Quảng Nam: Trăn trở với rủi ro của lưới điện phân phối

Sau bão Nari, lưới điện phân phối tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi bão Nari tràn qua mà đã từ lâu, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện ở Quảng Nam đã ở mức báo động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, vận hành lưới điện toàn Tỉnh.

Lưới điện 35 kV cấp điện cho huyện Nông Sơn bị thiệt hại nặng do cây cối đổ vào trong cơn bão Nari  - Ảnh: Nhị Triều

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) và các biện pháp xử lý vi phạm, song rủi ro vẫn luôn đe dọa hệ thống lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng trong cơn bão số 11 vừa qua, hầu hết những vị trí hư hỏng của lưới điện đều có nguyên nhân từ cây cối. Tổng cộng có 124 trụ điện trung áp, 522 trụ hạ áp cùng 750 vị trí lưới điện bị đứt, rơi xuống đất…

Giải quyết tình trạng vi phạm HLATLĐ thực sự là vấn đề nan giải đối với các cấp chính quyền và đơn vị quản lý, vận hành lưới điện.

Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Nam đã cùng UBND các huyện, thành phố ký Quy chế phối hợp chia sẻ trách nhiệm đối với các hoạt động điện lực, trong đó có việc bảo đảm an hành lang toàn lưới điện. Riêng lĩnh vực bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, hiện Công ty Điện lực Quảng Nam đang triển khai thí điểm tại xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh), hơn 95% hộ dân đã viết giấy cam kết không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Cách làm này bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực. Lãnh đạo các địa phương đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đặc biệt trong việc giải quyết các vụ khiếu kiện đất đai. Các bên cũng đã làm tốt công tác dân vận, linh hoạt trong xử lý từng trường hợp, nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ  của các hộ dân.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Quảng Nam đã và đang cùng với chính quyền các địa phương lập hồ sơ đề nghị cấp đất theo hiện trạng của lưới điện để trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét quyết định; đồng thời trên cơ sở nguồn vốn được bố trí, Công ty có phương án từng bước sửa chữa và quy hoạch hợp lý các tuyến đường dây, góp phần tiết kiệm quỹ đất.

Để bảo đảm an toàn cho lưới điện, góp phần nâng cao độ tin cậy trong sử dụng điện của người dân, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc cùng với ngành Điện tuyên truyền Luật Điện lực và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của lưới điện trong việc bảo đảm an ninh năng lượng điện.

Trước mắt, sau bão Nari, cần tập trung xử lý ngay các vụ vi phạm nghiêm trọng đang tồn tại, còn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến lưới điện. Về lâu dài, cần quy định cụ thể trách nhiệm dân sự của các bên liên quan trong việc gây hại cho lưới điện, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện của ngành Điện và sinh hoạt của nhân dân.


  • 06/11/2013 11:27
  • Nhị Triều
  • 3467


Gửi nhận xét