Nông dân và ngành Điện cùng có lợi

Với việc hỗ trợ nông dân thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact, mỗi năm nông dân trồng thanh long ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang tiết kiệm trên 80 tỷ đồng.

EVNSPC phối hợp với các cơ quan đoàn thể vận động người dân sử dụng đèn compact thay  đèn sợi đốt để chong đèn cho thanh long

Nhiều lợi ích

Từ trước đến nay, việc chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ đem lại lợi nhuận cao so với chính vụ đã giúp bà con nông dân ở các tỉnh trồng nhiều thanh long như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An... giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Cũng nhờ có thương hiệu và việc sản xuất bảo đảm an toàn, trái thanh long của Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 86 triệu USD/năm. Diện tích trồng thanh long ở các địa phương mỗi năm tăng thêm trên 15%.

Vấn đề là chi phí đầu tư thanh long trái vụ của nông dân khá cao, trong đó đáng chú ý nhất là việc sử dụng bóng đèn sợi đốt quá tốn kém điện.

Theo khảo sát của ngành Điện, vào thời điểm tháng 1/2014, có khoảng 14.000/21.000 ha thanh long ở Bình Thuận được chong đèn bằng bóng tròn sợi đốt để kích thích ra hoa trái vụ với số lượng 4,2 triệu bóng loại 60 W.

Tương tự, tại Long An có 1.450/3.352 ha sử dụng 800.000 bóng đèn sợi đốt, còn tại Tiền Giang là 900/1.033 ha, sử dụng trên 1 triệu bóng. Tính chung cả 3 tỉnh, các hộ nông dân sử dụng hơn 6 triệu bóng tròn sợi đốt loại 60W để chiếu sáng kích thích cây thanh long ra hoa trái vụ.

Với số lượng đèn này, nhu cầu công suất đỉnh khoảng 252 MW. Công suất tiêu thụ này khá cao, vừa gây lãng phí điện năng vừa làm tăng chi phí cho nông dân. Đó là lý do mà EVN giao EVNSPC triển khai chương trình nói trên.

Theo tính toán của ngành Điện, nếu các nhà vườn trồng thanh long thay bóng đèn sợi đốt bằng 2 triệu bóng đèn compact như mục tiêu trong giai đoạn đầu của chương trình, mỗi năm tiết kiệm hàng chục tỉ đồng tiền điện. Cùng với đó, ngành Điện giảm công suất đỉnh của hệ thống là 56 MW, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh. Với số lượng đã thay thế 2 triệu bóng compact phục vụ chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ ở 3 tỉnh nói trên, mỗi năm tiết kiệm được 54.523 MWh, giá trị tiết kiệm tương đương hơn 82 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bến, chủ trang trại thanh long tại thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), chia sẻ: ‘Trước kia, tôi sử dụng bóng đèn sợi đốt thì cây thanh long ra rất nhiều bông và tốn nhiều điện. Vừa tốn tiền điện, tôi còn tốn công ngắt bỏ. Hiện nay, gia đình tôi đã chuyển sang dùng đèn compact, tiền điện hằng tháng giảm một nửa so với trước”.

Tiếp tục thay 4 triệu bóng đèn compact

Còn nhớ năm 2014, EVN tổ chức lễ phát động chương trình thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tại lễ phát động này, các công ty điện lực đã ký kết hợp đồng hợp tác với tỉnh đoàn, hội nông dân 3 tỉnh Bình Thuận, Long an, Tiền Giang để triển khai chương trình.

 

Tiết kiệm vốn đầu tư lưới điện

Theo EVNSPC, việc thay thế bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact giúp ngành điện tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện, tạo cơ hội để đầu tư cho các công trình cấp bách khác. Cụ thể hơn, nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,2 triệu USD/MW (tương đương 26,5 tỉ đồng) thì giảm áp lực đầu tư hoặc giãn tiến độ đầu tư công trình điện với giá trị tương đương 67 triệu USD (khoảng 1.475 tỉ đồng). Nhờ giãn tiến độ đầu tư trạm 110 kV và đường dây 22 kV nên giá trị tiết kiệm do giãn đầu tư là 5 tỉ đồng/năm.

   

Để triển khai hiệu quả chương trình, các chính sách cũng đươc đưa ra, như hỗ trợ 1.000 đồng/đèn compact đối với các đoàn thể tham gia quảng bá, giới thiệu nội dung chương trình; hỗ trợ 2 mối nối/đèn compact tương đương 3.000 đồng cho nông dân; hỗ trợ nhân công thay đèn và lắp mối nối an toàn 1.500 đồng/đèn.

Đặc biệt, để khuyến khích nông dân thay thế đèn compact, chương trình áp dụng chính sách thu hồi đèn sợi đốt với mức hỗ trợ 4.000 đồng/bóng sợi đốt. Cùng với đó, nhà cung cấp bóng đèn giảm giá đèn compact 10% so với giá thị trường (33.500 đồng) và áp dụng chính sách mua hàng trả chậm.

Có thể nói việc hoàn tất số lượng hỗ trợ trên 2 triệu bóng đèn cho các hộ dân thành công nhờ sự vào cuộc đồng bộ của ngành Điện, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, cũng như có chính sách hỗ trợ kịp thời.

Dù vậy hiện nay, vẫn còn nhiều hộ ngại thay thế bóng đèn compact. Lý do vì giá đèn compact cao hơn bóng đèn sợi đốt dẫn đến chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Do đó, ngành Điện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, vận động, đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích nông dân hưởng ứng chương trình tiết kiệm điện, tiến tới thay dần bóng đèn compact trong chiếu sáng thanh long cũng như sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Ban Kinh doanh của EVN cho rằng hiện vẫn còn khoảng 4 triệu bóng đèn sợi đốt đang sử dụng trong vùng trồng thanh long của 3 tỉnh nói trên. Vì vậy, để thay mới, phủ kín bằng 4 triệu bóng đèn compact, EVN đề nghị các nhà sản xuất tiếp tục hỗ trợ giảm giá cho nông dân ít nhất 10%. EVN, EVNSPC tới đây cũng sẽ đẩy mạnh vận động người dân trồng thanh long chuyển đổi sang các sản phẩm tiết kiệm điện để góp phần giảm tình trạng thiếu điện tại khu vực miền Nam, bảo đảm an ninh năng lượng đất nước. 


  • 19/04/2017 07:01
  • Theo Báo Người lao động
  • 525982