Sử dụng điện lưới quốc gia đánh bắt thủy sản: Mức phạt tối đa 15 triệu đồng

Đó là mức phạt tối đa cho hành vi sử dụng điện lưới quốc gia đánh bắt thủy sản được quy định trong Nghị định 103/2013/NĐ-CP mà  Chính phủ vừa ban hành ngày 12/9/2013. Tuy nhiên, mức phạt đó đã đủ sức răn đe hay chưa?

 

Ông Nguyễn Minh Khoa – Trưởng ban Pháp chế EVN: Xử  phạt như Nghị định 103 là cần thiết

Theo quy định của pháp luật, việc sử dụng điện năng ngoài các mục đích phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh hoặc làm phương tiện bảo vệ là hành vi bị nghiêm cấm. Việc sử dụng điện trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến đối tượng được pháp luật bảo vệ là nguồn lợi thủy sản thì càng bị nghiêm cấm. Bởi sử dụng lưới điện đánh bắt thủy sản, không chỉ gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của lưới điện và sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người.
Do đó, việc áp dụng chế tài xử phạt như Nghị định 103 là rất cần thiết. Mức phạt lên tới 15 triệu đồng sẽ có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi đánh bắt, làm hại nguồn lợi thủy sản, đồng thời là biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng điện trái pháp luật gây mất an toàn lưới điện.

 

 

Ông Nguyễn Trọng Phụng – Trưởng ban Thanh tra - An toàn (Tổng công ty Điện lực miền Bắc): Cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng con người

Dưới góc độ an toàn, việc sử dụng điện lưới quốc gia đánh bắt thủy sản có 4 vấn đề phải lưu ý. Thứ nhất, đó là vi phạm pháp luật (cụ thể là vi phạm: Luật Điện lực, Nghị định 106, Nghị đinh 105 của Thủ tướng Chính phủ). Đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Thứ hai, sẽ cực kỳ nguy hiểm (điện hạ áp giật) đến tính mạng của chính người sử dụng, đồng thời cũng gây nguy hiểm cho cộng đồng khi đến gần người dùng điện đánh bắt thủy sản.
Thứ ba, sẽ gây chết hoặc hủy hoại nhiều loại thủy sản cùng lúc do xung điện cục bộ. Và cuối cùng là có thể gây sự cố đối với lưới điện hạ áp.
Để Nghị định 103/2013/NQ- CP được thực hiện hiệu quả, thiết nghĩ, Bộ NN & PTNT cần ban thành Thông tư hướng dẫn chi tiết, trong đó có các quy định về các hình phạt bổ sung đối với người vi phạm (tịch thu dụng cụ, trang bị phương tiện, yêu cầu khắc phục hậu quả, cần thiết có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự…).
 

Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Thủy sản Nghệ An: Cần phạt nặng hơn nữa

Lâu nay các ngư dân dùng nhiều cách đánh bắt thủy sản như, dùng bom mìn, dùng kích điện để đánh cá... Những hình thức này đều bị nghiêm cấm từ lâu. Việc dùng điện lưới quốc gia đánh bắt thủy sản thì cực kỳ nguy hiểm. Thứ nhất do công suất điện lớn, bản thân người sử dụng đã nguy hiểm. Thứ hai, việc này sẽ làm chết tất cả các loại thủy sản, gồm tôm, cá to, nhỏ và cả trứng cá. Nếu dùng điện lưới khai thác thủy sản thì trong một thời gian ngắn, hệ thống sông ngòi sẽ không còn tôm, cá nữa.
Với mức xử phạt tới 15 triệu đồng đối với hành vi này theo tôi vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào người thi hành công vụ có trách nhiệm và tinh thần như thế nào để ngăn chặn hành vi đó. Nếu phạt 15 triệu, nhưng lại tiếp tục cho đối tượng vi phạm hành nghề thì không đủ sức răn đe. Vấn đề đặt ra là, phạt tiền rồi, phải tịch thu tài sản, tước giấy phép hành nghề, khi cần thiết có thể khởi tố hình sự. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải mạnh tay hơn.
Tôi có thể khẳng định, từ Bắc tới Nam vẫn còn hiện tượng sử dụng mìn, dùng kích điện và dùng lưới điện quốc gia đánh bắt thủy sản. Có nhiều nước trên thế giới phạt rất nặng hành vi này, có thể phạt tù từ 5-7 năm.

 

Hành vi

Mức phạt

Sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản

1-2 triệu đồng

Tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác

3-5 triệu đồng

Sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

 

10-15 triệu đồng

 

Mức xử phạt vi phạm về sử dụng điện để khai thác thủy sản tại Nghị định 103

Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu công cụ kích điện; công cụ kích điện trên tàu cá; công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản;
- Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện hoặc sử dụng trực tiếp điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác để khai thác thủy sản.

 


  • 19/11/2013 02:18
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 4890


Gửi nhận xét