Nỗi lo an toàn điện mùa lễ hội

Việc thắp hương, đốt vàng mã cũng như sử dụng điện, gas, lửa… ở các khu di tích, đền chùa mùa lễ hội dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ, mất an toàn điện. Làm thế nào để giảm thiểu những rủi ro này ?

Nguy cơ cháy nổ cao

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đây được coi là động thái tích cực, góp phần bài trừ mê tín dị đoan, chống lãng phí nguyên liệu giấy, mực và dễ phát sinh hỏa hoạn. Dù vậy, những ngày qua, tại nhiều nơi, tình trạng đốt vàng mã vẫn diễn ra khá phổ biến. Mới đây nhất, ngay trong mùng 5 Tết đã xảy ra một vụ cháy lớn tại đền Mẫu (Lạng Sơn), thiêu rụi khu vực các quầy bán hàng mã. Dù liên tục được lực lượng phòng cháy chữa cháy tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng các khu vực lễ hội vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn và chập cháy điện. 

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, điểm chung là các hàng quán kinh doanh dịch vụ tại các lễ hội thường mang tính thời vụ, xây dựng khá sơ sài. Hệ thống điện tại đây cũng mang tính tạm bợ, tình trạng câu móc, đấu nối tùy tiện, xung quanh lại chứa nhiều đồ vàng mã dễ bắt lửa. Nếu xảy ra chập điện dễ có thể dẫn đến cháy lớn. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia lễ hội chưa cao, đặc biệt là khi thắp hương, đốt vàng mã, hút thuốc… Ngoài ra, điều kiện giao thông cũng như nguồn nước tại các khu vực lễ hội không đảm bảo thuận tiện cho việc tiếp cận đám cháy. 

Công nhân Công ty Điện lực Mỹ Đức kiểm tra tình trạng vận hành thiết bị tại khu di tích Hương Sơn

Cần tăng cường phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền

Để đảm bảo an toàn điện tại khu di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Nguyễn Hồng Hải – Giám đốc Công ty Điện lực Mỹ Đức cho biết, trước mỗi mùa lễ hội, Công ty đã phối hợp với các chủ hộ kinh doanh, tổ chức rà soát, tính toán phụ tải điện và lắp đặt điện cho các chủ hộ kinh doanh, đảm bảo an toàn. Công ty còn bố trí lực lượng thường xuyên rà soát, túc trực tại những khu vực có nguy cơ chập điện cao. Đặc biệt, Công ty đã phối hợp với Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn tuyên truyền vận động khách thập phương  đốt vàng mã đúng nơi quy định, đề phòng nguy cơ chập cháy điện.

Còn tại Rừng Quốc gia Yên Tử, ông Phạm Văn Dược, Phó Ban Quản lý di tích cho biết, trung bình, hội xuân Yên Tử hằng năm thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan. Ngoài ra, các di tích đều nằm trong rừng quốc gia với diện tích gần 3.000 ha, địa hình phức tạp, trên núi cao, các nguồn nước tại chỗ rất khan hiếm, việc đưa nước lên di tích cũng vô cùng khó khăn. Nếu xảy ra cháy, hậu quả sẽ rất khó lường. 

Vì vậy, ngay trước mùa lễ hội, Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC&Cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, Điện lực Uông Bí, xây dựng kế hoạch PCCC. Đặc biệt, tại các chùa lớn, Ban Quản lý đã bố trí 3-4 cán bộ, nhân viên thường trực, chủ động quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa và nhắc nhở du khách chấp hành nghiêm nội quy PCCC. Trường hợp nào vi phạm nội quy PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm.

Bắc Ninh cũng là địa phương có nhiều lễ hội, di tích, danh thắng. Công ty Điện lực Bắc Ninh đã tập trung kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp toàn bộ lưới điện và trạm biến áp tại các vị trí xung yếu diễn ra lễ hội, quyết tâm không để xảy ra bất kỳ sự cố kỹ thuật nào gây mất điện. Bên cạnh đó, Công ty còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các đài phát thanh/ truyền thanh địa phương về các biện pháp an toàn sử dụng điện với tần suất 5 lượt/ngày, góp phần nâng cao ý thức của người dân, du khách trong việc phòng chống cháy nổ, sử dụng điện an toàn. 
 


  • 25/03/2018 11:23
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 523967