Những nỗi lo chưa bao giờ cũ

"Đu mình trên dây, trong cái nắng nóng trưa hè hơn 40 độ C, đi làm từ sáng sớm hay giữa đêm giông tố để sửa chữa các sự cố đã là "chuyện thường ngày" của thợ truyền tải. Mùa nắng nóng năm nào cũng vậy, có vẻ như câu chuyện không có gì mới mẻ, nhưng những nỗi lo xảy ra sự cố thì vẫn luôn thường trực, và chưa bao giờ cũ... ".

Ông Phạm Lê Phú
Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC 1)

Đó là trải lòng của ông Phạm Lê Phú – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (PTC 1) với phóng viên Tạp chí Điện lực. Trong sự bận rộn, vội vã của công tác vận hành lưới điện truyền tải giữa những ngày nắng nóng, câu chuyện của ông Phú về công tác sửa chữa điện dường cũng như “nóng” hơn...

PV: Nỗi lo thường trực của những người mang trọng trách nặng nề như nghề điện nói chung và nghề truyền tải nói riêng hẳn không phải không có lý. Ông có thể chia sẻ nỗi lo này với độc giả không?

Ông Phạm Lê Phú: Điện thoại chúng tôi luôn bật 24/24h để lên đường ngay khi cần thiết. Nỗi lo về sự cố đường dây, trạm… tỷ lệ thuận với những bất thường của khí hậu, thời tiết, đặc biệt là mùa nắng nóng và mưa bão. Hầu hết các sự cố trong mùa nắng nóng đều xuất phát từ nguyên nhân quá tải do nhu cầu dùng điện tăng cao đột biến. Chẳng hạn, sự cố phát nhiệt các mối nối trên đường dây do công suất vận hành bị tăng đột biến (từ 50 – 60% tăng lên 100 – 130%), gây phát nhiệt các mối nối hoặc làm võng các đường dây gây phóng điện, chập cháy các đường dây giao chéo bên dưới.

Còn đối với các trạm biến áp, khi nhiệt độ bên ngoài tăng cao cộng với phải mang tải lớn, khiến nhiệt độ dầu chạy máy tăng lên khoảng 20 - 30 độ so với mức cho phép, sẽ gây các sự cố khó lường, rất nguy hiểm cho máy biến áp. Nhẹ thì khiến hệ thống tự ngắt, hỏng hóc thiết bị dao cách ly, máy cắt, hoặc thậm chí nặng hơn, làm hỏng máy cả biến áp, gây gián đoạn cấp điện.

Ngoài ra, mùa nắng nóng cũng là thời điểm xuất hiện nhiều giông lốc, sấm sét, nên các sự cố do sét đánh cũng rất phổ biến.   

PV: Việc tưởng như đã cũ nhưng đến hẹn sẽ lại lên, năm nay PTC1 đã chuẩn bị như thế nào để đối phó với những tình huống như vậy, thưa ông?

Ông Phạm Lê Phú: Việc đảm bảo truyền tải an toàn, thông suốt - nhất là trong mùa nắng nóng, luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Mọi tình huống đều được chúng tôi chuẩn bị từ rất sớm.

Cụ thể, quý 4/2013, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống lưới và trạm biến áp, từ đó lên kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ cũng như sẵn sàng nhân lực, vật lực và các kịch bản ứng phó linh hoạt nhất với những sự cố có thể xảy ra.

Đối với hệ thống đường dây truyền tải 220 kV, 500 kV, Công ty đã tiến hành các công việc như: Soi phát nhiệt các đường dây để sửa chữa các khiếm khuyết; kiểm tra hệ thống tiếp địa để giảm nguy cơ bị sét đánh; thường xuyên vệ sinh sứ; thay thế dây dẫn của các đường dây cũ; cải thiện mỏ phóng.

Nhìn chung đối với công tác sửa chữa lớn, đến thời điểm này PTC 1 đã hoàn thành khối lượng 50% công việc của cả năm 2014, nhanh hơn rất nhiều các năm trước.

Đối với các trạm biến áp, PTC 1 cũng đã hoàn thành công tác soi phát nhiệt các thiết bị trong trạm. Các công tác sửa chữa lớn, thường xuyên cho các trạm biến áp nhằm đảm bảo cấp điện ổn định trong các tháng cao điểm mùa nắng nóng đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, các sự cố khách quan, bất thường thì luôn tiềm ẩn và khó tránh.

Chuyện sửa chữa trong đêm để đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng là hết sức bình thường với người làm điện. Ảnh: Lam Vũ


PV: Các sự cố bất thường và khó tránh - như ông nói, gây khó khăn như thế nào cho công tác khắc phục, sửa chữa?  

Ông Phạm Lê Phú: Nếu công tác sửa chữa các sự cố bình thường khiến người làm điện nói chung, "lính truyền tải" nói riêng vất vả 1, thì sửa chữa điện trong mùa nắng nóng lại gian nan, nhọc nhằn gấp 10.

Đó là vì sửa chữa sự cố trong mùa nắng nóng cần phải nhanh, rất nhanh để tái cấp  điện kịp thời, không làm xáo trộn sinh hoạt của người dân trong thời tiết nắng nóng. Anh em phải trực chiến, sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có sự cố, dù đó là 12 giờ đêm hay tờ mờ sáng sớm. Dù phải cheo leo đu mình trên cột, trong nắng cháy đổ lửa hơn 40 độ C giữa trưa hè, hay trong sự ẩm ướt hiểm nguy của một cơn giông vừa đến trong đêm khuya...

Đó là vì các sự cố trong mùa nắng nóng năm nào cũng xảy ra, nhưng mỗi năm lại diễn biến phức tạp hơn theo sự biến đổi khắc nghiệt của thời tiết. Đội ngũ cán bộ kỹ sư dù có lành nghề đến mấy cũng phải thường xuyên học hỏi, sẵn sàng đối diện và chấp nhận rủi ro...

Đó cũng là vì trang thiết bị, vật tư cho công tác khắc phục nhanh các sự cố chưa  được đồng bộ, hiện đại để đáp ứng công việc một cách tốt nhất. Hầu như đơn vị phải linh hoạt vận dụng sự hỗ trợ của các đơn vị bạn, và đôi lúc là lấy sức người để bù đắp.

PV: Là người đứng đầu đơn vị, ông có tâm tư, trăn trở gì trước những khó khăn, vất vả đó của anh em công nhân truyền tải điện?

Ông Phạm Lê Phú: Tôi đã trực tiếp cùng anh em đội "phản ứng nhanh" đến tận các điểm xảy ra sự cố để khắc phục, nên tôi hiểu được những gian nan, cực nhọc mà anh em chúng tôi phải trải qua.

Nhiều lúc nhìn anh em tranh thủ ăn cơm hộp vội vã giữa trưa nắng cháy, mồ hôi nhễ nhại, rồi lại vội vàng leo cột... trong tôi dâng lên những xúc cảm đặc biệt. Nhưng cũng không thể làm gì khác hơn là động viên, khích lệ anh em, rằng đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ thiêng liêng của người làm điện. Nếu không có những người chấp nhận gian khổ, thiệt thòi như vậy, thì ai sẽ đảm bảo sự thông suốt cho dòng điện sáng?

Tôi nghĩ đây cũng là tâm tư của rất nhiều lãnh đạo khác trong ngành, chứ không chỉ riêng cá nhân tôi.

PV: Vậy theo ông, có cách nào để đội ngũ những người làm công tác sửa chữa điện được giảm bớt khó khăn, vất vả hay không?

Ông Phạm Lê Phú:  Thực ra, về cơ bản thì khó khăn sẽ không bao giờ dừng lại. Bởi nhu cầu dùng điện đang tăng nhanh qua mỗi năm, diễn biến thời tiết ngày càng khó lường, sự cố ngày càng phức tạp.

Chỉ có cách tăng cường công tác chuẩn bị, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ sửa chữa nhanh, cũng như có sự vào cuộc phối hợp của các đơn vị, thì mới có thể giảm bớt phần nào những nhọc nhằn cho người làm điện.

Còn trước mắt, trong từng điều kiện cụ thể của các đơn vị, tôi nghĩ nên thiết lập các cơ chế khen thưởng, hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác sửa chữa điện để ghi nhận, động viên họ một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và cảm thông, chia sẻ của khách hàng cũng sẽ là động lực lớn giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, thách thức.

PV: Xin cảm ơn ông!
 

Hằng năm, ngành Điện phải dành hàng trăm tỷ đồng để khắc phục các sự cố, trong đó phần lớn là sự cố mùa nắng nóng và mưa bão. Chưa kể mồ hôi và công sức của những người trực tiếp làm công tác này thì không thể đo đếm được.

 


  • 27/08/2014 03:02
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3260


Gửi nhận xét