Sóc Trăng: Nâng cao năng lực cạnh tranh cho tôm nhờ tiết kiệm điện

Nhờ triển khai công tác tiết kiệm điện, ngành nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ, trong đó có Sóc Trăng, đã tiết giảm được nhiều chi phí, hạ được giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản này.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Sóc Trăng có tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế biển, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, tôm nước lợ tiếp tục được khẳng định là một thế mạnh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Sóc Trăng với hai đối tượng chủ lực là tôm sú và tôm thẻ chân trắng, mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người dân.

Theo ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, để đáp ứng kịp thời nhu cầu nuôi tôm của các hộ dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, ngành Điện đã triển khai nhiều dự án cấp điện phục vụ ngành nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng.

Tiêu biểu như, Dự án Cấp điện cho các khu vực nuôi tôm nước lợ huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng.

Hay như Dự án thành phần cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 3 (DPL3) có tổng vốn đầu tư 187,5 tỷ đồng. Dự án này cải tạo và xây dựng mới 139,4 km đường dây trung thế; 408,1 km đường dây hạ thế, 338 trạm biến áp có tổng dung lượng 38.185 kVA.

“Đồng thời, ngành Điện Sóc Trang cũng tự cân đối các nguồn lực hiện có để thực hiện các giải pháp điều hòa dung lượng các trạm biến áp quá tải mùa vụ cũng như cấp điện cho khách hàng nuôi tôm có nhu cầu lắp trạm biến áp riêng”- ông Hải cho biết.

Việc triển khai các dự án trên đã mang lại nhiều hiệu quả đầu tư tích cực, thể hiện qua diện tích thả nuôi tôm nước lợ không ngừng tăng trưởng. Cụ thể năm 2016 đạt 47.730 ha, tăng 2,7% so với năm 2015; năm 2017 đạt 53.133 ha, tăng 14,2% so với năm 2016.

Theo ông Hải, trong nuôi tôm, quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo oxy là khâu chủ yếu sử dụng điện nên cần quảng bá các giải pháp tiết kiệm điện, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện.

Thực hiện điều đó, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai điểm trình diễn Mô hình Tiết kiệm điện trong nuôi tôm tại phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu; giới thiệu đến các hộ nuôi tôm 2 giải pháp: Sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U cho dàn quạt; xử lý trục quay của dàn quạt đồng trục với trục quay của động cơ.

Ngoài ra, Công ty đã hỗ trợ cho 889 hộ dân nuôi tôm ở các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu được 543,67 ha với 26.378 gối đỡ con lăn (loại đỡ và loại treo) tổng chi phí 1,4 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả công tác tiết kiệm điện trong nuôi tôm, ông Hải cho rằng: “Chương trình “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016-2018” không những tiết kiệm năng lượng mà còn tiết kiệm điện sử dụng, giảm chi phí đầu vào cho hộ nuôi tôm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản”.


  • 29/01/2018 10:29
  • Theo Báo Công Thương
  • 524147