Rốt ráo chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam

Khóa đào tạo về thị trường điện trong khâu phân phối điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức mới đây tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) là bước chuẩn bị rốt ráo để 5 tổng công ty phân phối thuộc EVN đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Đẩy nhanh lộ trình

Để đảm bảo vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh ngay trong năm 2015 theo lộ trình của Chính phủ, EVN phải đẩy nhanh tiến độ các phần việc quan trọng như: Xây dựng và vận hành kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin; tham gia cùng Cục Điều tiết Điện lực xây dựng hệ thống quy định, quy trình phục vụ thị trường; đào tạo nguồn nhân lực; vận hành thị trường. Đồng thời, các Bộ liên quan như: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp nghiên cứu hoàn thiện cơ chế bù chéo giữa các Tổng công ty Điện lực; cơ chế thanh toán, thuế, bảo lãnh thanh toán trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh; thu xếp các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác xây dựng và phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam…

Về cấu trúc thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các đối tượng bên bán gồm: Tất cả các nhà máy điện có công suất đặt trên 30 MW bắt buộc tham gia thị trường điện; các nhà máy điện dưới 30 MW được phép lựa chọn tham gia thị trường khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng; các nhà máy BOT và thủy điện đa mục tiêu tham gia chào giá và xét giá thị trường theo các phương án cụ thể. Về các đối tượng bên mua, khác với thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có một đơn vị mua buôn duy nhất, thị trường bán buôn điện cạnh tranh có nhiều đơn vị mua điện trên thị trường điện bao gồm: 5 Tổng công ty Điện lực; khách hàng lớn đủ điều kiện; đơn vị mua buôn mới; EVN/Công ty Mua bán điện (EPTC).

Trên thị trường bán buôn điện cạnh tranh, các Tổng công ty phân phối (thuộc EVN) hoặc các đơn vị phân phối khác có đủ năng lực sẽ được trực tiếp mua buôn nguồn điện, thay vì phải thông qua Công ty Mua bán điện là đơn vị mua buôn duy nhất hiện nay.

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ưu điểm của mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh là tạo ra sự cạnh tranh trong khâu phát và bán buôn điện, xóa bỏ được độc quyền mua điện của đơn vị mua duy nhất trong thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay, các đơn vị phân phối và các khách hàng tiêu thụ sản lượng điện lớn có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện…

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực truyền đạt nội dung lộ trình triển khai thị trường điện tại Việt Nam

Nhiều kiến thức bổ ích

Tại khóa đào tạo những vấn đề quan trọng được số đông đại biểu quan tâm là: Khi thị trường điện hình thành, chi phí phân phối ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo sẽ tăng cao; vì vậy cần có cơ chế, chính sách gì để đầu tư cho khu vực này?

Cơ chế bù chéo cho các đơn vị được thực hiện như thế nào? Giả thiết về kịch bản sự cố xếp chồng, nguồn cung điện nhỏ hơn cầu thì việc chào giá trên thị trường sẽ như thế nào? Lúc đó, các Tổng công ty có phí phân phối cao hoặc giá bán bình quân thấp có ảnh hưởng gì?

Quỹ bù chéo có ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường không? Khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh, sẽ có nhiều người mua hơn (hiện tại là thị trường 1 người mua) dẫn đến giá mua trung bình của các Tổng công ty Điện lực sẽ tăng, trong khi giá điện đầu ra bị khống chế. Như vậy, nếu các Tổng công ty Điện lực bị lỗ do giá mua tăng thì giải quyết thế nào?...

Những trăn trở, thắc mắc của các đại biểu lần lượt được tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực và ông Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Thị trường điện EVN giải đáp thấu đáo, cặn kẽ. 

Từ những thành công bước đầu sau 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh như: Hệ thống điện được vận hành ổn định, an toàn; nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác huy động, vận hành hệ thống điện và thị trường điện được tăng cường; tạo động lực cho các đơn vị phát điện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; giá điện thị trường được thiết lập trên cơ sở quan hệ cung - cầu thông qua thị trường cạnh tranh…, chúng ta càng có cơ sở để tin tưởng rằng khi thị trường bán buôn điện đi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa tích cực cho việc tiến đến minh bạch hơn, cạnh tranh hơn trong thị trường điện Việt Nam hiện nay.

Mục tiêu của việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam là để đảm bảo an ninh cung cấp điện; thu hút đầu tư; giá điện hợp lý; nâng cao cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu quả; phát triển bền vững.

 


  • 18/08/2015 03:36
  • Bài và ảnh: Lê Hải
  • 5338


Gửi nhận xét