Trong khi đó, chỉ còn 8 năm nữa, cả nước cần không dưới 2.200 kỹ sư các chuyên ngành điện hạt nhân để phục vụ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên dự kiến hoạt động vào năm 2020.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Cục Năng lượng Nguyên tử (NLNT), từ Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân đã được phê duyệt với tổng kinh phí 3.000 tỷ đồng, một số cán bộ được ra nước ngoài học tập.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước về dự án Điện hạt nhân còn giao nhiệm vụ cho 6 cơ sở đào tạo trong nước gồm Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Đại học Điện lực (ĐHĐL), ĐH Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo Hạt nhân của Viện NLNTVN phối hợp với nhau để đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân.
Theo đề án, trong số 2.200 kỹ sư sẽ có 200 người tốt nghiệp tại nước ngoài; 350 thạc sĩ và tiến sĩ các chuyên ngành này, trong đó 150 người đào tạo ở các nước có ngành điện hạt nhân phát triển.
Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, dự kiến đào tạo 650 kỹ sư, 250 thạc sĩ và tiến sĩ; 100 thạc sĩ và tiến sĩ làm công tác giảng dạy trong cơ sở đào tạo ngành hạt nhân...
Sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân trường ĐHĐL trong giờ thực hành. Ảnh: Nguyễn Hoài.
|
Chỉ tiêu 50, chỉ tuyển được 17
Đại học Điện lực là một trong sáu cơ sở trong nước được phân công đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Điện hạt nhân.
TS Đỗ Thị Minh Nguyệt, Chủ nhiệm Bộ môn Điện hạt nhân, Khoa Công nghệ Năng lượng của ĐHĐL cho hay, sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu ngành điều khiển, tự động, tức là những người sẽ trực tiếp vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.
ĐHĐL bắt đầu tuyển sinh từ năm 2010, điểm chuẩn của chuyên ngành điện hạt nhân là 15,5, không hề cao so với các chuyên ngành khác và mặt bằng chung khối A.
Tuy nhiên, trường này cũng chỉ tuyển được 14 thí sinh trong khi chỉ tiêu là 50 sinh viên. “Phải tuyển thêm nguyện vọng, chúng tôi mới có được 58 sinh viên cho khóa học đầu tiên”, bà Nguyệt nói.
Năm 2011, vẫn chỉ tiêu tuyển sinh đó, điểm chuẩn của chuyên ngành này tiếp tục ở mức 15,5. Số lượng sinh viên nguyện vọng 1 vẫn không đủ, nhà trường lại tiếp tục tuyển nguyện vọng 2, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo ĐHĐL cho biết.
Năm 2012, để nâng cao chất lượng đầu vào, ngay từ đầu mùa tuyển sinh, ĐHĐL đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút thí sinh vào học chuyên ngành này như sinh viên sẽ được nhận học bổng một triệu đồng/tháng trong 10 tháng đầu tiên và được ưu tiên ở ký túc xá của nhà trường.
“Bên cạnh việc tuyển nguyện vọng 2, trong giấy báo trúng tuyển gửi đến các thí sinh khối A của trường, chúng tôi đều thêm nội dung nếu thí sinh học chuyên ngành điện hạt nhân sẽ được hưởng các ưu tiên” - Trưởng phòng ĐT ĐHĐL nói.
“Ưu đãi là vậy, số lượng hồ sơ vẫn thấp. Kết quả tuyển sinh năm 2012, với mức điểm chuẩn 18 điểm, nhà trường chỉ tuyển được 17 thí sinh. Tại các cơ sở đào tạo khác, điểm chuẩn chuyên ngành điện hạt nhân cũng ở mức khá thấp. Khoa Vật lý Kỹ thuật - Kỹ thuật Hạt nhân của ĐHBK Hà Nội, năm 2012, điểm chuẩn là 18,5 (khối A, A1).
Trước đó năm 2011 và năm 2010 điểm chuẩn ở mức 17 điểm. Khoa Công nghệ Hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội là 17 điểm ở hầu hết các năm. Ở trường ĐH Đà Lạt, Khoa Kỹ thuật Hạt nhân ở mức 16,5 điểm. Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn như vậy, chỉ có hơn 10 thí sinh đạt.
“Chúng tôi phải tuyển thêm nguyện vọng 2 ở mức điểm 17 để hy vọng có thể đạt đủ chỉ tiêu 30 sinh viên cho khóa học đầu tiên”, ông Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Đào tạo của ĐH Đà Lạt cho hay.
Đáng lo ngại
“Điểm chuẩn thấp khiến nhiều sinh viên không theo nổi chương trình đào tạo”, ông Hiền lo ngại. Trong số 58 thí sinh khóa học điện hạt nhân đầu tiên ở ĐHĐL, hiện chỉ còn 40 người theo học. Một vài sinh viên khá được chuyển ra nước ngoài đào tạo. Một số sinh viên khác xin chuyển khoa vì không theo được chương trình học.
Theo bà Nguyệt, thí sinh chưa mặn mà với chuyên ngành là bởi điều kiện làm việc xa xôi trong khi đây là ngành được mặc định có nhiều rủi ro. Một nguyên nhân khác là do thí sinh chưa hiểu hết về ngành.
Những năm gần đây, sinh viên học ngành hạt nhân ra trường chưa được trọng dụng; những kỹ sư làm ở các cơ quan nghiên cứu về điện hạt nhân lương thấp nên thí sinh chưa mặn mà với ngành.
PGS.TS Trần Thanh Minh kiến nghị cần sớm đưa các chính sách về nhân lực điện hạt nhân vào thực tế. Nếu không vấn đề nhân lực điện hạt nhân sẽ càng đáng lo ngại khi thời điểm dự kiến vận hành lò phản ứng đầu tiên đang đến gần.