Rốt ráo chuẩn bị xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã bước sang giai đoạn thiết kế kỹ thuật, phía Việt Nam và Nga đang xác định vị trí cuối cùng để có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta theo kế hoạch, các chuyên gia Nga thông báo hôm 18/3 tại Đà Lạt.

Tại buổi họp báo nhân kỷ niệm 30 năm khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (20/3/1984), ông Vyacheslav Pershukov, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom), nói rằng, hồ sơ nghiên cứu khả thi cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được hoàn thành cuối năm 2013 và nộp cho chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam). 

Lò phản ứng hạt nhân thế hệ 4 của Nga được thiết kế để chống lại các tác động nguy hiểm từ bên ngoài

Các chuyên gia hai nước đang làm việc để xác định vị trí lò phản ứng ở mức chi tiết - trong khu vực +/-50m trong phạm vi nghiên cứu khả thi. Địa điểm chính xác phải được lựa chọn và thẩm định kỹ càng trước khi đổ bê tông xây dựng nhà máy. 

“Theo văn bản chính thức ký giữa hai bên, thời gian khởi công từ năm 2017 hoặc 2018, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể đàm phán thời gian khác”, ông Pershukov nói.

Theo Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 15.000-16.000 MW.

Cụ thể, năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, công suất khoảng 1.000 MW được đưa vào vận hành; năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện; năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.

Trước câu hỏi, nước có GDP thấp như Việt Nam thì xây dựng nhà máy điện hạt nhân có quá táo bạo, ông Pershukov cho rằng, quyết định phát triển ngành công nghệ điện hạt nhân của mỗi chính phủ phụ thuộc vào đánh giá tiềm năng. Hàn Quốc đã xây dựng và phát triển ngành điện hạt nhân trong thời gian khá ngắn, đạt uy tín cao, một phần vì hợp tác với Mỹ. Chuyên gia Pershukov cho rằng, chính phủ Việt Nam đề ra chương trình điện hạt nhân táo bạo, dám nghĩ dám làm, nhưng “tôi cho rằng điều này có cơ sở vì Việt Nam cách đây không lâu có mức tăng GDP nhanh nhất thế giới. Hiện nay GDP tăng chậm hơn nên Việt Nam cần tìm ra những bước đột phá, mà kinh nghiệm của Nga cho thấy điện hạt nhân có thể tạo nên đột phá”.

Nói về công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu và kỹ thuật của Rosatom này cho biết, công nghệ lò nước nhẹ của Nga có một số phiên bản khác nhau phù hợp với các vị trí địa vật lý khác nhau. Hiện nay, chuyên gia hai bên đang nghiên cứu phiên bản nào thích hợp nhất về kỹ thuật cho vị trí chung đã chọn, nhưng những phiên bản không khác biệt về nguyên tắc, chỉ khác về thông số kỹ thuật và giải pháp thiết kế.

500 triệu USD xây trung tâm nghiên cứu hạt nhân

Năm 2011, Chính phủ Việt Nam và Nga ký hiệp định hợp tác, theo đó Nga hỗ trợ Việt Nam khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD để xây dựng Trung tâm Khoa học Công nghệ Hạt nhân. Trung tâm này gồm 2 cơ sở dự kiến ở nội thành Đà Lạt và ngoại ô Hà Nội, ông Pershukov thông báo. Cơ sở ở Đà Lạt sẽ được lắp đặt một lò phản ứng hạt nhân với công suất 15 MW, gấp 30 lần công suất lò hiện nay ở Đà Lạt, cùng một số phòng thí nghiệm và thiết bị liên quan.

“Có nghiên cứu phải mất 30 năm mới hoàn thành nếu dùng lò phản ứng cũ, nhưng lò phản ứng mới chỉ cần 1 năm là xong”, ông Pershukov nói.

Lý giải về việc chọn vị trí xây trung tâm ngay tại trung tâm Đà Lạt, TS Nicolas Arkhangelsky, cố vấn quản lý sáng chế của Rosatom, cho biết, nền địa chất ở Hà Nội dễ xảy ra động đất hơn, nên nếu xây ở Hà Nội sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Ở Đà Lạt đã có một đội ngũ đã biết vận hành. Việt Nam cũng có chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân gần phía nam hơn.

“Nếu nhìn vào bản đồ thế giới, hầu hết các thủ đô lớn trên thế giới đều có lò phản ứng ngay tại thủ đô, như Nga, Áo, Hà Lan... Nói chung, ngành hạt nhân cần sự ủng hộ của quần chúng. Trung tâm nghiên cứu không có xác suất nào về xảy ra sự cố”, ông Nicolas nói.

Cơ sở Hà Nội sẽ không có lò phản ứng mà tập trung nghiên cứu lý thuyết, phân tích trên máy tính, mô phỏng quá trình vật lý xảy ra, tìm hiểu tính toán các thiết kế, mô phỏng kết quả thực hiện ở Đà Lạt, không liên quan thử nghiệm phóng xạ và lò phản ứng.

“Chúng tôi hy vọng năm nay sẽ bắt đầu thực hiện dự án (Trung tâm Khoa học Công nghệ Hạt nhân) và hoàn thành vào năm 2020”, ông Pershukov nói về dự án với khoảng 400-500 người làm việc. 

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, cho biết việc khởi công xây dựng cơ sở tại Đà Lạt sẽ sớm được triển khai khi các công tác liên quan như giải phóng mặt bằng hoàn thành. 

Đánh giá về Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt hiện nay, ông Nicolas, chuyên gia hàng đầu của Nga từng tham gia khôi phục lò phản ứng ở Đà Lạt, cho biết công suất của lò phản ứng ở Đà Lạt chỉ là 500 kW. Trong 30 năm qua, lò phản ứng này đã đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo đội ngũ chuyên gia về phóng xạ, thực hiện được một số phản ứng, ứng dụng trong địa vật lý, một số phản ứng dùng bức xạ của lò phản ứng mới. Lò phản ứng mới sẽ không khác nhiều lò cũ, nhưng có quy mô và độ phức tạp kỹ thuật cao hơn và rất an toàn khi vận hành.

Hiện nay lò nghiên cứu Đà Lạt là loại nhỏ, không có phòng nóng nghiên cứu vật liệu sau chiếu xạ. Trung tâm mới sẽ được trang bị một số phòng nóng như vậy. “Trung tâm không chỉ là tập hợp nhà xưởng thiết bị mà là xây dựng cho một chương trình nghiên cứu trong dài hạn đã được thống nhất giữa Nga và Việt Nam”, ông Nicolas nói.

Hiện nay Rosatom đang tổ chức đào tạo khoảng 230 người Việt Nam phục vụ các chương trình, dự án điện hạt nhân.

* Theo Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có tổng cộng 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất 15.000-16.000 MW.

Cụ thể, năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên, công suất khoảng 1.000 MW được đưa vào vận hành; năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8.000 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện; năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện.

* Các chuyên gia Nga nói rằng, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang kêu gọi các nước chấm dứt không xây dựng lò phản ứng thế hệ dưới 2, khuyến khích từ 3 hoặc 3+. Nga đang có chương trình chu kỳ khép kín nhà máy điện hạt nhân, tức là thế hệ 4 – được thế giới công nhận là tương lai của ngành. Chương trình bắt đầu từ 2009 này của Nga dùng lò phản ứng dựa vào neutron nhanh.

Kế hoạch là đến năm 2020 xây dựng hệ thống công trình điển hình là có thể sử dụng công nghệ này để kinh doanh có lãi và đến năm 2030 có thể xây dựng những tổ hợp máy kinh doanh dùng công nghệ mới có hiệu quả kinh tế cao gấp 100 lần các lò phản ứng cũ. Trên thế giới mới chỉ có một số nước như Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ sử dụng công nghệ này.

 


  • 24/03/2014 09:56
  • Theo Tiền phong Online
  • 3324


Gửi nhận xét