PC Quảng Bình tích cực ngăn chặn nạn trộm cắp điện

Năm 2014, Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) đã phát hiện và xử lý 426 vụ vi phạm sử dụng điện, truy thu 164.621 kWh, trị giá hơn 572 triệu đồng. Để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng trộm cắp điện tại Quảng Bình, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Thái Hồng Quân – Giám đốc PC Quảng Bình.

Ông Thái Hồng Quân – Giám đốc PC Quảng Bình

PV: Xin ông cho biết thực trạng trộm cắp điện diễn ra trên địa bàn tỉnh  Quảng Bình thời gian qua? Những thủ đoạn mà kẻ gian thường hay sử dụng là gì?

Ông Thái Hồng Quân: Những năm qua, PC Quảng Bình đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) với khối lượng rất lớn, số lượng khách hàng tăng lên đột biến. Chỉ trong 2 năm 2013 – 2014, đơn vị đã tiếp nhận LĐHANT của 35 xã. Đa số các đường dây điện hạ áp nông thôn vận hành đã lâu nên  xuống cấp nghiêm trọng. Có rất nhiều đường dây trần, đường dây đi xuyên qua vườn nhà dân, trong rừng cây... Do đó, việc kiểm soát trộm cắp điện gặp rất nhiều khó khăn.
    
Trong năm 2014, các đoàn kiểm tra của PC Quảng Bình đã phát hiện và xử lý 426 vụ vi phạm sử dụng điện, truy thu 164.621 kWh, trị giá hơn 572 triệu đồng. Các hành vi trộm cắp điện chủ yếu là lấy cắp điện trước hệ thống đo đếm, khoan lỗ điện kế, phá hoặc làm giả chì niêm phong, cô lập tín hiệu đo đếm, sử dụng nam châm đặt trên điện kế, sử dụng máy tạo dòng, tháo cầu áp công tơ, câu móc trực tiếp trên lưới điện để sử dụng điện không qua công tơ, thay đổi sơ đồ đấu dây làm cho công tơ không hoạt động hoặc hoạt động sai có lợi cho người sử dụng điện, vi phạm giá bán điện... Đặc biệt, có nhiều trường hợp sử dụng thiết bị ăn cắp điện từ xa, thiết bị ăn cắp điện được đặt âm trong tường nhà. Nhiều đối tượng trộm cắp điện trước đây đã từng là thợ điện của các HTX dịch vụ điện nông thôn nên có nhiều thủ đoạn ăn cắp điện rất tinh vi, qua mặt nhân viên Điện lực và cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, lưới điện tại một số khu vực sau tiếp nhận chưa kịp nâng cấp, hoàn chỉnh cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc, sử dụng điện trái phép. Thực trạng đáng lo ngại này nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, có thể dẫn đến “lây lan” trên diện rộng, gây thất thoát cho ngành Điện, cho Nhà nước và nguy cơ xảy ra tai nạn điện là rất lớn.

PV: Những vụ việc trộm cắp điện điển hình, có sản lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Thái Hồng Quân: Thời gian qua, các trường hợp vi phạm sử dụng điện xảy ra trên địa bàn PC Quảng Bình quản lý khi bị phát hiện đã được lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền để xử phạt theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, PC Quảng Bình đã phát hiện và lập biên bản, chuyển hồ sơ 156 vụ vi phạm sử dụng điện đến các cơ quan chức năng xử lý. Theo đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 28 vụ, với tổng số tiền phạt là 175,5 triệu đồng.

PV: Sắp tới, PC Quảng Bình có giải pháp nào để kiểm soát, hạn chế tình trạng trộm cắp điện, thưa ông?

Ông Thái Hồng Quân: PC Quảng Bình đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình trong công tác quản lý vận hành an toàn và kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. PC Quảng Bình cũng đã ký kết Quy chế phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình, các cơ quan công an địa phương tổ chức kiểm tra sử dụng điện, tăng cường kiểm tra sử dụng điện của khách hàng  tại tất cả các Điện lực trực thuộc. PC Quảng Bình cũng đã và đang phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và không vi phạm sử dụng điện; thông báo rộng rãi những hộ trộm cắp điện để răn đe, cảnh cáo. Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực.

Đồng thời, PC Quảng Bình cũng tăng cường đội ngũ kiểm tra viên điện lực và lực lượng KTGSMBĐ chuyên trách tại các đơn vị; tổ chức tập huấn cho các Trưởng phòng Kinh doanh, Tổ trưởng Tổ Kiểm tra giám sát mua bán điện, lực lượng kiểm tra viên của các Điện lực trực thuộc về công tác kinh doanh điện năng và kiểm tra giám sát mua bán điện. Đồng thời, Công ty cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, nhận thức, tinh thần trách nhiệm của bộ phận thu ngân, ghi chỉ số công tơ, treo tháo công tơ bởi đây là bộ phận “tai, mắt” của Điện lực, kịp thời biểu dương các gương điển hình trong công tác kiểm tra sử dụng điện,phê phán những hiện tiêu cực trong kinh doanh điện năng.
    
Đối với khách hàng, PC Quảng Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực, Quy trình kinh doanh điện năng, các văn bản pháp luật liên quan để khách hàng hiểu được các công trình điện là tài sản chung của quốc gia, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ, không vi phạm sử dụng điện.

Trong thời gian tới đây, PC Quảng Bình cũng sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý như, chương trình Giám sát mua bán điện trên máy tính, chương trình CMIS 2.0, chương trình Kiểm tra sử dụng điện, chương trình Hệ thống quản lý dữ liệu công tơ từ xa (MDMS)… từ đó, sàng lọc, chọn mẫu và sớm phát hiện các khách hàng, các khu vực có dấu hiệu trộm cắp điện để có phương án kiểm tra và phòng chống trộm cắp điện.
 

Năm 2014, trong tổng số 426 vụ vi phạm sử dụng điện tại Quảng Bình:

+ 254 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực sản xuất, đã xử truy thu 36.202 kWh, trị giá gần 202 triệu đồng
+ 161 vụ vi phạm thuộc lĩnh vực điện sinh hoạt, truy thu 125.339 kWh, tương ứng số tiền hơn 360 triệu đồng
+ Số vụ còn lại là lĩnh vực khác.

Một số vụ trộm cắp điện điển hình tại Quảng Bình trong năm 2014:

+ Ngày 12/9/2014, phát hiện khách hàng Lê Thị N (thôn Thanh Vinh, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch) câu móc trực tiếp trên đường dây 0,2 kV, PC Quảng Bình đã lập biên bản vi phạm và truy thu sản lượng điện 10.818 kWh với số tiền hơn 40,3 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã xử phạt vi phạm hành chính khách hàng Lê Thị N. với số tiền 30 triệu đồng.
+ Ngày 10/9/2014, phát hiện khách hàng Hoàng Văn P. (thôn 7, xã Phú Định, huyện Bố Trạch) câu móc điện trực tiếp trên đường dây 0,2 kV. Khách hàng Hoàng Văn P. đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính 20 triệu đồng; đồng thời, phải nộp số tiền truy thu sản lượng điện tương đương hơn 12,7 triệu đồng.  

 


  • 01/06/2015 03:52
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4193


Gửi nhận xét