Ông Lê Văn Chuyển – Phó trưởng ban Kinh doanh EVN: Tuyên truyền tiết kiệm điện không chỉ dừng ở phong trào…

Với vai trò chủ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, EVN đã nỗ lực chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đẩy mạnh truyền thông về tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để những “phong trào” không dừng lại ở các hoạt động bề nổi, mà thực sự giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người sử dụng điện, thì còn cần sự phối hợp tích cực và chủ động hơn nữa của nhiều bên. PV đã trao đổi với ông Lê Văn Chuyển – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVN về vấn đề này.

PV: Riêng trong 7 tháng đầu năm, EVN đã tiết kiệm được 971 triệu kWh, bằng 1,61% sản lượng điện thương phẩm. Theo đánh giá của cá nhân ông, nguyên nhân nào đạt được con số ấn tượng này?

Ông Lê Văn Chuyển: Có nhiều nguyên nhân, trong đó, phải kể đến vai trò của công tác truyền thông. Sự tham gia của các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền về TKĐ rất đa dạng, phong phú với nhiều hình thức như bản tin, bài viết, phóng sự, hình ảnh, tiếp chuyện bạn nghe đài,.… đã phản ánh kịp thời tình hình sản xuất và cung cấp điện, góp phần làm cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, hiểu và thông cảm cũng như chia sẻ những khó khăn với ngành Điện, từ đó nâng cao ý thức sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm.

Các tổng công ty điện lực, công ty điện lực cũng đã phổ biến rộng rãi các chỉ thị TKĐ của Thủ tướng Chính phủ tại các điểm giao dịch và trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cung cấp thông tin, phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông để tăng cường các hoạt động tuyên truyền TKĐ với nhiều hình thức phong phú, kết hợp các biện pháp tổ chức kiểm tra, động viên khen thưởng cho những đơn vị, hộ gia đình thực hành tốt TKĐ, đồng thời đưa ra công luận những hiện tượng sử dụng điện còn lãng phí.

PV: Ông cho biết, với vai trò chủ động phối hợp cùng các địa phương, EVN đã có những hoạt động gì để truyền thông về TKĐ?

Ông Lê Văn Chuyển: EVN đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực, công ty điện lực cùng các sở Công Thương và các ban ngành của địa phương tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành các chỉ thị TKĐ trên địa bàn. Tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều thành lập ban chỉ đạo cung ứng và TKĐ.

Đặc biệt, trong các tháng mùa khô, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực không chỉ phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng ở địa phương mà còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, xã hội như: Hội liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Đoàn thanh niên… triển khai Chương trình TKĐ.

Chính nhờ có sự ủng hộ và các hoạt động tích cực của các ban ngành và đoàn thể ở địa phương mà Chương trình TKĐ không còn là hoạt động riêng của ngành Điện, mà đã trở thành hoạt động chung của chính quyền và đoàn thể nên đã có tác động hiệu quả hơn trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sâu rộng đến toàn xã hội...

PV: Trong quá trình triển khai các hoạt động TKĐ, Tập đoàn Điện lực việt Nam có gặp khó khăn không?

Ông Lê Văn Chuyển: Hiện nay, tiềm năng TKĐ của một số khách hàng vẫn rất còn lớn,. đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nơi tiêu thụ nhiều điện năng (khoảng 47% tổng sản lượng toàn quốc). Cụ thể, trong  sản xuất thép và xi măng còn có thể tiết kiệm khoảng 20-30% lượng điện tiêu thụ.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực từ đầu năm 2011, tuy nhiên công tác tuyên truyền phổ biến luật, cũng như chế tài áp dụng mới chỉ mang tính chất khuyến cáo chứ chưa có tính pháp lý cao, buộc các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong khi đó, nguồn tài chính của EVN và các tổng công ty điện lực dành cho các Chương trình TKĐ còn eo hẹp cũng làm hạn chế đến hiệu quả thực hiện Chương trình.

PV: Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyền thông TKĐ, theo ông thời gian tới cần phải có những giải pháp nào?

Ông Lê Văn Chuyển: Ngoài sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự tham gia tích cực của UBND các tỉnh, thành phố trong việc đôn đốc xây dựng kế hoạch TKĐ trên địa bàn, thì công tác truyền thông về tiết kiệm điện cần đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền.

Bên cạnh việc giới thiệu các thông tư, chỉ thị, nghị quyết về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cần lồng ghép công tác tuyên truyền dưới các hình thức văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí, làm cho người dân dễ tiếp thu, tránh việc đọc các chỉ thị, nghị quyết một cách khô cứng, máy móc, áp đặt từ trên xuống, không mang lại hiệu quả cao, Ngoài ra, cần có sự chủ động phối hợp giữa công ty điện lực với các tổ chức chính trị - kinh tế - xã hội tại địa phương để chương trình TKĐ trở thành hoạt động chung của chính quyền và đoàn thể có tác động hiệu quả hơn trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sâu rộng đến toàn xã hội.

Sự tham gia tích cực của các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức của khách hàng sử dụng điện, chủ động lựa chọn các loại thiết bị, công nghệ tiên tiến ít tiêu hao năng lượng sẽ đóng vai trò quyết định trong kết quả TKĐ đạt được.

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 19/09/2012 04:57
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 4332


Gửi nhận xét