Siêu bão Sơn Tinh gây thiệt hại nặng nề cho ngành Điện

Trong các ngày từ 27 đến rạng sáng ngày 29/10, siêu bão số 8 có tên quốc tế là Sơn Tinh với hướng di chuyển bất thường đã quét qua các tỉnh Bắc Trung bộ và đổ bộ vào các tỉnh ven biển miền Bắc. Với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103-133 km/h), giật cấp 13, cấp 14 kèm mưa lớn, bão số 8 đã tàn phá hệ thống lưới điện các tỉnh ven biển Bắc bộ gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Ghi nhận của nhóm phóng viên evn.com.vn về thiệt hại ban đầu và những nỗ lực lớn của EVN và các đơn vị trong việc khắc phục nhanh hậu quả bão số 8.

Lưới điện các tỉnh Bắc miền Trung và miền Bắc thiệt hại nặng nề

Dọc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng có mưa to kèm theo gió cấp 6 khiến nhiều khu vực bị mất điện trên diện rộng. Bão gây ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình làm hơn 100 lộ đường dây trung thế gặp sự cố. Do gió bão và mưa lớn, nên hệ thống lưới điện trung thế khu vực miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh) gặp nhiều sự cố.

Toàn tỉnh Nam Định, Thái Bình bị mất điện. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí bị gió to đã làm bay các tấm tôn lợp mái lò, gây đứt dây dẫn trong giàn phân phối trạm 220 kV. Tính đến sáng ngày 29/10/2012, bão số 8 đã gây sự cố tại 6 trạm, 42 đường dây 110kV và 428 lần với các đường dây trung thế do Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) quản lý.

Lưới điện cao thế khu vực Nam Định bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có các trạm 110 kV Trình Xuyên, Lạc Quần, Mỹ Xá, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Nam Ninh và Trạm 110 kV Giao Thủy mất điện do đổ cột chống sét đến nay chưa xác định được thiệt hại. Có đến 7 đường dây 110 kV bị sự cố, trong đó có các tuyến đường dây quan trọng như: ĐZ  Nam Ninh –Hải Hậu; ĐZ Nam Định –Vũ Thư; ĐZ Nam Định –Mỹ Xá; ĐZ Nam Định – Phi Trường; ĐZ Nam Định –Lạc Quần; ĐZ Giao Thủy –Hải Hậu và ĐZ Lạc Quần –Giao Thủy...

Theo đánh giá sơ bộ, đây là cơn bão mạnh hơn nhiều so với bão số 5 năm 2007 đổ bộ vào Nam Định, có thể so sánh với cơn bão số 3 năm 1962. Trong đêm 28/10, bão Sơn Tinh hoành hành trên bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Nam Định đã gây ra nhiều thiệt hại. Về hệ thống điện, hàng trăm cột điện cao thế, hàng nghìn cột hạ thế bị đổ, nghiêng, nhiều tuyến đường dây hư hỏng. Cho đến sáng 29/10, tại nhiều huyện của tỉnh Nam Định vẫn còn tình trạng mất điện trên diện rộng.

Lưới điện cao thế khu vực Thái Bình: Có 7 đường dây 110 kV bị sự cố và 4 trạm 110 kV, trong đó có  trạm 110 kV Tiền Hải bị ngập nước phòng trung tâm điều khiển. Nhiều lộ đường dây trung áp phải tách khỏi vận hành do mưa to, gió lớn.

Lưới điện cao thế khu vực Quảng Ninh: Dây dẫn một pha tại khoảng cột số 16 đến 18 bị đứt gây mất điện cho trạm 110 kV Hà Tu. Trạm 110 kV Uông Bí và 03 đường dây 110 kV khác cũng bị sự cố. Hiện tại NGC đang khẩn trương sửa chữa và khôi phục các tuyến đường dây do bão số 8 gây ra. Đến 5h sáng nay còn 16 lộ trung áp chưa khôi phục đóng điện.

Lưới điện cao thế khu vực Hà Nam cũng bị sự cố tới 33 tuyến đường dây 110 kV gây mất điện trên diện rộng khu vực tỉnh Hà Nam. Hiện tại còn 26 lộ trung áp chưa được khôi phục.

Tại Hải Phòng: Ảnh hưởng của bão đã làm cho lưới điện Hải Phòng xảy ra nhiều sự cố, gây mất điện một số khu vực trên địa bàn Thành phố. Bão số 8 đã gây sự cố cho 83 đường dây cao thế, số máy biến áp ngừng cấp điện là 13 MBA 110 kV và 2.500 MBA phân phối. Đến 14h chiều 29/10/2012, Công ty và các đơn vị đã khôi phục được 45 lộ đường dây và 13 MBA 110 kV cùng 1.500 MBA phân phối. Ước tính thiệt hại do bão số 8 gây ra cho hệ thống điện thành phố Hải Phòng khoảng 10 tỷ đồng.

Bão số 8 gây ngập lụt tại trạm 220 kV Hải Phòng. Ảnh: CTV

Hiện EVN và các đơn vị trực thuộc đang khẩn trương khắc phục lưới điện ở các địa phương, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân sau bão.

EVN: Kiểm tra và chỉ đạo khắc phục kịp thời

Ngay trong sáng nay 29/10, đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại cơ bão số 8 của EVN do Phó Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An chủ trì đã đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cơn bão gây ra để kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị trong công tác khắc phục.

Phó Tổng giám đốc Đặng Hoàng An chỉ đạo Công ty Điện lực Nam Định khẩn trương có báo cáo về thiệt hại sau cơn bão số 8 cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, đồng thời cập nhật tình hình cung cấp điện phát trên radio để phổ biến đến toàn thể người dân. Phối hợp Ủy ban nhân dân Huyện để triển khai công tác tiêu úng sau cơn bão số 8. Phó tổng giám đốc EVN cũng chỉ đạo Công ty Lưới điện Cao thế miền Bắc kiểm tra tổng hợp các thiệt hại và tập trung khắc phục, nhanh chóng khôi phục cấp điện. Các đơn vị đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình xử lý, khắc phục thiệt hại do cơn bão gây ra.

Bên cạnh đó, thực hiện văn bản số 277/PCLBTW ngày 29/10/2012 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, EVN yêu cầu các đơn vị: Tập trung nhân lực, phương tiện, thiết bị khắc phục nhanh và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBCNV và nhân dân trong quá trình khắc phục, tái lập cung cấp điện trở lại cho những khu vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc chỉ đạo các công ty điện lực liên quan khẩn trương tập trung khôi phục cung cấp điện trở lại cho các phụ tải quan trọng. Đặc biệt là các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập ở khác khu vực bị ảnh hưởng của bão. Công tác khắc phục cần được báo cáo thường xuyên và Ban chỉ huy PCLB Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong công tác khắc phục sự cố thiên tai.

PTC1: Đi vào tâm bão để xử lý

Ông Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) – Phó Trưởng Ban phòng chống lụt bão (PCLB) PTC1 cho biết: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, Ban chỉ huy (BCH) phòng chống lụt bão Công ty yêu cầu BCH phòng chống lụt bão các cấp thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện khẩn số 3635/CĐ-EVNNPT ngày 26/10/2012 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, triển khai lực lượng, phương tiện, dụng cụ, vật tư… theo phương án đã được duyệt.

Các thành viên BCH PCLB Công ty, các truyền tải điện, các đội đường dây, các trạm biến áp, được phân công làm công tác phòng chống lụt bão năm 2012, có mặt thường trực ở vị trí được phân công để chỉ đạo, kiểm tra, sẵn sàng đối phó với cơn bão số 8. Các thành viên trong BCH PCLB PTC1 trực tiếp đến tâm bão để chỉ đạo công tác PCLB.

Đường đi của bão số 8

Do hướng bão di chuyển hết sức phức tạp, ngay chiều ngày 27/10, đoàn công tác của PTC1 do ông Trần Minh Tuấn làm Trưởng đoàn cùng các thành viên trong BCH đã đi vào chỉ đạo công tác PCLB tại khu vực Thanh Hóa, Nghệ An. Sau khi hướng bão di chuyển ra phía Bắc và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, đoàn công tác đã di chuyển ra phía Bắc và trực tiếp chỉ đạo công tác PCLB tại khu vực này. Các đơn vị đã thường xuyên theo dõi hướng đi của bão để sẵn sàng ứng phó.

Lúc 18h25 ngày 28/10, thời điểm bão số 8 đổ bộ vào đất liền với sức gió lên đến cấp 10, giật cấp 11 đã gây sự cố đường dây 220 kV Ninh Bình – Nam Định. Ngay sau khi sự cố, Truyền tải điện Ninh Bình đã tổ chức đi tìm nguyên nhân để khắc phục và đã phát hiện điểm sự cố tại vị trí cột số 2 .

Trước tình hình đó, đoàn công tác đã chỉ đạo TTĐ Ninh Bình tiến hành khảo sát hiện trường và lập, duyệt phương án xử lý ngay trong đêm, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, vật tư… đợi bão đi qua tổ chức xử lý ngay. Đến 09h15 ngày 29/10 toàn bộ công tác khắc phục sự cố đã xử lý xong và  đóng điện đưa đường dây 220 kV Ninh Bình – Nam Định vào vận hành an toàn.

Theo thống kê, đến thời điểm 14h00 ngày 29/10, toàn bộ lưới điện truyền tải do PTC1 quản lý, chỉ có 01 sự cố đường dây như đã nêu trên và 2 sự cố thoáng qua tại Trạm biến áp 220 kV Ninh Bình và Trạm 220 kV Nam Định nhưng đều đã đóng lại điện thành công. Toàn Công ty không có thiệt hại về người và phương tiện, lưới điện truyền tải vận hành an toàn.

EVN CPC: Chỉ còn 2 phân đoạn sự cố

Ngay sau khi nhận được công điện thượng khẩn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về đối phó với cơn bão số 8, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị thành viên tổ chức trực 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cung cấp điện an toàn.

Ngày 27/10/2012, từ văn phòng EVN CPC đến các đơn vị trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 8 đã tổ chức trực ban phòng chống lụt bão nghiêm túc 24/24h, kịp thời báo cáo tình hình vận hành nguồn, lưới điện, tình hình phòng chống và khắc phục thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra về Ban chỉ huy PCLB EVN CPC.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 8, tình hình thời tiết khu vực Bắc miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng) có mưa vừa đến mưa to kèm theo gió cấp 6 gây ra sự cố trên lưới điện phân phối. Ngày 27/10/2012 đã xảy ra tổng cộng 29 vụ sự cố và đã khôi phục lại 27 xuất tuyến, phân đoạn bị sự cố ngay trong ngày.

Riêng tại Công ty Điện lực Quảng Bình, ngày 28/10/2012, do ảnh hưởng của thời tiết mưa và gió cấp 6, lưới điện đã xảy ra 7 vụ sự cố. Ngay sau đó, Công ty đã triển khai kiểm tra và phôi phục. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 2 phân đoạn đang bị sự cố do vướng cây ngã vào đường dây và cột điện gãy.

Tình hình vận hành các hồ thủy điện tại 6 nhà máy thủy điện do EVN CPC quản lý vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng của bão số 8.

Mời độc giả xem video "Khi áo cam chống chọi với bão số 8"


  • 29/10/2012 05:08
  • Nhóm PV
  • 4964