Rà soát chặt chẽ để phát triển thủy điện nhỏ bền vững và hiệu quả

Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo: An toàn - Hiệu quả - Bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đồng chủ trì Hội thảo. Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Nguyễn Cường Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn tham dự. 

 

Việt Nam hiện có 824 dự án thủy điện, tổng công suất 24.778 MW, đã nghiên cứu quy hoạch. Trong đó:

+ Đã vận hành khai thác: 17.987 MW;

+ Đang thi công xây dựng: 165 dự án, tổng công suất 3.348 MW;

+ Đã cho phép nghiên cứu đầu tư: 260 dự án, tổng công suất 3.050 MW;

+ Chưa phê duyệt chủ trương đầu tư: 56 dự án (chủ yếu quy mô nhỏ), tổng công suất 393,5 MW.

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, trao đổi của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn, về lý thuyết khoảng 35.000 MW với điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm, cũng như có tiềm năng lớn về  gió, mặt trời, sinh khối,...

“Đây là những tài nguyên quý giá, nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo, cần được khai thác một cách hợp lý” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm nguồn thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng) khoảng 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030. 

Trong những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương tiến hành rà soát, loại bỏ 468 dự án thủy điện hoặc không xem xét đưa vào quy hoạch với tổng công suất khoảng 2.044 MW do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội.

Hội thảo diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội) sáng 5/10 - Ảnh: Huyền Thương

Theo ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, để đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả thủy điện nhỏ, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật của các nhà máy; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành.

"Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác. Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng cũng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện vừa và nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững” - ông Quân kiến nghị.


  • 05/10/2017 02:32
  • Huyền Thương
  • 8454