Tham gia buổi tọa đàm có ông Trần Hữu Thiêm - Phó Trưởng phòng An toàn điện, Cục Kỹ thuật an toàn & Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); ông Trần Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện lực Việt Nam; ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn, Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
Các câu hỏi được đông đảo độc giả, cũng như các phóng viên, nhà báo quan tâm gửi đến gồm: Làm thế nào để đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão; quy định pháp luật của nhà nước về an toàn lưới điện; bảo vệ hành lang lưới điện cao áp; cách sơ cứu khi bị điện giật…
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả và các phóng viên, nhà báo về lĩnh vực an toàn điện. Ảnh: Hồng Hoa
|
Các chuyên gia đã chỉ ra những tình huống cụ thể để người dân, độc giả nâng cao ý thức về phòng tránh tai nạn điện, đặc biệt trong mùa mưa bão.
Cụ thể, khi xảy ra mưa bão, gió mạnh, cần tắt hết nguồn điện trong nhà, không được đứng dưới chân cột điện hay đường dây điện, tuyệt đối không được thu nhặt dây dẫn bị đứt rơi xuống đất; khi qua vùng ngập nước, cần quan sát kỹ để tránh đi qua khu vực có dây dẫn điện rơi xuống nước hoặc hệ thống công tơ, tủ đấu dây điện bị ngập.
Các hộ gia đình cũng tuyệt đối không dùng điện để bẫy chuột hay đánh cá. Các thiết bị điện trong gia đình như tủ lạnh, bình nước nóng… cần phải được nối đất để đảm bảo an toàn.
Theo Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tại 27 tỉnh, thành phố do Tổng công ty quản lý, 9 tháng đầu năm 2017 đã xảy ra 27 vụ tai nạn điện trong dân, làm 16 người chết, 2 người bị thương. Nguyên nhân gây tai nạn có yếu tố bất thường của thời tiết (bão, lũ, lốc xoáy, mưa) đã làm ảnh hưởng đến hệ thống điện, đồng thời cũng có vụ việc do sự chủ quan của người dân về an toàn điện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Về phía ngành Điện, trong những năm qua, EVN đã tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn sau khi ngành Điện tiếp nhận. Do khối lượng tiếp nhận lớn, trong khi nguồn tài chính và nhân lực của ngành Điện có hạn, nên lưới điện ở nhiều khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn kém, cần phải tiếp tục cải tạo.
Ông Mai Quang Hùng cho biết, EVNNPC đã liên tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn điện qua nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, cẩm nang cho nhân dân, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh - truyền hình từ trung ương đến địa phương.
"Trong công tác này, ngành Điện rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền các địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, đặc biệt chúng tôi mong muốn những kiến thức này có thể đưa vào chương trình giáo dục phổ thông để đạt hiệu quả cao nhất" - ông Hùng khẳng định.
Xem chi tiết nội dung buổi tọa đàm tại đây.