Nhìn lại 5 năm vận hành thị trường điện Việt Nam

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường điện Việt Nam đã thu được những kết quả rất khả quan sau 5 năm vận hành. TCĐL đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

PV: Ông có thể cho biết những thành quả thu được trong quá trình 5 năm vận hành thị trường điện Việt Nam? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Phải khẳng định rằng, sau hơn 5 năm vận hành, thị trường điện Việt Nam đã có được những thành công cơ bản. Hệ thống điện tiếp tục được vận hành an toàn tin cậy, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không có sự cố phát sinh từ việc vận hành thị trường điện. 

Quy mô của thị trường phát điện cạnh tranh cũng không ngừng mở rộng. Tháng 7/2012, chỉ có 31 đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, đến cuối năm 2017, con số này đã tăng lên 80. Điều này là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả vận hành, cũng như chủ trương hình thành và phát triển thị trường điện Việt Nam là hoàn toàn phù hợp.

Đặc biệt, các thông tin về vận hành thị trường điện được công bố đầy đủ đã góp phần nâng cao tính minh bạch, công bằng trong việc huy động nguồn điện; tạo được môi trường cạnh tranh công khai, bình đẳng, lành mạnh giữa các đơn vị tham gia; tạo động lực cho các nhà máy phát điện chủ động trong vận hành, rút ngắn thời gian sửa chữa bảo dưỡng, giảm chi phí vận hành, chủ động chào giá, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí phát điện, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. 

Bên cạnh đó, thị trường điện cũng bước đầu đã tạo được những tín hiệu tích cực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện năng. Cùng với sự phát triển của thị trường điện, hệ thống văn bản pháp lý phục vụ vận hành thị trường điện cũng ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, về cơ bản, đã xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại từ các năm trước đây.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của EVN đối với sự vận hành an toàn, hiệu quả của thị trường điện?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Từ giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) đến thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh (VWEM), vai trò của EVN là rất lớn và rất quan trọng.

Trước hết, khâu xây dựng thiết kế thị trường, hoàn thiện các văn bản pháp lý, EVN đã tích cực, chủ động tham gia cùng với Cục Điều tiết Điện lực, xây dựng các đề án, các thông tư liên quan đến vận hành thị trường điện. Với kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực thị trường điện, vận hành hệ thống điện, các cán bộ, chuyên viên của EVN đã hỗ trợ đắc lực, xây dựng các văn bản pháp lý phù hợp thực tế điều kiện hoạt động của ngành Điện Việt Nam, từ đó, nâng cao tính khả thi của các văn bản này.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN cũng đã thực hiện đầu tư, nâng cấp các hệ thống kết cấu hạ tầng CNTT phục vụ vận hành thị trường điện như, hệ thống chào giá, mạng đường truyền, quy trình tính toán giá thị trường, thanh toán... Tất cả đã góp phần làm cho thị trường điện vận hành ổn định, an toàn, liên tục trong suốt hơn 5 năm qua.

EVN cũng chủ động tổ chức đào tạo, phổ biến các kiến thức cơ bản, chuyên sâu cũng như các quy định pháp lý về thị trường điện để các đơn vị trực thuộc kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách và các quy định cần thiết phục vụ vận hành thị trường điện.

Đặc biệt, với vai trò là đơn vị mua buôn điện duy nhất trong thị trường phát điện cạnh tranh, EVN cũng đã hoàn thành các nhiệm vụ ký kết hợp đồng mua bán điện với các đơn vị phát điện, thanh toán tiền điện theo đúng quy định. Điều này góp phần đảm bảo tính ổn định về dòng tài chính cũng như tính thanh khoản trên thị trường điện.

PV: Bên cạnh những thành công, còn những thách thức nào khi vận hành thị trường điện Việt Nam, thưa ông? 

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Kết quả thu được là không thể phủ nhận, nhưng việc vận hành thị trường điện cũng còn một số khó khăn. Trước hết, tuy số lượng các nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện tăng nhanh, nhưng thị phần các nhà máy điện gián tiếp tham gia thị trường điện vẫn còn cao. Hiện nay có khoảng 51% công suất đặt tham gia thị trường điện theo hình thức gián tiếp và không tham gia xác định giá thị trường. Do vậy, giá thị trường chưa phản ánh chính xác chi phí biên của cả hệ thống điện. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hạ tầng CNTT vẫn chỉ ở mức đáp ứng được yêu cầu cơ bản. Hệ thống SCADA chưa đầy đủ cũng gây khó khăn cho điều độ, giám sát vận hành thị trường điện. 

Ngoài ra, việc chào giá, lập lịch huy động các tổ máy thủy điện theo giá chào cạnh tranh khi vẫn phải tuân thủ các yêu cầu trong các Quy trình điều tiết liên hồ, đòi hỏi phải có cơ chế chào giá linh hoạt hơn, sát hơn với thời gian vận hành cho các nhà máy thủy điện.

PV: Vừa qua, VCGM phải tạm dừng 1 tháng vì lý do khách quan. Vậy trên thế giới, các quốc gia có quy định việc tạm dừng thị trường điện không, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Các thị trường điện quốc tế đều có nội dung về việc can thiệp hoặc tạm dừng vận hành trong các trường hợp bất khả kháng. Ví dụ, quy định thị trường điện Philippin cho phép tạm dừng vận hành thị trường điện trong trường hợp xảy ra thiên tai, hoặc theo yêu cầu của Tổng thống khi có vấn đề về an ninh quốc gia/quốc tế. Tương tự, tại Singapore, quy định thị trường điện cũng cho phép cơ quan điều tiết Singapore (EMA) dừng vận hành thị trường điện trong các trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, thiên tai làm ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện…

PV: Để thị trường điện Việt Nam tiếp tục vận hành an toàn, ổn định, đảm bảo công khai, minh bạch, Bộ Công Thương cũng như các đơn vị cần phải làm gì trong những năm tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Để tăng thêm các nhà máy tham gia thị trường điện, Cục Điều tiết Điện lực thường xuyên chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia tích cực đôn đốc, kiểm tra các đơn vị phát điện mới, chuẩn bị các điều kiện tham gia thị trường điện; đồng thời nghiên cứu cơ chế đưa các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu (hiện đang hạch toán phụ thuộc EVN) tham gia thị trường điện. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan, tiếp tục nâng cấp hạ tầng CNTT theo kế hoạch, hoàn thành nâng cấp và kết nối các TBA vào hệ thống SCADA phục vụ giám sát vận hành hệ thống điện.

Đặc biệt, việc vận hành các nhà máy thủy điện cần bám sát tình hình thủy văn, các yêu cầu cung cấp nước cho hạ du và các ràng buộc trong quy trình vận hành liên hồ chứa, từ đó lập lịch huy động các nhà máy một cách hợp lý. Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, tạo điều kiện cho các nhà máy thủy điện được phép cập nhật lại bản chào giá trong ngày vận hành, kịp thời xử lý các biến động bất thường về thủy văn.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 05/02/2018 11:25
  • Theo TCDL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 16590