Phân định rõ trách nhiệm của EVN trong phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử

Sau phiên họp lần thứ 6 của Ban Chỉ đạo quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Văn Phòng chính phủ đã ra thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, thời gian qua, các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bước đầu đã xây dựng được cơ chế, chính sách khuyến khích người đi học về năng lượng nguyên tử; duy trì được tiến độ cử người đi học tập, đào tạo ở nước ngoài; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai có kết quả chương trình đào tạo phục vụ dự án điện hạt nhân.

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ còn chậm trễ, chưa hoàn thành đúng yêu cầu chỉ đạo; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, tuyển chọn cán bộ thực tập ngoài nước, tổ chức các khóa học trong nước còn hạn chế.

Vì vậy, thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Khoa học & Công nghệ, Giáo dục & Đào tạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về số lượng, cơ cấu, tiến độ đào tạo kỹ sư hạt nhân và các lĩnh vực khác có liên quan, công nhân kỹ thuật phục vụ trong nhà máy điện hạt nhân.

Đào tạo nhân lực điện hạt nhân ở trong nước và nước ngoài sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới - Ảnh: CTV

Bộ Khoa học & Công nghệ chủ trì, tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát lại số liệu nhu cầu nhân lực quản lý nhà nước, pháp quy hạt nhân và nghiên cứu, triển khai trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Bộ GD&ĐT tiếp tục tuyển sinh đi học ngành năng lượng nguyên tử tại Liên bang Nga theo chỉ tiêu học bổng Hiệp định đã được phía Nga cam kết trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020. Đồng thời, Bộ có trách nhiệm trao đổi với các đối tác quốc tế để có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo sinh viên, thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân và các chuyên ngành có liên quan tại các nước khác như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc...

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần rà soát quy hoạch các cơ sở đào tạo thuộc Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, căn cứ nhu cầu thực tế lập lế hoạch, lộ trình đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đào tạo; phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử, vừa tạo điều kiện nâng cao năng lực đào tạo trong nước, bảo đảm sát thực tế, hiệu quả, tránh lãng phí.

Các Bộ, ngành cần tính đến phương án đào tạo về điện hạt nhân cho những người đã tốt nghiệp đại học ở những ngành liên quan, tạo điều kiện cho sinh viên đã tốt nghiệp về điện hạt nhân được tiếp tục học ở bậc cao hơn hoặc tham gia thực hành tại các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài. Đồng thời, cần có kế hoạch tiếp nhận, sử dụng hiệu quả số sinh viên tốt nghiệp đại học (từ năm 2016) các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở Liên bang Nga về nước để duy trì được nguồn nhân lực này.

Về kế hoạch tổng thể triển khai Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu thống nhất phân công rõ trách nhiệm quản lý, thực hiện của các Bộ, ngành trong đó: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo từ đại học trở lên, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện chuyên gia, nhân lực quản lý nhà nước và pháp quy hạt nhân; EVN chịu trách nhiệm đánh giá nhu cầu, triển khai đào tạo nghề và dưới đại học phục vụ trực tiếp cho xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.


  • 01/08/2014 10:41
  • Phan Trang
  • 3860


Gửi nhận xét