôi). Tuy nhiên, địa chất tại nhiều khu vực ở ĐBSCL thuộc loại rất yếu, hàm lượng hữu cơ trong đất nhiều làm cho các biện pháp gia cố đất yếu bằng xi măng (công nghệ cọc xi măng đất) gặp rất nhiều khó khăn thậm chí thất bại. Các nghiên cứu gần đây bước đầu cho thấy: Có thể sử dụng tro bay kết hợp với xi măng để gia cố nền đất theo phương pháp trộn nông, với lượng sử dụng khoảng 150-200kg tro bay/m3 đất nền đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện tại, với một số dự án như đường Long Thành - Dầu Giây, chiều sâu xử lý lên tới 5-10m, trên bề rộng nền đường 24m , kéo theo nhu cầu về chất liên kết vô cơ (như tro bay) lên tới khoảng 2 triệu tấn trên một 100km xử lý nền đường liên tục.

Ngoài hai giải pháp xử lý gia cố đất, gia cố vật liệu hạt như trên, tro xỉ nhiệt điện hoàn toàn có thể sử dụng như một vật liệu đắp, thay thế cho đất cấp phối hay cát, đặc biệt là những nơi khan hiếm cát, phải nhập từ nước ngoài như ĐBSCL. Hướng dẫn thiết kế SP: 58-2001 về thiết kế nền đường đắp bằng tro xỉ của Ấn Độ đã cho phép chiều dày đắp trực tiếp bằng tro, xỉ lên tới 3m/lớp. Theo đó, lượng sử dụng cho 1km đường cấp III, chiều dày đắp trung bình 3m trên bề rộng nền 20m lên tới 9 triệu tấn/100km.

Việc tái sử dụng tro xỉ thành các loại vật liệu xây dựng đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, việc áp dụng giải pháp này phải phụ thuộc vào hàm lượng của các thành phần hóa học, chất lượng của tro, xỉ. Gạch sản xuất từ xỉ tro bay có màu đẹp, tính mỹ thuật khá tốt và đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật, do vậy chỉ cần tính toán suất đầu tư hợp lý thì thị trường, người tiêu dùng sẽ chấp nhận.

Hiện nay, ở Việt Nam việc xử lý xỉ than làm gạch không nung mới chỉ có công nghệ máy ép thủy lực giải quyết được vấn đề tro bay (sử dụng nguyên liệu chính là đá, cát và khoảng 10% tro bay), còn máy ép rung (nhập của Trung Quốc) không sử dụng hiệu quả do không nén được cường độ cao. Một số loại máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu trên thị trường có thể sản xuất gạch theo tỷ lệ cấp phối xi măng 7% và tro xỉ than đến 80%, mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Tro, xỉ than còn có thể áp dụng trong các công trình đê chắn biển, kè biển tại một số nước trên thế giới, bên cạnh các loại vật liệu xây dựng khác. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy do đặc tính độ bền sunfat và thành phần hóa học của tro xỉ khá khác biệt so với các loại vật liệu khác, như đã trình bày ở trên, nên việc sử dụng trong công tác lấn biển, chắn sóng tại khu vực ĐBSCL là khá phù hợp. Hiện nay, Cty CP Chế tạo máy và Sản xuất vật liệu mới đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công loại vật liệu này trong xây dựng. Việc sản xất những khối bê tông có đáp ứng các đặc tính kỹ thuật trong xây dựng, thay thế đá hộc làm đê bao sông, đê biển có thể tiết kiệm được đến 20-30% chi phí loại vật liệu này tại thị trường ĐBSCL.

Các chuyên gia của Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá, tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than là một nguồn nguyên liệu tiềm năng. Trong những năm tới, phần lớn tro, xỉ được tạo ra ở Việt Nam sẽ lên tới hàng trăm triệu tấn một năm. Việc tái sử dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất VLXD cung cấp cho thị trường ĐBSCL không chỉ có tác động tích cực đến môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế trong đầu tư xây dựng do nhu cầu sử dụng VLXD thay thế những loại vật liệu truyền thống có giá thành cao do nguồn cung khan hiếm và chi phí vận chuyển cao. Để có thể sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu này đòi hỏi Chính phủ phải có một vai trò quan trọng để ban hành các chính sách, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ phát triển khác nhau trong lĩnh vực tái chế tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than để sản xuất VLXD.


  • 15/12/2017 04:39
  • Theo Báo Xây dựng
  • 8889