Phát triển bền vững là một cấu phần quan trọng trong phát triển doanh nghiệp

Đó là phát biểu của ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh Công ty tư vấn Arthur D. Little (AdL) trong chương trình DxTalks vừa qua.

Ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh Công ty tư vấn Arthur D. Little, cho biết, châu Âu và Mỹ thúc đẩy tính bền vững không chỉ để đạt được sự phát triển bền vững mà còn để duy trì lợi thế cạnh tranh của các công ty. Những quy tắc này hiện trở thành tiêu chuẩn và bắt buộc đối với bất kỳ công ty và ngành nào giao dịch với phương Tây, khiến tính bền vững trở thành một thành phần quan trọng trong phát triển kinh doanh. 

Diễn giả tham gia DxTalks có ông Mitsuhiro Henry Umebayashi - Giám đốc hợp danh Công ty tư vấn Arthur D. Little (thứ hai từ trái qua); ông Nguyễn Lê Thăng Long (thứ hai từ phải qua) - Phó tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings; ông Phạm Hồ Chung - Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital (bìa phải).

Những định hướng và hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp được đo lường thông qua nhiều bộ chỉ số như ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp); Nachhaltigkeitsindex (DAX 50 ESG); DJSI (Dow Jones Nachhaltigkeitsindex); bộ chỉ số FTSE4Good; và nhiều bộ chỉ số khác. Mỗi bộ chỉ số này sẽ đánh giá và đo lường các yếu tố khác nhau như tác động đến môi trường, quản lý dòng tiền, đạo đức kinh doanh và chính sách xã hội, việc giảm thiểu rủi ro và nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, phổ biến nhất là bộ chỉ số ESG. 

Các chuyên gia có chung nhận định, rằng chuyển đổi số (CĐS) bền vững sẽ đem lại cho doanh nghiệp cơ hội phát triển, gia tăng sức chống chọi trong bối cảnh nhiều biến động khó lường hiện nay. Trước đó, trong thời kỳ đại dịch COVID-19, những doanh nghiệp có chiến lược ESG và sử dụng CĐS để đạt mục tiêu ESG đều có sự chống chọi tốt, và khi đại dịch đi qua, các doanh nghiệp này đều phát huy cơ hội và trở lại mạnh mẽ hơn. 

Theo đại diện lãnh đạo An Phát Holdings chia sẻ, câu chuyện của doanh nghiệp mình như một dẫn chứng cho nhận định đó. An Phát Holdings hoạt động trong ngành nhựa - là ngành rất nhạy cảm trong câu chuyện phát triển bền vững. Từ 10 năm nay, An Phát đã bắt đầu chuyển đổi sang những sản phẩm nhựa xanh, với mô hình kinh doanh thay đổi theo hướng bền vững, tái chế. Theo chỉ số ESG, thì G - số hóa khâu quản trị là phần cần nhất. Trong 5 năm vừa rồi, An Phát đã chuyển đổi số được một phần như giảm dùng giấy mà chuyển dần sang sử dụng e-Office, nhà máy tự động hóa nhiều hơn. “Chúng tôi thấy giá trị của CĐS đưa vào các giải pháp quản trị là rất thiết thực”, ông Long cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi thực hiện đồng thời chương trình CĐS với việc nhanh chóng đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Phạm Hồ Chung - chuyên gia tư vấn CĐS của FPT Digital, đầu tiên phải nhìn nhận doanh nghiệp chưa nhận thấy hết tầm quan trọng, cũng như sự cấp thiết của việc triển khai CĐS cần gắn liền với những mục tiêu ESG. Ông Chung cho rằng, khi xây dựng lộ trình CĐS, doanh nghiệp cần tích hợp và sử dụng các sáng kiến số như một đòn bẩy để thực thi các mục tiêu về ESG theo chiến lược phát triển bền vững.

Ngoài ra, vấn đề tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách hay thông tin về các quy định tại thị trường nước ngoài liên quan đến giảm phát thải và phát triển bền vững cũng còn hạn chế, khiến doanh nghiệp không bắt kịp được sự thay đổi nhanh chóng diễn ra hàng ngày ở cả trong và ngoài nước. Do đó, họ chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc chèo lái chiến lược ESG đúng hướng và phù hợp với thực tiễn. 

Khó khăn tiếp theo nằm ở vấn đề tài chính. Vì khi thực hiện một quá trình chuyển đổi lâu dài cả về mặt số lẫn bền vững, tài chính sẽ là một yếu tố mang tính quyết định tới sự thành công của chương trình. Do đó, theo ông Chung, để xây dựng chiến lược CĐS tích hợp được yếu tố ESG thì trước hết các doanh nghiệp cần đánh giá mức độ trưởng thành số của họ đang ở đâu. Dựa vào kết quả, sẽ xác định được những mục tiêu nào doanh nghiệp nên tập trung trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Sau đó sẽ tập trung xem mục tiêu ESG nào mà doanh nghiệp cần đạt được. Cụ thể là những mục tiêu liên quan tới môi trường và xã hội, làm thế nào để những luồng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trở nên thân thiện với môi trường hơn, làm thế nào để những trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đóng góp cho cộng đồng xung quanh trở nên thiết thực hơn. 

Việc sắp xếp thứ tự mục tiêu ưu tiên rất quan trọng, nên các doanh nghiệp cần phải cần có lộ trình để triển khai các sáng kiến. Khi những sáng kiến không có tính tập trung, không đánh giá được hiệu quả đầu tư lâu dài, cũng như không đánh giá được tác động liên quan đến mặt quản trị môi trường thì sẽ khiến cho doanh nghiệp lúng túng, cũng như không thể nào thực thi một cách toàn diện. Vì vậy, ông Chung cho biết, khi tư vấn cho doanh nghiệp, FPT Digital thường thiết kế những mục tiêu mang tính chiến lược nhưng phù hợp với thực trạng, bao gồm cả nguồn nhân lực cũng như nguồn lực khác như tài chính, sự hỗ trợ từ các bên liên quan... 

Link gốc.


  • 20/03/2023 09:00
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 4169