Phát triển lưới điện thông minh

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) cho biết đang đẩy mạnh triển khai xây dựng lưới điện thông minh và chương trình tăng cường độ tin cậy, ổn định hệ thống lưới điện trên toàn địa bàn 21 tỉnh thành khu vực miền Nam (từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào).

Lưới điện thông minh vươn ra diện rộng

Ông Hồ Quang Ái - Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết, hiện EVN SPC đang thực hiện kế hoạch xây dựng lưới điện thông minh trong 2015, trong đó triển khai một loạt các dự án thành phần như: Hoàn thiện kết nối Scada từ trạm biến áp về Trung tâm điều độ; dự án xây dựng hệ thống Scada và trạm biến áp 110 kV không người trực; xây dựng thí điểm mô hình tổ chức trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa; đề án xây dựng tiêu chí và lộ trình tự động hóa, điều khiển từ xa thiết bị trên lưới trung thế; đang triển khai đề án tái cấu trúc và tự động hóa trong vận hành lưới điện phân phối trên các đảo Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo và dự án năng lượng mặt trời nối lưới tại Côn Đảo; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung của EVN SPC; thực hiện chương trình đọc thông số các trạm 100 kV từ xa qua điện kế điện tử; đề án GIS lưới điện 22 kV và xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý lưới điện phân phối; hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; phát triển hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin phục vụ lưới điện thông minh. Trong đó, nhiều dự án đã được triển khai thực hiện và đem lại kết quả khả quan, nhiều dự án đã kết thúc giai đoạn thí điểm và sẽ được triển khai trên diện rộng. 

Về việc triển khai chương trình tăng cường độ tin cậy lưới điện và ổn định hệ thống điện, ông Ái cho biết, hiện nay EVN SPC đang tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực quản lý, củng cố nâng cao chất lượng vật tư thiết bị, đầu tư, cải tạo lưới điện…; hoàn thiện sơ đồ trạm biến áp 110 kV. Theo kế hoạch, sẽ triển khai thực hiện 68 công trình. Hiện đang triển khai thi công 7 công trình và 61 công trình còn lại sẽ được thực hiện hoàn thiện trong năm 2015. Cùng với đó là triển khai xóa đấu nối T tại các trạm biến áp để chuyển sang giải pháp trạm cắt 110 kV có điều khiển Scada từ xa.

Ông Ái cũng cho biết, để tăng cường nguồn cung cấp cho phụ tải, EVN SPC cũng đã tập trung phương án cải tạo lưới điện 110 kV để tập trung khai thác tải tại khu vực tỉnh Bình Thuận (trạm 220 kV Phan Thiết), Đồng Nai (trạm 500 kV Song Mây và trạm 220 kV Nhơn Trạch), Bình Dương (trạm 220 kV Uyên Hưng) và khu vực Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng (trạm 220 kV Cà Mau).

Dự án điện năng lượng mặt trời tại Côn Đảo sẽ được vận hành tự động hóa. Ảnh: Đại Dương

Ứng dụng công nghệ cao

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị trực thuộc EVN SPC cũng đang đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao để phát triển hiệu quả lưới điện thông minh nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng, nhất là ở tại các địa bàn kinh tế trọng điểm. Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) là một ví dụ. Cùng với việc xây dựng các trạm trung gian 110 kV Ông Kèo, Dệt May, Tân Hòa, Thạnh Phú, Sông Mây… và hàng trăm kilômét lưới điện trung, hạ thế mới kéo về khu công nghiệp Bàu Xéo, Long Đức…; các khu dân cư mới hình thành ở Trảng Dài, Tân Phong, Miếu Bình Thiền; các khu vực nông thôn mới ở huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, thị xã Long Khánh là lộ trình ứng dụng công nghệ vào công tác kinh doanh để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu tồn thu, tổn thất trong khâu kinh doanh điện năng. 

Sau 2 tháng triển khai thí điểm hóa đơn điện tử tại Điện lực Biên Hòa và Biên Hòa 2, đến tháng 8/2014, công ty đã đồng loạt triển khai hóa đơn điện tử tại 9 Điện lực còn lại. Đồng thời thay thế các thiết bị như CT (biến dòng do lường), VT (biến điện áp đo lường) công nghệ cũ bằng các thiết bị sử dụng công nghệ đúc Expoy chân không. Những bản vẽ sơ đồ đơn tuyến trên giấy, những phơi ghi điện đã được thay bằng 26 máy tính bảng và trên 400 điện thoại thông minh có phần mềm khảo sát, ghi điện, giao thu tiền điện, chấm xóa nợ… được trang bị cho nhân viên. Đến nay, toàn công ty đã lắp đặt 6.068 điểm đo sử dụng công nghệ PLC, RF, 7.319 điểm đo ghi xa qua công nghệ GPRS cho các khách hàng ngoài sinh hoạt. Với những thiết bị, công nghệ mới, hiện nhân viên khảo sát đã có thể nhanh chóng gửi bản vẽ sơ đồ đơn tuyến, danh mục vật tư lắp đặt điện kế từ hiện trường về phòng giao dịch để lập chiết tính và thông báo ngay cho khách hàng, góp phần giảm 1/3 thời gian giải quyết cấp điện so với trước đây.


  • 25/03/2015 01:54
  • Theo Tiền phong Online
  • 3274


Gửi nhận xét