Sớm chuyển tín chỉ carbon thành hàng hóa

Thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, cần sớm chuyển tín chỉ carbon thành hàng hóa.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

- Việt Nam cần bổ sung những vấn đề gì để góp phần phát triển bền vững thị trường tín chỉ carbon, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Đây được xem là văn bản pháp quy đầu tiên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Từ năm 2028, Việt Nam sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon trên phạm vi toàn cầu. Như vậy, theo lộ trình đến thời điểm này, Việt Nam còn đang ở trong giai đoạn tiền vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Hiện nay, Bộ Tài chính mới đang xây dựng đề án về thị trường tín chỉ carbon nên cũng chưa biết sẽ mua, bán tín chỉ carbon như thế nào? Bên có hàng hóa là các chủ rừng có tín chỉ carbon cũng không biết bán cho ai.

Việt Nam đang xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon để thí điểm vào năm 2025, tiến tới vận hành chính thức vào năm 2028.

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 – 2024, nhưng không hẳn mang tính thị trường. Bởi, đây là khoản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính.

Như vậy, đối với thị trường tín chỉ carbon, chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thị trường trao đổi giữa bên cung và cầu…

- Theo ông, khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon cần được xây dựng như thế nào để tạo điều kiện cho hoạt động mua bán?

Để biến tiềm năng carbon rừng hay năng lượng tái tạo thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ carbon là vô cùng cấp bách.

Thứ nhất, cần phải xem tín chỉ carbon là hàng hóa. Một khi chưa xác định tín chỉ carbon là hàng hóa thì việc giao dịch mua bán trên thị trường thông qua phương thức nào cũng đều không thể coi là “danh chính ngôn thuận”. Vì vậy, Luật Lâm nghiệp và các luật có liên quan cần được điều chỉnh, bổ sung theo hướng công nhận carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản, hoặc carbon thu giữ được từ ngành năng lượng tái tạo là một loại hàng hóa đặc biệt.

Thứ hai, xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon để hạn chế phát sinh tranh chấp. Khi tín chỉ carbon trở thành hàng hóa giao dịch thành công trên thị trường, thì cũng như bất cứ một loại hàng hóa khác sẽ phát sinh tranh chấp quyền sở hữu. Do đó, hành lang pháp lý cần có trong Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan phải quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với tín chỉ carbon.
Thứ ba, luật hóa quy trình xây dựng và vận hành tín chỉ carbon. Carbon rừng nói riêng và carbon thu được từ các năng lượng tái tạo khác chỉ trở thành hàng hóa khi được xác nhận là tín chỉ. Nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh để các cơ quan chức năng của Nhà nước có nghĩa vụ phối hợp, thì các địa phương rất khó để tự mình thiết kế và tổ chức thực hiện thành công tín chỉ carbon.

- Theo ông, chúng ta cần phải làm như thế nào để biến tiềm năng carbon rừng hay carbon thu được từ năng lượng tái tạo thành hàng hóa và mang lại nguồn thu?

Ở đây có hai điều kiện. Điều kiện cần là phải thể hiện được khung pháp lý, có các tổ chức định giá, kiểm đếm tín chỉ carbon. Đó là các công ty tư vấn và được quốc tế công nhận. Sau khi định giá và đo đếm, các tổ chức quốc tế xác nhận cho số tín chỉ carbon này là đúng, lúc đó mới có quyền giao dịch và biến tín chỉ carbon thành thương mại hoá.

Điều kiện đủ là phải tạo ra thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam gia tăng năng lực năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường có những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường như thị trường châu Âu, cũng như tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh xanh hóa hoạt động đầu tư.

Thị trường tín chỉ carbon được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo động lực cho doanh nghiệp hành động nhằm góp phần giảm thiểu phát thải, cắt giảm lượng khí thải, hoặc hướng tới chuyển đổi sử dụng các công nghệ xanh, sạch, ít thải khí carbon.

Tuy nhiên, để thị trường này tại Việt Nam đi vào hoạt động có hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế giao dịch, đảm bảo phù hợp, liên thông với các quy định, quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Link gốc


  • 09/09/2024 04:12
  • Theo diendandoanhnghiep.vn
  • 6322