Sự cố MBA 500 kV Hiệp Hòa không ảnh hưởng đến truyền tải điện hệ thống 500kV Bắc-Nam

Trong tháng 5 vừa qua, 2 MBA 500 kV AT1 và AT2 của Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa bị sự cố pha A và pha B tách ra khỏi vận hành. Tuy nhiên, máy AT1 đã được xử lý khắc phục và vận hành trở lại sau 36 tiếng. Máy AT2 đã có phương án xử lý thay thế. Thành phố Hà Nội và các vùng phụ cận vẫn được đảm bảo cung cấp điện an toàn sau sự cố.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đã chỉ đạo Công ty Truyền tải điện 1 huy động mọi nguồn lực, tổ chức thí nghiệm, kiểm tra các pha không bị sự cố của 2 máy biến áp, lựạ chọn các pha đảm bảo tiêu chuẩn vận hành, vận chuyển pha C của AT2 lắp thay pha A AT1, đưa máy biến áp AT1 trở lại vận hành sau 36 tiếng sau khi bị sự cố.

Để đảm bảo cung cấp điện, EVN NPT đã điều chuyển máy biến áp 500kV-900MVA từ Trạm biến áp 500kV Mỹ Tho thay thế MBA AT2 Hiệp Hòa. Dự kiến cuối tháng 6/2014, EVN NPT sẽ hoàn thành việc lắp đặt, thí nghiệm, nghiệm thu và đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp AT2.

Trong thời gian xảy ra sự cố ngày 14/5, phụ tải phía 220 kV vẫn được cấp điện từ Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang và Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại về thanh cái 220 kV Trạm Hiệp Hòa. Phía 500 kV, công suất từ Nhà máy Thủy điện Sơn La được cấp điện về thẳng Trạm biến áp 500 kV Hòa Bình và Nho Quan, vì vậy việc cung cấp điện trên toàn hệ thống không bị gián đoạn. Riêng sự cố ngày 21/5, từ lúc 7 giờ 47 phút đến 8 giờ 20 phút, phụ tải trên lưới khu vực một số tỉnh Yên Bái, Việt Trì, Lào Cai… mất một lượng công suất là 594 MW. Phía 500 kV vẫn truyền tải công suất về Trạm 500 kV Hòa Bình và Nho Quan.

Kiểm tra thông số vận hành tại TBA 500 kV Hiệp Hòa - Ảnh Ngọc Hà

Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa là trạm nút có nhiệm vụ truyền tải công suất của các Nhà máy Thủy điện phía Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu…) và các nhà máy điện khu vực Đông Bắc (Nhiệt điện Quảng Ninh, Mông Dương…)  cấp điện cho 1 phần phụ tải phía Bắc thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Để đáp ứng tầm nhìn đến năm 2030, theo thiết kế, máy biến áp 500kV Hiệp Hòa được chọn công suất 900 MVA, trước mắt truyền tải công suất cho Nhà máy Thủy điện Sơn La. Vì vậy, từ khi đóng điện (tháng 11-2011) đến nay, cả 2 máy biến áp 500 kV Hiệp Hòa đều vận hành mang tải ở mức dưới 30 - 40 % công suất định mức.

Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa được đầu tư bằng nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng trong nước, nên toàn bộ quá trình thực hiện mua sắm máy biến áp, từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, quá trình lựa chọn nhà thầu, báo cáo kết quả xét thầu đều phải báo cáo và được ADB thông qua. Nhà thầu Liên doanh Xian XD Transformer Co Ltd và Công ty TNHH Đại Hoàng Hà trúng thầu cung cấp máy biến áp.

Phó tổng giám đốc EVN NPT Vũ Ngọc Minh cho biết, ngoài 2 máy biến áp tại Trạm biến áp 500 kV Hiệp Hòa, hiện nay, máy biến áp của nhà sản xuất Xian XD có 2 máy biến áp 500 kV và 1 máy biến áp 220 kV đang vận hành trên lưới điện truyền tải. Theo đó, 2 máy biến áp 500 kV-450 MVA lắp đặt tại Trạm biến áp 500kV Sơn La đóng điện từ năm 2010 đã cấp điện an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng cho Trạm 220 kV Sơn La và Việt Trì, công suất mỗi máy trung bình tải 200 MW; 1 máy biến áp 220kV-250 MVA lắp đặt tại Trạm biến áp 220 kV Trảng Bàng đóng điện từ năm 2009, cấp điện an toàn, ổn định cho trạm 110 kV Trảng Bàng, các khu công nghiệp: Trảng Bàng, Củ Chi, Đức Huệ… với công suất trung bình tải 150 MW.

Sau khi xảy ra sự cố máy biến áp tại Trạm 500 kV Hiệp Hòa, EVN và EVN NPT đã thông báo cho Nhà thầu cung cấp thiết bị Xian XD Transformer Co Ltd và ngày 29/5 vừa qua, Nhà thầu Xian đã cử chuyên gia sang Việt Nam xem xét thực tế để phân tích xác định nguyên nhân gây sự cố máy biến áp, dự kiến ngày 13/6 tới sẽ có kết quả.

 


  • 08/06/2014 08:36
  • Thanh Mai
  • 3075


Gửi nhận xét