Rất ít nước trên thế giới áp dụng bán lẻ điện

Chiều ngày 9/7/2012, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6 năm 2012. Nhiều vấn đề nóng liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được các nhà báo quan tâm đặt câu hỏi.

Trước câu hỏi của báo chí về quyết định tăng giá bán điện thêm 5% (áp dụng từ ngày 1/7) vừa qua có phần bất ngờ? Ông Nguyễn Nam Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, việc điều chỉnh giá điện của EVN hoàn toàn tuân thủ Quyết định 24 của Chính phủ và Thông tư 31 của liên Bộ Tài chính - Công thương. Việc tăng giá điện của EVN có sự kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương cũng như sự phối hợp của Bộ Tài chính, không có chuyện “lén lút” tăng giá điện.
 
Cụ thể, giá bán điện bình quân được điều chỉnh từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng thêm 65 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đã áp dụng từ trước.

Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cũng nêu rõ, việc để giá điện từng bước theo cơ chế thị trường nhưng Bộ Công Thương sẽ hết sức cân nhắc về thời điểm và cùng với EVN để làm từng bước chứ không để thay đổi nhanh quá.

“Tôi cũng lưu ý rằng, trong việc điều chỉnh thì giá điện cũng sẽ giảm giá chứ không phải cứ 3 tháng một lần chỉ có tăng giá”, Thứ trưởng Hải nêu rõ.

 

Bộ Công Thương khẳng định giá điện sẽ được điểu chỉnh 3 tháng một lần có tăng, có giảm (ảnh XT)


Riêng vấn đề thị trường phát điện cạnh tranh, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết đến nay đã có quyết định thành lập 3 tổng công ty phát điện, hoạt động độc lập trong EVN và tiến tới xem xét cổ phần hóa 3 tổng công ty này.
 
Ông Cường khẳng định, phát triển thị trường điện cạnh tranh phải có lộ trình, bởi đây là thị trường nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, nên thị trường sẽ phát triển qua 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh, bán lẻ cạnh tranh.
 
Việt Nam đang ở khâu đầu tiên là phát điện cạnh tranh. Mặc dù các đơn vị vận hành hệ thống điện nằm trong EVN và EVN là đơn vị mua duy nhất, nhưng bên bán được bình đẳng sắp xếp lịch phát điện dựa theo giá chào. Việc hoạt động của thị trường phát điện cạnh tranh có sự giám sát chặt chẽ của Bộ Công thương nên có thể hạn chế tối thiểu sự không công bằng.
 
Theo kế hoạch, từ 2014 – 2022 ngành Điện Việt Nam sẽ tiến tới thị trường cạnh tranh về bán buôn rồi bán lẻ.
 
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý kinh nghiệm của thế giới “Ở các nước tiên tiến họ cũng chỉ áp dụng thị trường điện cạnh tranh đối với bán buôn, còn thị trường bán lẻ rất ít nước áp dụng”.


 


  • 10/07/2012 05:05
  • PV
  • 3054


Gửi nhận xét