Ông Nguyễn Tiến Thỏa: 'Giá điện cần được điều hành theo cơ chế giá thị trường'

Trao đổi về vấn đề điều hành giá điện của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, các chi phí sản xuất điện biến động theo thị trường thế giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng đã đến lúc, giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường.

PV: Thưa ông, giá năng lượng thế giới tăng cao đã tác động như thế nào đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn trước tác động của cuộc xung đột tại Ukraina và các yếu tố cung – cầu. Giá nhiên liệu (than, xăng, dầu, khí…) tăng rất cao dẫn đến thị trường năng lượng luôn diễn ra bất ổn; giá điện ở nhiều nước tăng cao; nhiều quốc gia gặp khó khăn về đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế.

Ví dụ, tại Anh giá điện đã tăng 80% so với năm 2021; Hungary tăng gấp đôi... Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy bất lợi đó của thị trường thế giới. Giá nhiên liệu phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng; tỷ giá biến động tăng làm chi phí phát điện (chiếm trên 80% trong giá bán lẻ điện) tăng cao. Cụ thể, giá than thế giới trong năm 2022 tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và gấp 2,6 lần năm 2021; giá than nhập khẩu tăng làm chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy điện sử dụng than pha trộn giữa than trong nước và than nhập khẩu tăng khoảng 25% so với năm 2021.

Giá dầu làm cơ sở để tính giá khí cho các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí trong năm 2022 tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020 và 1,34 lần so với năm 2021, làm cho giá mua điện bình quân của nhà máy tuabin khí tăng khoảng 11,31%... Chi phí tăng trong khi giá bán ổn định, không bù đắp được chi phí đã khiến ngành Điện gặp khó khăn.

PV: Thưa ông, khi giá thị trường đã biến động rất lớn thì có nên tính đến việc điều chỉnh giá điện?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi nhận được báo cáo, do giá nhiên liệu thế giới tăng cao và tỷ giá biến động làm cho chi phí mua điện của EVN tăng rất cao. Giá đầu vào cho sản xuất điện, tỉ giá tăng là một trong những nguyên nhân cơ bản, khách quan bất khả kháng tác động làm cho chi phí sản xuất điện tăng cao hơn giá bán lẻ hiện hành.

Thực tế, nếu chúng ta thực hiện điều hành giá điện tuân thủ đúng quy định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì EVN được quyền điều chỉnh giá 6 tháng/lần nếu các thông số đầu vào biến động tăng 3% trở lên so với giá bán hiện hành; Thủ tướng Chính phủ có quyền điều chỉnh giá khi giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá điện hiện hành từ 10%, khi ấy, những khó khăn về dòng tiền của sản xuất kinh doanh điện đã được giải quyết. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu kiểm soát và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, Việt Nam đã giữ ổn định giá bán điện từ tháng 3/2019 đến nay trong điều kiện giá bán điện thấp hơn chi phí sản xuất, gây lỗ cho doanh nghiệp.

Và theo tôi, đã đến lúc, giá điện cần được điều chỉnh cho phù hợp, giúp sản xuất kinh doanh điện hoạt động bình thường.

PV: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá cả chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới thì giá điện ở Việt Nam nên được điều hành như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Trong xu thế toàn cầu hóa hiện này, nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành Điện nói riêng không thể đứng ngoài, đứng độc lập với xu thế đó. Để sản xuất được điện thì chúng ta phải nhập khẩu nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện theo giá thị trường thế giới. Do đó, giá điện của nước ta không thể không phản ánh giá trị thị trường thế giới của những loại đầu vào này và những yếu tố cấu thành giá khác trong cơ cấu giá điện. Chính vì vậy, việc điều hành giá điện theo cơ chế giá thị trường phải được lựa chọn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


  • 15/12/2022 11:13
  • B.H (thực hiện)
  • 6591