Ninh Thuận: Cơ hội vàng để phát triển năng lượng sạch

Nằm ở dải đất miền Trung, quanh năm đối mặt với nắng nóng, khô hạn, nhưng với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo đang mở ra cơ hội vàng cho Ninh Thuận tận dụng lợi thế của mình để phát triển kinh tế - xã hội.

Tiềm năng lớn

Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB), toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 14 vùng gió tiềm năng, trải trên phạm vi khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt, Ninh Thuận là địa phương hầu như không có bão; lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, bảo đảm ổn định cho tua-bin gió phát điện.

Cũng theo khảo sát của WB và nhiều nghiên cứu khác, ngoài gió, Ninh Thuận còn có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng lớn bức xạ mặt trời với tổng số giờ nắng trung bình ở là 2837,8 giờ/năm cao nhất trong cả nước, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Tổng diện tích khu vực có tiềm năng điện mặt trời kỹ thuật là 79.640 ha, chiếm 23,7% diện tích toàn tỉnh. Với giả thuyết mật độ bố trí lắp đặt tấm pin mặt trời là 1MW/2ha thì tổng lượng công suất này có thể đạt 39.820 MW. Còn theo quy hoạch được phê duyệt, vùng phát triển điện mặt trời có quy mô công nghiệp của tỉnh ước đạt khoảng 5.960 MW, tương ứng với diện tích chiếm đất là 11.920 ha.

Cột điện gió tại Nhà máy Điện gió Phú Lạc

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tiềm năng to lớn về nắng, gió và việc dừng dự án điện hạt nhân mới đây, sẽ là cơ hội tốt cho Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết: Từ năm 2009 đến nay đã có nhiều DN trong và ngoài nước đến khảo sát tìm cơ hội đầu tư. Địa phương cũng đã chấp thuận chủ trương hàng chục dự án nhưng đến nay mới có 1 nhà máy 24 MW chính thức hoạt động và thêm 2 dự án khác (37,6 MW + 90 MW) khởi công nửa cuối năm 2016.

Cơ hội phát triển kinh tế

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái - ông Mẫu Thái Phương cho biết, là một huyện miền núi nghèo với 95% đồng bào dân tộc, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và chăn nuôi gia súc nên cuộc sống của người dân rất khó khăn. “Đặc sản” ở đây chỉ có nắng và gió, nếu có dự án đầu tư phát triển điện năng lượng tái tạo sẽ tạo cơ hội cho địa phương phát triển, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Ninh Thuận đã xác định năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch sẽ là những lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương. Riêng đối với năng lượng tái tạo, Ninh Thuận sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án phong điện, điện mặt trời và các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ như chế tạo phụ tùng ngành điện gió - mặt trời với mong muốn đến năm 2020, nhóm ngành năng lượng đóng góp 11% GDP của tỉnh và giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Đồng thời là đòn bẩy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương cũng như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phát triển năng lượng tái tạo là lựa chọn đúng đắn của Ninh Thuận, tuy nhiên để thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án, địa phương mong muốn nhà nước sớm ban hành cơ chế, chính sách tháo nút thắt về cơ chế giá bán điện.


  • 12/01/2017 04:19
  • Theo baocongthuong.com.vn
  • 35291