Ninh Bình: Nhiều vi phạm an toàn lưới điện cao áp

Truyền tải điện (TTĐ) Ninh Bình có nhiệm vụ quản lý vận hành và sửa chữa lưới truyền tải điện 220 - 500 kV khu vực các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng việc vận hành quản lý đường dây gặp nhiều khó khăn do vi phạm an toàn hành lang lưới điện (ATHLLĐ) .

Nhiều nguyên nhân vi phạm

Đường dây (ĐZ) 220 kV Phủ Lý - Nho Quan vận hành từ năm 1987. Khi triển khai dự án Khu du lịch Tam Chúc, doanh nghiệp Xuân Trường đã đắp bờ bao tích nước khiến  toàn bộ các vị trí cột từ 104 - 108 của ĐZ bị ngập nước từ 1,5 - 4m. Hậu quả là phần cột ngập trong nước bị han rỉ có thể dẫn tới nguy cơ đổ cột. Khi đường dây vận hành đầy tải, trời nóng làm dây võng xuống chỉ còn cách mặt nước 4,5-9,5 m rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, việc nạo vét lòng hồ trong khu vực ATHLLĐ cao áp có thể gây sụt, lún móng cột và hệ thống dây néo bảo vệ. Mặc dù TTĐ Ninh Bình đã nhiều lần lập biên bản, đề nghị phương án di chuyển khoảng cột 104-108 ra khỏi lòng hồ Tam Chúc. Các bên đã họp bàn nhiều lần nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” vì chờ dự án ĐZ 220kV Phủ Lý - Nho Quan mạch 2 đi qua để gộp vào chung cột. Tuy nhiên, chưa biết dự án này bao giờ khởi động.

ĐZ 220kV Hòa Bình - Nho Quan 1&2 vận hành từ năm 1992. Thời gian qua, tại khoảng cột 202 - 203 - 204 (xóm Đồi 2 xã Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình) có hơn ba chục cây lưu niên của gia đình bà Dương Thị Bình nằm trong hành lang an toàn. TTĐ Ninh Bình đã phối hợp với UBND xã Ngọc Lương nhiều lần vận động gia đình bà Bình chặt những cây cao có nguy cơ gây sự cố nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

Tại khoảng cột 676-677 đường dây 500kV Hà Tĩnh - Nho Quan 2 cũng xuất hiện hàng chục cây lưu niên của gia đình ông Bùi Văn Lâm ở thôn 5, xã Phú Long (Nho Quan, Ninh Bình) trồng ngoài hành lang nhưng ngọn cây chỉ cách dây dẫn thấp nhất từ 6 – 8m. TTĐ Ninh Bình đã nhiều lận vận động gia đình chặt phát cành nhưng nhà ông Lâm không cho chặt cành.

Cột móng 104- 108 ĐZ 220 Phủ Lý - Nho Quan bị nạo vét

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó chủ tịch UBND xã  Ngọc Lương - cho biết, từ năm 2005, gia đình bà Bình đã nhiều  lần có đơn khiếu nại đền bù đất đai bị thu hồi để xây dựng đường dây 220kV Hòa Bình – Nho Quan. Lý do là đất thổ cư của những hộ khác đều được đền bù trong đợt đó, riêng nhà bà Bình chỉ được đền bù hoa màu, còn tiền đền bù đất thổ cư bị nộp vào kho bạc nhà nước là đã “nộp nhầm chỗ”. Ông Sơn cho biết, để giải quyết tận gốc vấn đề, trước hết phải đảm bảo quyền lợi cho dân. Hiện nay, ngoài  việc động viên giải thích, ngành điện và chính quyền xã cần phối hợp dứt điểm những điểm bất hợp lý trong việc giải quyết chính sách để đảm bảo công bằng giữa các hộ dân.

Với vị trí cột từ 104 - 108 của đường dây 220 kV Phủ Lý - Nho Quan, trong  khi chờ dự án mạch 2 chưa biết bao giờ khởi động, TTĐ Ninh Bình vẫn phải tìm  mọi cách đảm bảo vận hành an toàn đề nghị làm biển báo trong khi thi công, khi nước dâng... Tuy nhiên, tất cả chỉ là tạm thời. Các  vụ vi phạm khác, ngành điện không  thể làm gì ngoài việc tuyên truyền vận động và kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. UBND cấp tỉnh, huyện liên tiếp gửi công văn yêu cầu nhưng chính quyền xã vì nhiều  lý do mà không quyết liệt hỗ trợ ngành điện trong việc cưỡng chế đảm bảo an toàn lưới điện.

 


  • 26/12/2013 10:06
  • Theo Báo Công Thương
  • 3146


Gửi nhận xét