Phát triển điện hạt nhân: Thông tin tuyên truyền phải đi trước một bước

Trong Hội thảo công tác thông tin tuyên truyền điện hạt nhân vừa diễn ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử - đã khẳng định, các đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, an toàn nhất. Nhiệm vụ còn lại là phải tuyên truyền tốt để tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng.

Cụ thể, Nga là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Nhật Bản là đối tác dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo cam kết, các bên đặc biệt quan tâm vấn đề hợp tác trong quản lý và xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân; chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho dự án; cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho toàn bộ thời gian hoạt động của nhà máy điện hạt nhân.

Công tác thông tin tuyên truyền về điện hạt nhân phải thường xuyên, lâu dài tới người dân

Trước đó, ngày 6/5/2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký hiệp định sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, gọi tắt là Hiệp định 123 có hiệu lực từ ngày 15/10/2015.

Để bảo đảm mục tiêu chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, TS. Hoàng Anh Tuấn cho rằng, phải nâng cao tính chủ động của cơ quan truyền thông trong thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân, nhất là khi có các sự kiện liên quan đến điện hạt nhân ở Việt Nam. Vì vậy, ngày 3/2/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và ROSATOM (Liên bang Nga) ký bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực thông tin đối với các dự án chung trong ngành công nghiệp điện hạt nhân. Thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng hợp tác quốc tế về truyền thông điện hạt nhân.

Theo TS. Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - quan trọng nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền 19 vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bao gồm: an toàn hạt nhân; quản lý; vốn và tài chính; hệ thống pháp lý; thanh sát; khuôn khổ pháp quy; an toàn bức xạ; lưới điện; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; ứng phó sự cố; an ninh; chất thải phóng xạ; chu trình nhiên liệu; sự tham gia của các ngành công nghiệp; mua sắm…

Ông Lê Doãn Phác - chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là việc quan trọng và là ưu tiên hàng đầu cũng như giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Trước mắt là hợp tác phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở nghiên cứu mới và hiện đại, triển khai dự án hợp tác với Liên bang Nga xây dựng Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân tiến tới làm chủ trong thiết kế, vận hành, bảo dưỡng lò phản ứng nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân, cung cấp các dịch vụ khoa học và hỗ trợ kỹ thuật cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhà máy điện hạt nhân sau này.

Ông Lê Doãn Phác cũng cho rằng cần ưu tiên đào tạo dài hạn, chuyên sâu một số cán bộ nghiên cứu khoa học có đủ khả năng lãnh đạo các nhóm nghiên cứu phục vụ cho chương trình điện hạt nhân. Tháng 9/2015, Việt Nam và IAEA sẽ ký Khung chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở IAEA cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng, tăng cường năng lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Ngoài ra, một số công ty chế tạo, cung cấp thiết bị điện hạt nhân của các nước như: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc... mong muốn được tham gia và trở thành đối tác của Việt Nam trong phát triển điện hạt nhân.

 TS. Nguyễn Nhị Điền nhấn mạnh: Công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân phải đi trước một bước và được tiến hành một cách hệ thống, thường xuyên, lâu dài để tạo ra nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận của công chúng; được tiến hành đồng bộ, phù hợp với tiến độ của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.


  • 08/06/2015 08:30
  • Nguồn bài và ảnh: Báo Công Thương
  • 3382


Gửi nhận xét