Sơn La một thủa

Một ngày Hà Nội chuyển đông, khi những người làm điện Việt Nam hân hoan chuẩn bị đón chào sự kiện lớn là khánh thành công trình Thủy điện Sơn La và 58 năm ngày truyền thống, chúng tôi có cơ hội gặp lại ông Vũ Đức Thìn - thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiêm Trưởng Ban quản lý Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Công trường Thủy điện Sơn La năm 2008 - Ảnh VL

Đón chúng tôi cùng với nụ cười ấm áp trên môi, vị “thuyền trưởng” của đại công trình ngày nào vui vẻ chia sẻ: “Không vui sao được khi mà dự án Thuỷ điện Sơn La (TĐSL) đã về đích sớm hơn kế hoạch 3 năm, làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho đất nước, góp phần đáng kể cho việc cung ứng điện và điều tiết thuỷ lợi cho hạ du...”. Bên tách trà thơm, cùng niềm vui lan tỏa, chúng tôi lần ngược thời gian, cùng ông nhớ lại dự án Thủy điện Sơn La từ thủa nào.

Kỷ niệm ngày đầu…

Từng giữ vị trí Phó tổng giám đốc EVN, Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La, ông Vũ Đức Thìn có nhiều năm lăn lộn trực tiếp tại đại công trình. Thủa ban đầu, muốn vào công trình, ông và các đồng sự phải mang cơm nắm, đi đường bộ, rồi đến vật lộn với sóng lớn của sông Đà, mất đến gần cả ngày mới tới nơi.

Trong câu chuyện của ông, cái gian khó bộn bề thủa nào hiện về tựa như chuyện cổ tích của những chàng trai làm thủy điện với “trái tim Đan kô” tràn trề nhiệt huyết và máu lửa. Còn giờ đây, khi dự án đã hoàn thành, mọi thứ đều đã đổi khác. Những con đường nhựa uốn lượn giúp việc đi lại trở nên vô cùng thuận lợi, các bản tái định cư đang dần ổn định với điện - đường - trường - trạm, con sông Đà hung dữ, bí hiểm ngày nào giờ bỗng trở nên mênh mông, hiền hòa. Sơn La và các tỉnh Tây Bắc đã có sắc vóc mới cùng với mỗi bước phát triển của dự án.

Ông Vũ Đức Thìn (thứ 2 từ trái sang) cùng những kỹ sư khảo sát, nghiên cứu Thủy điện Sơn La - Ảnh Ban A Sơn La

Những tháng ngày lăn lộn thực tế với vùng cao thủa ấy còn hoang vu, đầy những thử thách của tự nhiên, rồi những đêm dài miệt mài nghiên cứu tài liệu, cân nhắc đến từng câu chữ, từng chi tiết kỹ thuật, những buổi họp bàn để tìm ra phương án tối ưu… cuốn ông vào guồng quay nhọc nhằn của các bước triển khai dự án TĐSL, nhưng cũng đầy hứng khởi với ý thức rõ ràng về một sứ mệnh cần phải được thực hiện trọn vẹn. Vì lẽ đó, ông được nhìn nhận như một trong những người góp phần đặt nền móng cho TĐSL.

Theo ông Thìn, là một dự án quốc gia có quy mô lớn chưa từng thực hiện tại Việt Nam, vậy nên, bước khởi đầu của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La không hề đơn giản. Còn nhớ, chính “siêu dự án” này đã từng làm “nóng” nghị trường Quốc hội, thu hút sự chú ý của toàn xã hội. Mấu chốt vấn đề là lựa chọn phương án Sơn La cao (mực nước dâng 265 m, công suất 3.600 MW) hay phương án Sơn La thấp (mực nước dâng 215 m, công suất 2.400 MW). Sau rất nhiều cân nhắc, bàn thảo, rút cục phương án thứ hai đã được chọn vào thời điểm năm 2004, tức là hơn 20 năm sau khi dự án bắt đầu được nghiên cứu và gần 8 năm sau khi trình báo cáo đầu tư dự án.

Trong suốt quãng thời gian không hề ngắn kể từ năm 1996, với tư cách là một trong những nhân vật chính đi bảo vệ dự án, ông Thìn cho rằng, tất cả những người gắn bó, liên quan hay chịu trách nhiệm với dự án, tuy có thể không cùng quan điểm, nhưng cùng một ý chí phải làm sao xây dựng được công trình đặc biệt quan trọng này. Chính sự cọ xát trong quá trình tranh luận, phản biện đã giúp cho dự án được chuẩn bị kỹ càng hơn.

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng…

Thuỷ điện Sơn La có những ngày đầu gian nan, nhưng câu chuyện về dự án đặc biệt này lại được viết tiếp với những dấu ấn đáng được ghi nhận. “Về mặt triển khai dự án, đây là một công trình mẫu mực và cho đến nay chưa có 1 công trình trọng điểm quốc gia nào thực hiện được như thế...” - ông Thìn chia sẻ.

Nhắc lại cả quá trình triển khai dự án, như để trả lời cho những thắc mắc của chúng tôi, ông Thìn tự đặt câu hỏi: Vì sao một công trình lớn, phức tạp như Sơn La lại bám sát được tiến độ, thậm chí vượt tiến độ và về đích an toàn như vậy? Rồi ông đưa 3 ngón tay lên và trả lời câu hỏi của mình: Đó là vì công trình hội tụ đủ 3 yếu tố:

Thứ nhất, ý chí chính trị xuyên suốt từ trên xuống đã giúp vận hành cả bộ máy từ cấp trung ương đến địa phương, từ cấp bộ, ngành đến ban quản lý, nhà thầu… cùng vào guồng thúc đẩy tiến độ dự án. Chính phủ lập ra Ban chỉ đạo riêng cho dự án nhằm thống nhất các bộ ngành để tháo gỡ nhanh nhất có thể những vướng mắc. Đích thân Phái viên Thủ tướng Chính phủ - ông Thái Phụng Nê luôn bám sát tiến độ công trình, tháng nào cũng họp giao ban chỉ đạo trực tiếp, đặc biệt thường xuyên có mặt trực tiếp tại công trình, nhất là những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”. Ban chỉ đạo chính là “đầu tầu” quan trọng với những nỗ lực và sự quyết đoán đã thúc đẩy dự án về đích trước tiến độ an toàn.

Công trường Thủy điện Sơn La năm 2006 - Ảnh Vũ Lam

Thứ hai, là công tác di dân tái định cư ở 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu với sự vào cuộc hiệu quả của tất cả bộ máy trong tỉnh, khiến cho hơn 20 nghìn hộ dân tự nguyện rời bản quán để nhường lại đất cho công trình lớn của đất nước. Công tác lựa chọn nơi ở mới cũng như việc ổn định tái định cư cho bà con cũng được cân nhắc kỹ. Ban quản lý dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La cũng đã sát cánh cùng bộ máy của tỉnh, trực tiếp đi khảo sát lựa chọn nơi ở mới đảm bảo cho bà con có thể sinh nhai tốt.

Điểm thứ 3 chính là sự đoàn kết nhất trí, phối hợp nhuần nhuyễn ngay tại công trường - giữa Ban quản lý dự án với Tổng thầu và các nhà thầu, kể cả các nhà thầu cung cấp thiết bị và tư vấn thiết kế.

Từ thời làm ở Thủy điện Hoà Bình, ông Vũ Đức Thìn đã học được bài học về công tác quản lý dự án: Cần phải coi trọng mối quan hệ đối với nhà thầu, giải quyết công việc phải công tâm, có tình, có lý, thì mới có thể khiến cho nhà thầu và Ban quản lý có cùng tầm nhìn, cùng mục tiêu vì tiến độ của công trình. Ông luôn tự nhắc mình và những cán bộ của Ban quản lý về bài học này. Ông coi việc chăm sóc và động viên cán bộ công nhân của các nhà thầu cũng giống như quan tâm đến cán bộ của Ban mình. Ông ăn tết tại ngay thực địa công trình cùng anh em công nhân, rồi những khi tăng ca tăng kíp, ông cũng đều đến động viên kịp thời…

Sự thấu hiểu và chia sẻ đã mang đến cho ông một niềm vui, niềm tự hào khi nói với chúng tôi: Tôi gắn bó với công trình thuỷ điện nào cũng tạo cho mình một “tài sản” – đó chính là sự quý mến, tôn trọng của nhà thầu và cán bộ công nhân.

Vì vậy, mặc dù đã không giữ cương vị phụ trách trực tiếp ở Ban quản lý, nhưng ông Thìn luôn vui vì các mốc tiến độ công trình đạt được, vui vì sự tiến bộ của ê kíp lãnh đạo và đội ngũ cán bộ trẻ. Trong thành công của họ có khởi sự từ nền móng ban đầu do ông góp phần tạo dựng nên. Điều ấy giúp ông yên lòng rời Sơn La. Và giờ đây, mỗi khi về lại chốn này, người “tiền nhiệm” vẫn thấy ấm lòng khi có những người kỹ sư, công nhân nhận ra và gọi tên ông.

Vẫn sâu nặng với Thuỷ điện Sơn La

Với cương vị là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giờ đây ông Vũ Đức Thìn phải bao quát không chỉ công trình Thuỷ điện Sơn La mà còn nhiều công trình khác nữa. Tuy nhiên, Sơn La vẫn là một nơi chốn được ông dành nhiều tình cảm nhất.

Thi công hạng mục ống áp lực Nhà máy Thủy điện Sơn La - Ảnh VL

Góc phòng làm việc của ông Thìn có hai lõi mẫu khoan được ông đem từ Sơn La về làm kỷ niệm. Lõi thứ nhất có ghi “PaVinh 42 tim đập bờ phải, độ sâu 95 m”. Lõi thứ hai là “Pa Vinh 94 tim đập bờ trái, độ sâu 130 m”. Trên bức tường ngay bàn làm việc là quyển lịch nhỏ được một người tư vấn nước ngoài tặng ông với mỗi tờ lịch là một góc độ của Nhà máy Thuỷ điện Sơn La. Hẳn người khách này biết ông đã gắn bó đến Sơn La thế nào! Còn chúng tôi, được biết thêm về một góc con người khác nữa trong ông - một người ham mê chụp ảnh. Cảm như, ông đã ghi lại ký sự Sơn La từ thủa chưa có nhà máy thuỷ điện cho đến bây giờ bằng những bức ảnh để trân trọng trong tủ sách kia.

Trong căn phòng làm việc của ông Vũ Đức Thìn, có một “bảo tàng thu nhỏ” những kỷ niệm về Nhà máy Thuỷ điện Sơn La. Đã nhiều năm “xuống núi”, song miền cao Sơn La cùng dự án Nhà máy Thuỷ điện trọng đại vẫn mãi mãi sâu nặng trong tâm tưởng của ông. Rồi ông cho chúng tôi xem bức ảnh hai đứa bé dân tộc thiểu số ngơ ngác trong sương mờ, cái rét hiển hiện trên đôi môi và màu da tai tái. Ông nói, mỗi khi nghĩ đến chuyện di dân tái định cư, ông lại nhớ đến bức ảnh này. Như nỗi đau đáu về việc trả nghĩa cho người dân nơi đây một cuộc sống tốt hơn, cũng như trọng trách của người làm điện là tiếp tục mang ánh sáng, mang no ấm đến đồng bào vùng cao xa xôi, xua đuổi đi cái đói, cái nghèo, cái vất vả và trả ơn sự hy sinh to lớn mà đồng bào đã dành cho các công trình thủy điện...


  • 02/01/2013 10:03
  • Theo sách Thủy điện Sơn La: Trọn vẹn niềm tin
  • 2650


Gửi nhận xét