Những câu chuyện sau ngày tiếp quản

Là một trong những người đầu tiên được cử tiếp quản Nhà máy điện Hải Phòng và sau ngày miền Nam giải phóng là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, ông Vũ Hiền - nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực chia sẻ những câu chuyện cảm động đã qua…

Nhận nhiệm vụ toát mồ hôi

Năm 1955, nhận nhiệm vụ tiếp quản Nhà máy điện Hải Phòng, ông Vũ Hiền tâm niệm lời dạy của Bác: “Tiếp quản đô thị, dù trường hợp nào cũng phải chú ý đến điện, nước. Tiếp quản điện, nước tốt thì ảnh hưởng tốt đến mọi công tác khác”. Do được vận động, tuyên truyền giác ngộ từ trước, công nhân ngành Điện đã rất tích cực đấu tranh với giới chủ, quyết tâm bảo vệ Nhà máy. Cuộc biểu tình của hàng trăm công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm đã diễn ra trong suốt một tháng trời, không cho chủ tháo dỡ máy móc, thiết bị, không cho vận chuyển phụ tùng, các hòm hồ sơ tài liệu kỹ thuật của Nhà máy điện đi nơi khác.

Công nhân Nhà máy điện Cửa Cấm đã chặn đứng âm mưu của địch làm cho miền Bắc rơi vào cảnh tăm tối sau khi Pháp rút đi. Lúc bấy giờ, với cương vị là Giám đốc Nhà máy điện Hải Phòng, ông Vũ Hiền đã chứng kiến những người công nhân của Nhà máy điện Cửa Cấm và Thượng Lý lao động cực khổ rất thương tâm. Vì đây là 2 trong số 5 Nhà máy điện chạy than ở miền Bắc, công suất nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, chủ yếu sử dụng lao động thủ công. Mỗi ngày, hàng trăm công nhân phải đẩy các goòng xỉ còn nóng đổ ra ngoài bãi thải, nhiều người bị bỏng rất nặng. Thế nhưng công nhân vẫn bám trụ Nhà máy, vừa sản xuất vừa chiến đấu giữ vững dòng điện. Những kWh điện quý giá phát ra đã được chắt chiu để phục vụ cho nền công nghiệp non trẻ, bến cảng và đời sống dân sinh thành phố.

Công trường xây dựng Nhà máy điện Cửa Cấm - Hải Phòng (giai đoạn 1892 - 1894)

Trong bối cảnh vừa tiếp quản Thành phố sau Hiệp định đình chiến năm 1954, còn nhiều khó khăn ngổn ngang là thế, nhưng Nhà máy điện Hải Phòng vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - chính trị của UBND thành phố giao phó, giúp đỡ, tương trợ cho tàu nước bạn gặp nạn trên vùng biển của ta. Ông Vũ Hiền còn nhớ mãi kỷ niệm vào những ngày giáp Tết năm Đinh Dậu, cuối tháng 1 năm 1957, ông đang tất bật với kế hoạch đảm bảo cung ứng điện an toàn liên tục phục vụ nhân dân thành phố đón Tết thì nhận được giấy mời họp hỏa tốc của UBND thành phố Hải Phòng do Chủ tịch Hoàng Bửu Nhân chủ trì. Cuộc họp bàn phương án giải quyết đề nghị thiết tha của một chủ tàu nước ngoài bị đắm ở gần cảng Hải Phòng, toàn bộ máy phát điện và các động cơ bị hỏng, họ mong muốn lãnh đạo thành phố giúp sửa chữa trong vòng 1 tháng. Chủ tịch Hoàng Bửu Nhân cân nhắc giữa việc nhận hay không nhận lời, bởi nếu sửa chữa tàu thành công, sẽ tăng ngân sách và uy tín của Thành phố, của Việt Nam, nhất là trong điều kiện ta đang gặp khó khăn do vừa thoát khỏi chiến tranh. Tuy nhiên, bài toán khó ở chỗ làm sao để sửa chữa được hàng trăm động cơ bị nhiễm mặn chỉ trong vòng 1 tháng?

Các đơn vị, ngành tham dự cuộc họp lúc đó đều lo lắng trước nhiệm vụ khó khăn này và trông đợi vào Nhà máy điện Hải Phòng – đơn vị duy nhất có khả năng đảm trách xử lý.

Ông Hiền chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ chính thức Chủ tịch Thành phố giao, ông vô cùng hoang mang. Trời rét căm căm mà trán ông ướt đẫm mồ hôi. Không biết phải bắt đầu từ đâu và cũng không còn ai để đùn đẩy trách nhiệm nặng nề này! Cuối cùng, cuộc họp ra quyết định huy động toàn bộ CBCNV Nhà máy thực hiện nhiệm vụ trong một tháng, không có Tết nhất gì nữa.

7 xe củi luộc máy tàu thủy

Trước thái độ cương quyết nhưng cũng đầy tin tưởngcủa lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Nhà máy điện Hải Phòng đã xác định, khó mấy cũng phải làm. Ông Hiền triệu tập tất cả cán bộ kinh tế kỹ thuật của Nhà máy, tìm giải pháp chống nhiễm mặn cho động cơ tàu. Nhiều ý kiến được đưa ra bàn, nhưng tính khả thi không cao. Bác công nhân Nguyễn Văn Hồ đề xuất ý tưởng “luộc động cơ”. Bác cho biết, ở Xưởng Phát điện Cửa Cấm, trước đây có một động cơ quạt khói bị hỏng do nhiễm mặn từ một trận bão lớn ở cảng đổ vào. Bác đã đem luộc động cơ, thay nước và dần dần hết mặn, sấy khô thì sử dụng được tốt.

Trên cơ sở ý tưởng của bác Nguyễn Văn Hồ, một số anh em đã triển khai nhận 3 động cơ bị nhiễm mặn về làm thử, rút kinh nghiệm rồi mới tiến hành đồng loạt. 3 động cơ mang về được cho vào 3 chiếc goòng đẩy than dùng làm nồi, đun sôi sùng sục, sau một thời gian lại thay nước, cho đến khi kiểm tra thấy hết mặn mới thôi. Sau khi động cơ sấy khô, đo cách điện tốt, phun sơn lại đẹp như mới, công nhân đã giao cho chủ tàu. Họ lắp vào chạy thử, máy quay vù vù, các thông số kỹ thuật đều đạt yêu cầu. Kết quả là họ tin tưởng giao toàn bộ thiết bị điện cho Nhà máy sửa chữa. Cán bộ công nhân Nhà máy không nghỉ Tết. Khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, ngày Tết đã cận kề, nhưng ông Hiền chỉ xin lãnh đạo Thành phố duyệt cho 7 xe củi để sửa chữa máy tàu. Cái Tết năm ấy, cả công trường Nhà máy điện Hải Phòng tưng bừng, rực sáng ánh lửa đun những chiếc nồi được thiết kế đặc biệt, không phải để luộc bánh chưng mà luộc…động cơ tàu bị nhiễm mặn.  

Công trình xây dựng đường dây 110 kV của ngành Điện những năm đầu sau giải phóng miền Bắc (1955 -1960)

Tiết kiệm hàng triệu USD

Năm 1975, đang là Phó giám đốc Công ty Điện lực 1, ông Vũ Hiền được cử tham gia Đoàn công tác giải quyết những vấn đề về điện ở miền Nam sau giải phóng. Nhà máy Thủy điện Đa Nhim lúc đó bị hư hỏng nặng trong chiến tranh, cần sớm cử đoàn chuyên gia vào tiếp quản, sửa chữa, phục hồi. Ngày 14/5, ông Hiền và Đoàn công tác vào Nhà máy Thủy điện Đa Nhim. Anh em Đội tự quản cho biết, họ có 12 người là công nhân Nhà máy, tự nhận trách nhiệm bảo vệ Nhà máy đến cùng. Họ sẵn sàng bàn giao lại Nhà máy còn nguyên vẹn cho cách mạng. Ông Hiền bảo, ai cũng xúc động trước tấm lòng thủy chung với đất nước của anh em công nhân Điện lực miền Nam.

Ông Hiền và ông Phạm Công Lạc được cử làm Trưởng và Phó ban Quân quản Nhà máy.Ngay khi nhận nhiệm vụ, ông đã kêu gọi tất cả 12 kỹ sư trở lại làm việc. Anh em cùng nhau đối mặt với khó khăn, quyết tâm sửa chữa, phục hồi Nhà máy và chống lại âm mưu phá hoại của bọn Phun-rô. Trong lúc hỗn độn người tốt kẻ xấu, người xây, kẻ phá, chưa thể ngay lập tức thanh lọc những phần tử phản cách mạng, ông Hiền đã nhiều đêm thức trắng vì lo lắng, suy nghĩ, tìm cách giải quyết, ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất.

Khi Nhà máy đi vào hoạt động ổn định, ông Hiền cùng các cán bộ kỹ thuật tiến hành phương án sửa chữa đường ống thủy áp số 2 trên đỉnh núi. Theo đó, chiều dài đoạn ống hỏng là 112m, có 22 đoạn ống hỏng phải thay thế. Ống thép dầy 100mm, đường kính 2m. Mỗi đoạn nặng trung bình trên 3 tấn. Qua tham khảo ý kiến những người có kinh nghiệm, thời gian sửa chữa phải kéo dài 13 tháng, tổng chi phí là 2,3 triệu USD. Đây quả thực là một con số quá lớn trong khi tiềm lực kinh tế của đất nước còn rất yếu. Qua bàn bạc, anh em đã thống nhất mời các chuyên gia, kỹ sư của Công ty Điện lực 1 vào tìm cách khắc phục, sửa chữa để tiết kiệm chi phí. Các chuyên gia, kỹ sư từ miền Bắc được mời vào, sau khi nghiên cứu hiện trường, đã đề xuất giải pháp: Thời điểm xây dựng Nhà máy đã làm đường ô tô lên tận đỉnh núi. Từ trên núi cao xuống đến chỗ đường ống hỏng khoảng 100m, có thể dùng dây tời thả từng đoạn ống mới đến chỗ cần thay, hàn tiếp các đoạn ống với nhau cho đến khi hết phần bị hư hỏng. Kinh phí sửa chữa, phục hồi dự tính chỉ hết 100 ngàn USD. Việc sửa chữa được thực hiện trong thời gian 3 tháng. Với giải pháp này, đường ống thủy áp số 2 đã được phục hồi thành công, tiết kiệm hàng triệu USD cho Nhà nước. Điều này đã khích lệ tinh thần anh em trong Nhà máy tiếp tục thực hiện nhiệm vụ dù biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách đang chờ ở phía trước.

Anh Trần Văn Chi và anh em sửa chữa động cơ điện đang cuốn những bối dây dẫn điện đã qua sấy tẩm để nhanh chóng đưa về Nhà máy (Hà Nội, năm 1958)

Còn mãi những day dứt…

Những ngày đầu tiếp quản Nhà máy Thủy điện Đa Nhim để lại trong ông Vũ Hiền nhiều kỷ niệm khó phai. Anh em cán bộ công nhân đã cùng nhau đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sửa chữa phục hồi các thiết bị, xây dựng và củng cố các tổ chức chính trị, chuyên môn, tạo tiền đề quan trọng cho Nhà máy từng bước nâng cao công suất và sản lượng điện theo thiết kế, đảm bảo cung cấp điện ngày càng ổn định cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Gắn bó tình nghĩa, chân thành, sẻ chia gian khổ vui buồn với nhau, nên câu chuyện buồn của những tháng ngày ấy làm ông day dứt mãi.

Ngày ấy, 12 kỹ sư Nhà máy được ông đề nghị trở lại làm việc, là những người rất tâm huyết, say mê thủy điện và hiểu rõ từng thiết bị của Nhà máy. Do đó, khi các kỹ sư có lệnh phải đi cải tạo (PV: Sau giải phóng, một số người từng là sĩ quan quân đội bị Chính quyền quân quản yêu cầu phải đi cải tạo), ông Hiền đã xin mở lớp cải tạo tại chỗ, vừa đảm bảo công việc sửa chữa, phục hồi Nhà máy, vừa giải quyết được tư tưởng của anh em, đồng thời đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ cấp điện cho Sài Gòn - Gia Định. Nhờ đó, những hạng mục bị hư hỏng của Đa Nhim đã được sửa chữa, hoàn thành với tiến độ chưa từng thấy. Ngày 18/9/1977, lần đầu tiên Đa Nhim phát đủ công suất 160 MW và từ đó cho đến khi có thêm Nhà máy Thủy điện Trị An thì Đa Nhim vẫn luôn là nguồn điện chủ lực của phía Nam.

Khi ông Hiền ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, 1 trong số 12 kỹ sư đó là ông Bùi Văn Vui lại bị đi học tập cải tạo tập trung.

Không có người can thiệp, ông Vui phải đi cải tạo và xây dựng thủy điện ở Trại mất 6 năm. Khi trở về, ông Vui không làm việc cho Thủy điện Đa Nhim nữa. Nỗi “oan” của ông Vui ngay cả Ban Quản giáo trại cải tạo cũng không hiểu: “Thật tình tôi không biết vì lý do gì ông Vui phải vào đây và bây giờ cũng không biết vì lý do gì ông ấy được về”?. Cho đến mãi sau này, tìm hiểu kỹ mới biết, lỗi là tại người văn thư, đã ghi nhầm chức danh của ông trước giải phóng, lẽ ra phải ghi là “Kỹ sư”, thì lại nhầm thành…“Đại úy”.

Mặc dù sai lỗi đó không phải do ông Vũ Hiền, nhưng hàng chục năm sau tại Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Nhà máy Thủy điện Đa Nhim – năm 2005, ông Vũ Hiền đã ôm bó hoa to đến trước mặt ông Vui và nói trong nước mắt: “Anh xin lỗi em,…” làm cả hội trường lặng đi vì xúc động. Ông Hiền bảo: "6 năm ông Vui đi cải tạo và những thiệt thòi trong cuộc đời mà ông Vui phải gánh chịu là điều khiến tôi mãi day dứt, ân hận vì để anh em mình phải khổ mà không thể giúp được!"

Những câu chuyện lịch sử, chuyện đời, chuyện nghề trong suốt hơn 30 năm gắn bó với ngành Điện của ông Vũ Hiền đến tận bây giờ dù ông đã ở tuổi 89 dường như vẫn luôn sống động như ngày hôm qua. Chia sẻ với chúng tôi về những năm tháng đó, niềm vui, niềm tự hào luôn hiện rõ trên khuôn mặt ông. Cũng bởi, sự đoàn kết của công nhân điện lực hai miền Nam – Bắc ngày ấy, tình cảm gắn bó, thương yêu ấy, cùng với tài năng, sáng tạo, tâm huyết của các thế hệ người làm điện hôm nay cũng chính là “chìa khóa” đi cùng năm tháng giúp ngành Điện Việt Nam mở được rất nhiều “cánh cửa”thử thách, với những khó khăn tưởng như không thể nào vượt qua nổi.

Ông Vũ Hiền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực

 

Ông Vũ Hiền

- Tên thật là Nguyễn Xuân Truyền.
- Sinh năm 1925, quê tại thôn Lạc Thổ xã Song Hồ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
- Từ tháng 6/1955, ông được điều về công tác ở ngành Điện. Từng giữ cương vị lãnh đạo các cơ sở điện lực lớn như: Nhà máy điện Hải Phòng, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy Thủy điện Thác Bà, Sở Điện lực Hà Nội, Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Công ty Điện lực 1 và Thứ trưởng Bộ Điện lực.
 


  • 24/12/2014 02:53
  • Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
  • 4311


Gửi nhận xét