Quy hoạch điện VII (điều chỉnh): Phát triển nhiệt điện than thế nào?

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), từ nay đến năm 2020, công suất nhiệt điện than tăng từ 33,4% lên 42,7% tổng công suất nguồn. Mặc dù đã giảm 5,3% so với Quy hoạch điện (QHĐ) VII, nhưng nhiệt điện than trong Quy hoạch điều chỉnh vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể. Việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ được triển khai như thế nào và môi trường sống có bị ảnh hưởng? PV Tạp chí Điện lực đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương.

TCĐL: Ông đánh giá thế nào về tỉ trọng nhiệt điện than trong QHĐ VII (điều chỉnh), thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo QHĐ VII (điều chỉnh) đã được phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, công suất nhiệt điện than chiếm khoảng 42,7% trong tổng cơ cấu nguồn điện. Đây là các dự án nhiệt điện than đã được cấp phép đầu tư và bổ sung thêm một số dự án dự phòng khi các nguồn năng lượng tái tạo không kịp đưa vào vận hành.

Như vậy, đến năm 2020, so với công suất nhiệt điện than trong QHĐ VII, công suất nhiệt điện than trong QHĐ VII (điều chỉnh) đã giảm 5,3%, và đến năm 2030 giảm 9%. Nhiều dự án nhiệt điện than đã không nằm trong quy hoạch như: Nhiệt điện Uông Bí III, Yên Hưng, Bắc Giang, Kiên Lương. Đồng thời, Chính phủ còn yêu cầu phải phát triển các nhà máy nhiệt điện theo tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu.

Bên cạnh đó, các nguồn năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích phát triển, từ mức chỉ chiếm 5,6% trong QHĐ VII tăng lên 9,9% trong QHĐ VII (điều chỉnh) vào năm 2020.

Trong QHĐ VII (điều chỉnh) có tính đến việc phát triển nhiệt điện than gắn với nhập khẩu nhiên liệu không, thưa ông?

Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) là đầu mối nhập khẩu than. Bên cạnh đó, nếu được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước và sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng, giá thành, một số nhà đầu tư khác cũng được chủ động nhập khẩu than. 

QHĐ VII trước đây chưa tính đến hệ thống cảng biển và kho bãi chứa lượng than nhập khẩu khổng lồ. Vì vậy, trong QHĐ VII (điều chỉnh), các hệ thống cảng trung chuyển than tại từng miền đã được yêu cầu tập trung xây dựng, nhằm tối ưu hóa chi phí nhập khẩu than. Đồng thời, các đơn vị liên quan sẽ phải đẩy nhanh việc tìm kiếm, đàm phán với đối tác nước ngoài, đảm bảo lượng than nhập khẩu ổn định cho các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện sử dụng nguồn than nhập khẩu tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An… 

Bảo vệ môi trường sống luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm khi tiến hành xây dựng các nhà máy nhiệt điện than, thưa ông?

QHĐ VII (điều chỉnh) đã nêu rõ các giải pháp về bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu sử dụng chất thải tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than cho sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác nhằm giảm diện tích bãi thải cho các dự án nhà máy nhiệt điện bảo đảm theo đúng quy định. 

Đồng thời, quản lý chặt chẽ công nghệ phát điện về phương diện môi trường. Đặc biệt, khuyến khích sử dụng các dây chuyền công nghệ hiện đại tại các nhà máy nhiệt điện than nhằm giảm ô nhiễm môi trường sống như: Buồng đốt phun, tầng sôi, thông số hơi siêu tới hạn, trên siêu tới hạn, chu trình tuabin khí hỗn hợp; công nghệ xử lý chất thải tiên tiến… để nâng cao hiệu suất và bảo vệ môi trường. 

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đảm bảo cung ứng điện cho một số tỉnh phía Nam

Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than có đảm bảo được yêu cầu cấp điện nội miền, đặc biệt là miền Nam trong những năm tới không, thưa ông?

Nguồn năng lượng sơ cấp của nước ta phân bố không đều, các mỏ than hầu hết tập trung ở vùng Quảng Ninh, trữ lượng khí đốt chủ yếu nằm ở thềm lục địa khu vực Đông và Tây Nam bộ, trữ lượng thủy điện chủ yếu phân bố ở miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện lại tập trung khoảng 50% ở miền Nam, khoảng 40% ở miền Bắc và chỉ trên 10% ở miền Trung. 

Trong 20 năm qua, các quy hoạch điện quốc gia từ QHĐ IV đến QHĐ VII do Viện Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương) chủ trì thực hiện, việc quy hoạch phát triển các nhà máy điện cũng như lưới điện truyền tải đều có các giải pháp đi kèm, đảm bảo khai thác hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp của từng miền. 

Trong QHĐ VII (điều chỉnh), tiến độ các dự án nhiệt điện đã được điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu cung cấp điện của từng vùng miền. Sau năm 2020, nếu các dự án nhiệt điện được đưa vào vận hành theo đúng tiến độ thì sẽ đảm bảo nhu cầu cung cấp nội miền, đặc biệt là miền Nam, giảm áp lực truyền tải cao trên đường dây 500 kV Bắc – Nam, tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Xin cảm ơn ông!

Phát triển nhiệt điện than trong QHĐ VII (điều chỉnh)

Năm

2015

2020

2025

2030

Số lượng nhà máy

19

31

47

52

Công suất (MW)

13.157

25.787

45.152

55.252

Tỷ trọng công suất nhiệt điện than trong tổng công suất đặt (%)

33,4

42,7

49,3

42,6

Tổng sản lượng điện sản xuất (Triệu kWh)

56.400

130.932

220.165

304.478

Tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất (%)

34,3

49,3

55,0

53,2

(Nguồn: Viện Năng lượng – Bộ Công Thương)


  • 31/05/2016 08:39
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 35301