Sơn La: Điện về sáng bản Tết này

Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần, tính từng ngày, từng giờ. Phải nói như vậy mới đúng với tinh thần lao động khẩn trương mà cán bộ, công nhân Công ty Điện lực Sơn La đang nỗ lực để đưa điện sáng về cho bà con các bản vùng cao biên giới tỉnh Sơn La.

Giữ đèn dầu làm kỷ niệm

Đường vào hai huyện vùng biên giới Sông Mã và Sốp Cộp của tỉnh Sơn La những ngày giáp Tết, hoa đào, hoa mận, hoa cà-phê đã nở. Đường dây tải điện lưới quốc gia 110 kV, 35 kV lúc bám đường giao thông, lúc men theo bờ sông Mã, leo núi, vượt đèo. Hoàng hôn buông xuống, bản mường bắt đầu sáng điện. Tết này ánh sáng ấy đang về thêm ở nhiều bản các huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp, làm cho cái Tết thêm vui tươi, đầm ấm.

Công nhân Điện lực Thuân Châu, PC Sơn La đóng điện tại xã Chiềng Bôm - Ảnh: Thùy Lê

Chúng tôi cùng đi trong chuyến công tác với Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Phạm Văn Long kiểm tra công việc trước khi đóng điện. Anh Long cho biết: Ngoài hơn 8.000 hộ dân thuộc hai dự án cấp điện cho đồng bào các dân tộc năm 2015 và 2016 vừa mới được công bố thì 365 hộ dân của xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã được cấp điện trong những ngày giáp Tết này có một câu chuyện riêng lý thú.

Đó là khi triển khai dự án xây dựng đường dây 35 kV mạch vòng hai lộ Sông Mã - Sốp Cộp, đường điện đã đi qua nhiều bản, đi trên nhà dân xã Co Đứa. Cái cảnh trớ trêu đường điện đi qua những bản làng mà người dân phải thắp sáng bằng ngọn đèn dầu đã làm lãnh đạo Công ty Điện lực Sơn La không khỏi day dứt, chạnh lòng.

Sau khi xem xét nhận thấy xã Co Đứa có 28 bản thì 18 bản đã có điện, 10 bản chưa có điện, trong đó, sáu bản gần với đường dây 35 kV mạch vòng có thể đầu tư hạ thế để kéo điện ngay.

Với số vốn không quá lớn, Công ty đã quyết định xây dựng năm trạm biến áp loại nhỏ và đường dây 0,4 kV, lắp đặt đồng hồ đo điện cho người dân. Công ty và UBND xã tuyên truyền để người dân hiểu: Nếu chờ Chính phủ đầu tư theo dự án thì phải đợi 5 đến 10 năm nữa mới có điện. Do vậy, Công ty giúp bà con có điện, giống như mua tặng con trâu, còn bà con phải bỏ tiền mua dây thừng. Cụ thể “dây thừng” là cái bóng điện, dây điện. Để hỗ trợ một phần cho người dân, phần công lắp đặt đường dây từ cột về đến hộ sử dụng trị giá khoảng 150 triệu đồng đã được Công ty tặng đồng bào.

Cách giải thích cụ thể, dễ hiểu đã được các hộ người Mông ở bản Ngàn Trạng nhất trí, từ đó bản Tà Sỏn cũng ủng hộ. Những nhà gần trạm biến áp chỉ phải đầu tư số tiền rất nhỏ, cho nên họ dành dụm giúp anh em họ hàng ở xa để mua dây. Cứ thế, điện đã về đến từng bản, trong niềm vui của mọi người.

Việc quyết định đầu tư có tình, có lý của Công ty Điện lực Sơn La là món quà quý đối với người dân vùng biên giới Sông Mã. Theo chỉ đạo của Công ty, điện kéo đến đâu, trạm biến áp dựng xong, công-tơ, đường dây bảo đảm là đóng điện.

Ngày 7/1 vừa qua, hai bản Phiêng Muông và Nà Lốc của xã Co Đứa đã được đóng điện đầu tiên. Xúc động trước tinh thần trách nhiệm của Công ty, anh Lèo Văn Khuyên, ở bản Phiêng Muông đã mổ một con dê, cùng gà, lợn làm năm mâm cơm mời cán bộ điện lực đến ăn mừng.

Hôm ấy, uống rượu mừng bản có điện, anh Khuyên mang hai cái đèn dầu ra nói với mọi người rằng sẽ giữ lại làm kỷ niệm và để cho con cháu biết! Anh còn bảo: Có điện là Tết, bữa cơm này vui như Tết. Ánh sáng điện tràn khắp ngôi nhà bấy lâu chỉ leo lét ngọn đèn dầu của anh Khuyên và người dân hai bản thuộc xã Co Đứa.

Mục tiêu không dễ dàng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu đến năm 2020, phải đạt 97,5% số hộ dân toàn tỉnh được sử dụng điện. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Sơn La có công trình thủy điện lớn, sản xuất ra điện, nhưng người dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh lại chưa được dùng điện. Bởi thế, khao khát được sử dụng điện là niềm mơ ước của nhiều người.

Kết quả chương trình quốc gia đưa điện về nông thôn của tỉnh Sơn La, có thể điểm trên ba dự án quan trọng. Đó là dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, nguồn vốn ngân sách nhà nước 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực miền bắc, tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng thực hiện từ năm 2011 đến 2015. So với mục tiêu ban đầu khi thực hiện Dự án, số hộ dân được cấp điện đạt hơn 22.600 trong tổng số 30.150 hộ, bằng 75,2% số hộ được duyệt.

Để tiếp tục hỗ trợ tỉnh Sơn La đưa điện lưới quốc gia về các bản vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã triển khai thêm hai dự án mới. Đó là dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La năm 2015, tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng, cung cấp điện cho 5.345 hộ dân, và dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho các hộ dân chưa có điện tỉnh Sơn La năm 2016, tổng mức đầu tư 71 tỷ đồng, cung cấp điện cho 2.799 hộ dân. Hai dự án này đã nâng tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh lên 89,7%.

Tuy nhiên, qua khảo sát, Sơn La vẫn còn gần 600 bản, với khoảng 37 nghìn hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Chia sẻ khó khăn với một tỉnh đã hy sinh vì dòng điện, vừa qua Tổng công ty Điện lực miền bắc tiếp tục đầu tư dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại bốn huyện: Thuận Châu, Mường La, Phù Yên và Bắc Yên, tổng mức đầu tư khoảng 410 tỷ đồng, cấp điện cho 4.719 hộ. Đáng chú ý trong số này có nhiều hộ dân nằm trong vùng lòng hồ sông Đà của Thủy điện Hòa Bình đã 40 năm rồi chưa được sử dụng điện.

Câu chuyện đưa điện về bản ở Sơn La vừa khó, vừa khổ. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Phạm Văn Long tâm sự: Đưa điện về bản là một việc khó, vì cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách tỉnh rất eo hẹp. Khổ vì thi công kéo điện ở miền núi, địa hình phức tạp, chi phí lớn, bà con lại sinh sống rải rác trên một địa bàn rộng. Ai hiểu được điều ấy thì mới chia sẻ hết những khó khăn vất vả của ngành Điện.


  • 29/01/2017 09:02
  • Theo Nhân Dân
  • 14475