Những người thầm lặng gìn giữ nguồn điện trong 'mùa dịch'

Trên "mặt trận" giữ nguồn điện ổn định trong bối cảnh dịch bệnh, hằng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO 3 đã phải ăn, nghỉ, làm việc tập trung tại nhà máy nhiều tháng trời. Họ đã cùng nhau gạt bỏ mọi nỗi niềm riêng, cùng chung niềm tin "dẫu có lúc khó khăn ngập tràn, vì dòng điện thân yêu ta phải luôn vững vàng..."

Các nhà máy điện thuộc quản lý của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) đặt tại cả 3 miền. Từ đầu tháng 5, ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, để giữ an toàn nguồn lực cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy, Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO 3 đã huy động 385 CBNV thuộc 7 phân xưởng sửa chữa (PXSC) vào làm việc tập trung, ăn ngủ sinh hoạt trong khuôn viên các nhà máy và khu quản lý vận hành sửa chữa tại các trung tâm điện lực Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Mông Dương (Quảng Ninh).

Cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài làm nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước tăng rất cao. Điều này dẫn đến nhiều nhà máy điện phải liên tục vận hành trong tình trạng huy động tối đa công suất. Kề vai sát cánh cùng các đơn vị phát điện, các CBNV Công ty Dịch vụ sửa chữa các nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) luôn trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống phát sinh.

“Các nhà máy điện của Tổng công ty Phát điện 3 đều là những nhà máy có công suất lớn, chiếm sản lượng cao trong hệ thống điện quốc gia. Vì thế việc duy trì ổn định nguồn điện tại các trung tâm điện lực trong cao điểm mùa khô là trách nhiệm rất lớn với chúng tôi, nhất là yêu cầu đảm bảo đủ điện phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay” – Ông Trương Văn Phương, Giám đốc Công ty EPS chia sẻ.

Kỹ sư EPS đang khắc phục lỗi thiết bị tại Nhà máy điện Vĩnh Tân 2

Nhà ở Bắc Giang, cách Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương hơn 200 km, anh Nông Quốc Anh, PXSC Cơ – Nhiệt Mông Dương dần quen nếp sinh hoạt “3 tại chỗ” sau 4 đợt "cắm trại" trong phân xưởng kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện. Anh cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2021, anh cũng đang trong đợt cách ly tập trung thứ 3. Dịp ấy, vợ anh sinh bé gái thứ 2 mà chồng không ở bên cạnh. “Giây phút nhìn con gái chào đời qua điện thoại, tôi mừng không nói nên lời. Thương vợ vất vả một mình vượt cạn. Thương con vì không thể ôm con vào lòng”. Còn trong lần “trực chiến” thứ 4 này, tính đến nay, đã gần 2 tháng, gia đình anh Quốc Anh chỉ gặp nhau qua điện thoại. Trước khi đi làm nhiệm vụ, anh hỏi vợ: “Chồng đi như vậy, em có tủi thân không?”. Dù bã xã rắn rỏi nói “không”, nhưng anh hiểu đó là chị động viên để anh yên tâm công tác. "Cũng may có ông bà chăm lo nên mình cũng yên tâm phần nào" - anh Quốc Anh chia sẻ.

Với anh Nguyễn Thanh Bình – PXSC Vĩnh Tân 2, điện thoại cũng là cầu nối cho anh với hai đứa con nhỏ ở nhà. Anh Bình kể, nhà ở huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), cũng đang là điểm nóng về dịch bệnh nên anh rất lo lắng cho gia đình. Anh Bình cho hay, mấy ngày đầu hai chị em nhớ ba không chịu ngủ đòi mẹ gọi điện nói chuyện. “Thương nhất là hôm sinh nhật con trai út, tôi không thể về. Tôi cũng động viên cháu: “Năm nay ba không đón sinh nhật cùng con được, đợi hết dịch ba sẽ mua quà bù cho con”.

Sau ca làm việc, anh Nông Quốc Anh tâm sự cùng vợ con qua điện thoại

"Hết dịch sẽ về" là "điệp khúc" quen thuộc trong mỗi cuộc điện thoại với gia đình của những người EPS trong thời gian này. Riêng trường hợp anh Lê Văn Ninh, PXSC Cơ – Nhiệt Mông Dương, lời hứa này càng đặc biệt, bởi đây là những hứa hẹn của anh với đứa con 6 tháng còn ở trong bụng mẹ và những lo lắng thường trực về gia đình. Anh Ninh tâm sự, ở nhà, bố của anh bị tai biến nên mọi việc gia đình đều dựa vào mẹ gồng gánh hết. “Mình ở trong này mong sao gia đình có sức khỏe tốt, là mình an lòng”.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, ai cũng hiểu ngày về với gia đình còn rất xa. Tuy nhiên, ngày cũng ngắn lại bởi những tin nhắn, những cuộc điện thoại động viên, chia sẻ từ gia đình. Cùng với đó là sự động viên, quan tâm chia sẻ từ đồng nghiệp, công ty. “Mọi năm vào cao điểm mùa khô, nhiều nhất là 1 tuần trực chiến khắc phục sự cố, chúng tôi được về nhà. Nhưng nay vì tình hình dịch bệnh, chúng tôi hiểu và thông cảm với giải pháp cắm trại tập trung mà công ty triển khai. Ở trong này, mọi điều kiện ăn ở cũng rất thoải mái, anh em gắn kết qua nhiều hoạt động. Công việc cũng hiệu quả hơn khi mọi người ở cùng một nơi, cần gì có thể trao đổi rất nhanh. Quan trọng nhất là được đóng góp sức lực vào nhiệm vụ chống dịch bệnh và giữ vững an ninh năng lượng quốc gia” - một số anh em EPS vui vẻ nói.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó chủ tịch công đoàn Công ty EPS cho hay: “Công ty luôn đồng hành, chăm lo đầy đủ việc ăn ở, vệ sinh, y tế, phòng chống dịch bệnh với điều kiện tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động, sẵn sàng cho việc xoay vòng, ứng trực hỗ trợ lẫn nhau. Khối lượng công việc nhiều xen lẫn nỗi nhớ gia đình, điều mừng nhất là không ai mất tinh thần”.

Gác lại hạnh phúc riêng, tạm chia xa gia đình. Chạy đua với thời gian, căng mình xử lý sự cố, bất thường của hệ thống thiết bị. Những chiếc áo bảo hộ ướt đẫm mồ hôi khi liên tục làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Tất cả được đổi lại bằng sự ổn định dòng điện. Lời bài hát “Bài ca chống dịch EPS” vang lên từ điện thoại của ai đó trong khu cắm trại như nói thay cho niềm tin của những người công nhân ngành Điện: "Dẫu có lúc khó khăn ngập tràn/ Vì dòng điện thân yêu ta phải luôn vững vàng/ Quyết chiến đấu anh em bền chí/ Gác nỗi nhớ cách ly chẳng màng/ Vì một Việt Nam không còn Corona”...


  • 06/08/2021 11:31
  • Tòng Phan Tuấn Thành
  • 10620