Phát triển điện mặt trời mái nhà: Khách hàng chờ giá?

Lợi ích của điện mặt trời mái nhà là không thể bàn cãi. Tuy nhiên, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời đang có xu hướng chững lại, do chưa có quyết định giá mua điện mặt trời đối với những công trình lắp đặt sau 30/6/2019…

Hơn 42,8 tỷ thanh toán cho khách hàng

Tính đến cuối tháng 9/2019, cả nước đã có 15.914 khách hàng lắp đặt điện mặt trời (ĐMT) mái nhà, với tổng công suất 259,7 MWp; tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Với những khách hàng này, lợi ích đã thấy rõ: Vừa giảm được số tiền điện hàng tháng, vừa làm mát nhà, qua đó giảm nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ - một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng. Đặc biệt, với phần điện dư, khách hàng có thể bán lại cho ngành Điện. Đến nay, các đơn vị trực thuộc EVN đã thanh toán hơn 42,8 tỷ đồng cho khách hàng bán phần điện dư thừa cho ngành Điện.

Lợi ích là vậy, nhưng từ tháng 7/2019 đến nay, nhu cầu lắp đặt ĐMT mái nhà của khách hàng đang có xu hướng giảm. Riêng tại TP.HCM, trong tháng 8/2019 giảm 35% (về số công trình) và 50% (về công suất) so với thời điểm tháng 6/2019. Ông Lưu Tiến Đạt - Phó giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu (đơn vị cung cấp các giải pháp về điện mặt trời) cho biết, hiện nay có rất nhiều khách hàng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nhu cầu lắp đặt ĐMT mái nhà. Tuy nhiên, do giá mua điện mặt trời có thể sẽ giảm mạnh so với hiện nay, nên khách hàng vẫn có tâm lý chờ quyết định của Chính phủ về mức giá mới. Ông Đạt cũng mong muốn, Chính phủ sớm ban hành khung giá ĐMT mới, tạo sự yên tâm cho người dân và các doanh nghiệp.

Nhân viên Tổng công ty Điện lực TPHCM giới thiệu đến khách hàng hiệu quả của công trình điện mặt trời mái nhà   

EVN luôn tích cực hỗ trợ 

Hiện nay, EVN và các đơn vị trực thuộc vẫn đang hỗ trợ tối đa cho các khách hàng lắp đặt ĐMT mái nhà. Các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện được thực hiện dễ dàng. Thiết bị đo đếm 2 chiều sản lượng điện sử dụng và sản lượng điện dư phát lên lưới điện đều được đầu tư và lắp đặt miễn phí. Với những khách hàng lắp đặt sau 30/6, các Công ty Điện lực vẫn ghi nhận sản lượng phát lên lưới hàng tháng, ký hợp đồng mua điện và sẽ tiến hành thanh toán khi Chính phủ ban hành giá mới.

Được biết, cuối tháng 9/2019, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT theo phương án 1 giá, áp dụng trên toàn quốc. Trong đó, giá mua vẫn giữ nguyên 9,35 cent (tương đương 2.156 đồng/kWh) và mức giá này được giữ nguyên đến hết năm 2021 cho các dự án ĐMT mái nhà. 

Có thể khẳng định, ĐMT mái nhà là mô hình “ích nước - lợi nhà”, bởi không chỉ tiết kiệm chi phí cho khách hàng, mà còn góp phần giảm phụ tải vào giờ cao điểm; giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải cho ngành Điện. Đây cũng là mô hình góp phần nâng cao và lan tỏa ý thức sử dụng năng lượng xanh, bảo vệ môi trường trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy ĐMT mái nhà phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới, theo các chuyên gia, bên cạnh với việc sớm ban hành chính sách về giá, các Bộ, ngành cần sớm ban hành các quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng trong việc xin giấy phép xây dựng, quy định tải trọng lên kết cấu mái khi lắp đặt; ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống ĐMT mái nhà, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn và sử dụng. Đặc biệt, cần có quy định pháp lý cho hoạt động của bên thứ ba (ESCO) tham gia lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần sớm đưa yêu cầu bắt buộc lắp đặt ĐMT mái nhà đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước… 


  • 11/11/2019 09:57
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 32870