Phản đối theo... trào lưu?

Tôi nhớ chừng năm 2015, 2016, dư luận rúng động với các tin bài vô cùng “hot”: Mỗi năm, 4.300 người Việt Nam chết yểu vì nhiệt điện than! Rồi: Nhiệt điện than phát tán bụi, gây ô nhiễm khủng khiếp… Và như bị cuốn theo trào lưu, không ít người vẫn nêu cao quan điểm bảo vệ môi trường, phản đối nhiệt điện than, dù rằng những thông tin họ có vẫn còn… rất mơ hồ.

Giữa “tâm bão” về nhiệt điện than khi ấy, tôi hẹn gặp PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, một chuyên gia đầu ngành về nhiệt điện tại Việt Nam. Nghe tôi thuật lại tin tức, vị PGS nhíu mày: “Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) than chính là nhà máy có công nghệ bảo vệ môi trường tốt nhất trong các nhà máy công nghiệp chạy than”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không cần phải lo lắng về vấn đề phát thải, bởi các hệ thống bảo vệ môi trường được trang bị tại NMNĐ than của Việt Nam hiện nay rất tiên tiến. Đây là những công nghệ hiện đại của thế giới, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về môi trường”.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 

Trong chuyến đi gần đây (tháng 4/2019), tôi có dịp kiểm chứng các thiết bị môi trường vận hành tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (tỉnh Bình Thuận). Trong đó, riêng hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiệu quả tới 99,75%, do vậy, lượng tro, bụi đã được thu hồi gần hết, đảm bảo không gây tác động tới môi trường sống. Nồng độ bụi tại đầu ra ống khói các tổ máy đều thấp hơn rất nhiều so Quy chuẩn quốc gia của Việt Nam. Thậm chí, các kết quả này còn đủ thuyết phục cả những quốc gia có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe hàng đầu thế giới.

Không chỉ tại NMNĐ Vĩnh Tân 4, mà rất nhiều NMNĐ khác của EVN cũng có kết quả nồng độ bụi thấp, trong ngưỡng an toàn môi trường. Từ những trải nghiệm thực tế đó, tôi băn khoăn, tại sao trên mạng Internet lại lan truyền nhiều thông tin sai lệch đến thế về vấn đề môi trường của nhiệt điện than? Vì… trào lưu, vì định kiến, hay chỉ bởi nhiều người chưa có dịp tự mình kiểm chứng công nghệ bảo vệ môi trường ở một NMNĐ? 

Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà tới năm 2018, sản lượng nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn thế giới, nhiều hơn mức đóng góp của bất kỳ nguồn điện nào khác. Trái ngược với “định kiến” cho rằng chỉ các nước đang phát triển mới dùng nhiệt điện than, sản lượng điện sản xuất từ than trong năm 2017 được thống kê ở Mỹ là khoảng 30%, Nhật Bản: 33%, thậm chí là chiếm thế áp đảo trong tổng sản lượng điện, như: Phần Lan: 79%, Úc: 61%... 

Thế giới vẫn tin dùng nhiệt điện than - nguồn năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng. Vậy ở Việt Nam, tại sao lại nói “không”, nếu chúng ta đã có đủ các giải pháp để bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện? 


  • 01/05/2019 09:00
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Thế giới điện
  • 13944