Sân bay Mỹ khai thác năng lượng khi máy bay cất cánh

Sân bay Dalas Love Field đang thử nghiệm một cách sản xuất năng lượng mới bền vững dựa vào luồng gió tạo bởi máy bay lúc cất cánh.

Luồng gió từ máy bay có thể phục vụ sản xuất điện. Ảnh: Yahoo

Sáng kiến cộng tác giữa sân bay và công ty JetWind Power tập trung vào tận dụng luồng gió tạo bởi máy bay cất cánh và biến đổi thành điện, Yahoo hôm 29/8 đưa tin. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017 tại hội thảo Airports Going Green ở Dallas, công nghệ của JetWind Power khai thác năng lượng từ gió nhân tạo qua turbine. Trong trường hợp khác, khoang hút gió có thể dùng để thu thập năng lượng gió tạo bởi tàu và xe cộ.

"Công nghệ bền vững này sẽ biến đổi ngành công nghiệp giao thông và năng lượng, không chỉ hàng không", T. O. Souryal, nhà sáng lập JetWind Power, cho biết.

Tại Dallas, turbine được đặt bên cạnh đài kiểm soát, cho phép nhà vận hành xác định có thể thu thập bao nhiêu năng lượng và liệu turbine có đủ bền để chịu được sức gió hay không. Sân bay Dallas Love Field cho biết điện mà các khoang tạo ra sẽ được dùng để sạc xe điện ở đài kiểm soát không lưu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Theo Souryal, một turbine Gen5 ở sân bay quốc tế Los Angeles có tiềm năng sản xuất 300 megawatt giờ mỗi năm. Mức tiết kiệm từ chi phí tiền điện giảm sẽ đủ bù đắp giá thành turbine sau 12 tháng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, hàng không chiếm 2% lượng khí thải carbon toàn cầu năm 2022. Tìm kiếm cách tận dụng năng lượng từ máy bay sẽ giúp tăng cường tính bền vững và ngăn hiện tượng ấm lên toàn cầu. Năm 2021, chính phủ Mỹ đặt mục tiêu không thải carbon cho ngành hàng không vào năm 2050. Công nghệ từ JetWind Power chắc chắn sẽ hỗ trợ hoàn thành mục tiêu đó.

Link gốc


  • 11/09/2023 10:58
  • Theo vnexpress.net
  • 6000