Những bài học về tư duy kinh doanh của Simon Sinek

Simon Sinek là một diễn giả và tác giả người Mỹ gốc Anh nổi tiếng với tác phẩm Start with Why (tựa Việt: Bắt đầu với câu hỏi tại sao). Start with Why đã giúp mở rộng tầm nhìn và thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người về động lực làm việc lẫn ý nghĩa cuộc sống.

Simon Sinek bắt đầu sự nghiệp tại công ty quảng cáo Euro RSCG và Ogilvy & Mather ở New York trước khi tự thành lập doanh nghiệp. Ông cũng là giảng viên truyền thông chiến lược tại Đại học Columbia và là thành viên của tổ chức RAND - một viện nghiên cứu ở Mỹ.

Ảnh minh họa.

Khái niệm "Tại sao" được Sinek phổ biến với công chúng trong bài diễn thuyết trên TED - một tổ chức truyền thông đại chúng chuyên đăng tải những nội dung hội thảo giữa người với người của Mỹ, vào năm 2009. Hiện video bài diễn thuyết này được xem nhiều thứ tư trên TED với hơn 40 triệu lượt, có phụ đề bằng 47 ngôn ngữ. Dưới đây là tóm lược những bài học bất biến về tư duy kinh doanh được Sinek đúc kết.

Dành ra thời gian trống

Giống như nhiều người, tôi cũng nỗ lực vượt qua nỗi ám ảnh rằng, bản thân phải làm việc cật lực, hiệu quả trong mọi thời điểm mỗi ngày. Dù vậy, sự bận rộn và hiệu quả trong công việc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Do đó, tôi bắt đầu đưa những khoảng thời gian trống vào ngày làm việc, có thể là 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ dành riêng cho bản thân. Trong thời gian này, không ai có thể đặt lịch hẹn cho bất cứ công việc nào. 

Khi liên tục "ép não" phải làm việc, chúng ta chỉ có thể tiếp cận được những suy nghĩ có ý thức. Song tiềm thức - nơi thường là xuất phát điểm của những ý tưởng tuyệt vời nhất, mới là nơi bạn cần quan tâm và tiếp cận nhiều hơn. Và tiềm thức cần thời gian trống để hoạt động.

Học hỏi không ngừng

Kể từ thời điểm bắt đầu khởi nghiệp hay khởi sự kinh doanh, bạn nghiễm nhiên trở thành người lãnh đạo, bất luận quy mô của tổ chức. Cần biết rằng, lãnh đạo là kỹ năng cần được trau dồi và mài giũa chứ không tự sinh ra. Thông thường, con đường trở thành nhà lãnh đạo thực thụ sẽ được lát bằng vô số lần thử và sai, đôi khi cũng dài và gập ghềnh hơn mức cần thiết.

Để con đường này suôn sẻ, những nhà lãnh đạo giỏi nhất sẽ đọc, lắng nghe các cuộc đối thoại, hội thảo và trò chuyện với các nhà lãnh đạo khác, không chỉ về vấn đề gây quỹ mà còn cả kinh nghiệm, bài học lãnh đạo.

Có mục đích rõ ràng, chứ không chỉ khẩu hiệu

Mọi doanh nghiệp dường như đều sở hữu một lời tuyên bố về mục đích hoặc tầm nhìn trên website hoặc các phương tiện truyền thông riêng. Tuy nhiên, 

trong nhiều trường hợp, lý do không phải vì doanh nghiệp ấy thực sự có mục đích, mà vì việc tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh là "điều cần làm" và "hợp xu hướng". 

Thay vì tuyên bố khẩu hiệu một cách vô thức, việc có mục đích rõ ràng phải là tiêu chuẩn để duy trì đạo đức kinh doanh lẫn tính nhất quán của doanh nghiệp, là nền tảng để người lãnh đạo dựa vào để ra quyết sách về tài chính. Nếu không, hành động của bạn rốt cục sẽ đi ngược lại với chính lý do tồn tại của doanh nghiệp.

Đừng luôn tập trung vào tăng trưởng

Tôi không thể hiểu sự ám ảnh của các nhà lãnh đạo về việc doanh nghiệp của họ phải luôn tăng trưởng. Tại sao doanh nghiệp của bạn tồn tại? Trên thực tế, sự tăng trưởng không phải câu trả lời, mà là kết quả hữu hình của việc lý do tồn tại của doanh nghiệp được mọi người đáp ứng. 

Xây dựng doanh nghiệp chỉ vì sự tăng trưởng đồng nghĩa với việc người lãnh đạo sẽ phải đưa ra nhiều quyết định chỉ để tăng trưởng. Khi đó, sự nhất quán, đạo đức kinh doanh lẫn chất lượng sản phẩm, dịch vụ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tăng trưởng là một giá trị số, nó không phải là giá trị tuyệt đối. Nó cũng không phải cách để xây dựng một doanh nghiệp thành công và bền vững.

Lạc quan là tốt, bi quan là cần thiết

Có người bi quan mà tôi biết họ đều nói: "Tôi không phải là người bi quan, tôi là người thực tế”. Tôi không có ác cảm với người bi quan. Nhưng tôi không đồng tình với một người bi quan chỉ đứng quan sát rồi chế nhạo người đang cố gắng làm việc. Thế nên, hãy làm việc với những người nhìn thấy vấn đề rồi sẵn lòng cùng giúp giải quyết vấn đề đó.

Không cần phải biết mọi thứ

Lúc mới bắt đầu kinh doanh, tôi đã cho rằng bản thân phải có tất cả câu trả lời cho mọi vấn đề. Tôi đã tin rằng, uy tín của bản thân được xây dựng bằng trí thông minh và sự hiểu biết về mọi thứ. Điều đó thật ngốc nghếch. Bài học lớn nhất mà tôi học được là nói "Tôi không biết" và nhờ giúp đỡ.

Link gốc


  • 22/06/2023 11:15
  • Theo https://doanhnhansaigon.vn/
  • 5582