Nhiều giải pháp tăng cường năng lực truyền tải điện quốc gia

Năm 2016, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Truyền tải điện an toàn liên tục 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các đơn vị và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp EVN, EVNNPT,  lưới điện truyền tải trong năm 2016 đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, cung cấp đủ điện đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia... Có thể khẳng định, Tổng công ty đã cán đích thành công năm thực hiện chủ đề “Nâng cao năng lực quản trị và nâng cao chất lượng”. 

Năm 2016, tình trạng hạn hán ở miền Trung và miền Nam diễn ra nghiêm trọng; trong khi đó phụ tải khu vực phía Nam tiếp tục tăng trưởng “nóng”, khiến nguồn điện tại chỗ không đủ để đáp ứng nhu cầu. Nhằm đảm bảo đủ điện cho miền Nam, đường dây cao áp 500 kV Bắc - Nam luôn phải truyền tải điện với công suất lớn, đưa điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Bên cạnh đó, vào cuối năm, tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp ở miền Trung cũng gây không ít khó khăn trong công tác vận hành lưới điện truyền tải.

Dù nhiều khu vực phải vận hành trong tình trạng đầy tải, EVNNPT vẫn đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các đường dây truyền tải điện và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam. 

Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 vệ sinh sứ hotline

Cũng theo ông Tùng, để có được những thành quả trên là sự nỗ lực, cố gắng rất đáng ghi nhận của tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT trong việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, từ quản lý kỹ thuật - vận hành; quản lý đo đếm, giao nhận điện năng đến đầu tư - xây dựng...

Trong năm qua, EVNNPT đã thực hiện hiệu quả các giải pháp giám sát, kiểm tra, tăng cường công tác sửa chữa lớn, theo dõi vận hành và xử lý kịp thời khiếm khuyết, hiện tượng bất thường trên lưới điện, chống quá tải các trạm 500 - 220 kV; thực hiện nghiêm túc việc phân tích sự cố; kỷ cương, kỷ luật vận hành trạm được siết chặt... Cùng với đó, Tổng công ty và các đơn vị cũng tăng cường các giải pháp bảo vệ hành lang an toàn lưới truyền tải điện, kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. 

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, giải phóng mặt bằng, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của EVN,... EVNNPT đã giải quyết được những vướng mắc, thu được nhiều thành quả trong công tác đầu tư - xây dựng. 

Trong năm, Tổng công ty đã đóng điện nhiều dự án đặc biệt quan trọng như: TBA 500 kV Phố Nối, Pleiku 2, Mỹ Tho; nâng công suất TBA 500 kV Sơn La; các đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho, đấu nối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, đường dây Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân... Các công trình đi vào vận hành đã góp phần tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đặc biệt là các phụ tải quan trọng; giảm tổn thất điện năng trên lưới; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...

Đặc biệt, năm 2016, EVNNPT cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường dây 500 kV từ Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku, tăng thêm khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Trung khoảng 5 tỷ kWh/năm. Dự án này đã được EVN đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Nhằm hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả vận hành lưới truyền tải điện, tăng năng suất lao động... việc ứng dụng KHCN đã và đang được EVNNPT đặc biệt chú trọng. Riêng năm 2016, Tổng công ty bước đầu áp dụng thành công thiết bị bay (UAV) gắn camera (flycam) vào việc kiểm tra đường dây 220 – 500 kV tại Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1). 

Trong giai đoạn ban đầu, việc áp dụng UAV tập trung vào công tác kiểm tra cột vượt và các khoảng vượt sông. Đây là những cột có chiều cao và khoảng vượt lớn, khi thực hiện kiểm tra theo cách thông thường, phải tiến hành cắt điện (nếu là 2 mạch đường dây 500 kV, phải cắt điện đồng thời cả 2 mạch do cường độ điện trường cao). Đó là chưa kể, công nhân đường dây phải kiểm tra sức khỏe; khi đi kiểm tra trực tiếp trên tuyến phải mang theo các trang thiết bị dụng cụ hỗ trợ phức tạp, trong khi các cột đều ở những vị trí hiểm trở, nên rất vất vả... 

Khi áp dụng thiết bị bay UAV, toàn bộ các chuỗi cách điện, phụ kiện, dây chống sét, dây dẫn, các mối tiếp xúc đều được ghi hình, chụp ảnh rõ ràng, giúp cán bộ kỹ thuật có đủ điều kiện phân tích đánh giá tình trạng làm việc của các thiết bị trên trong tình trạng vẫn mang điện... Đặc biệt, công nhân không phải trực tiếp đi kiểm tra tại hiện trường, hay trèo cao, tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời nâng cao năng suất lao động.

Việc ứng dụng thiết bị bay vào công tác quản lý vận hành đường dây đã phát huy hiệu quả trong mọi điều kiện địa hình, nhất là khi kiểm tra các cột vượt, kiểm tra hành lang, giao chéo nhằm nâng cao chất lượng quản lý. Trong thời gian tới, PTC1 sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ này vào kiểm tra nhanh các cột trên núi cao sau các đợt mưa lũ, khi điều kiện an toàn chưa cho phép công nhân trèo cột kiểm tra. 

Công nhân PTC1 nâng dung lượng tụ bù dọc ĐD 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh

Ngoài ra, trong năm 2016, EVNNPT đã ứng dụng thành công công nghệ lọc dầu online cho MBA 220 kV tại TBA 500 kV Hà Tĩnh. Trước đây, khi thực hiện lọc dầu theo phương pháp thông thường, phải cắt điện MBA từ 3 - 5 ngày. Còn với công nghệ lọc dầu online, không cần cắt điện MBA, chất lượng dầu sau khi lọc tốt hơn, thời gian lọc ít hơn, công suất tiêu thụ cũng giảm. Đặc biệt, việc áp dụng các công nghệ cao, khi lọc dầu online không tạo bọt, không làm già hóa dầu gây ảnh hưởng đến chất lượng dầu MBA. 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho hay, với nhiều ưu điểm vượt trội, cùng với yêu cầu không cho phép cắt điện phụ tải như hiện nay, Tổng công ty đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng rộng rãi công nghệ lọc dầu online ở các đơn vị.

EVNNPT cũng đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ mới vào lĩnh vực truyền tải điện như: Trung tâm điều khiển xa; trạm biến áp không người trực; nâng cấp hệ thống tự động hóa trạm biến áp; hệ thống thu thập số liệu đo đếm, thiết bị giám sát online; hệ thống thu thập thông tin, giám sát cảnh báo sét; thiết bị hạn chế dòng điện ngắn mạch; vệ sinh cách điện hotline và sửa chữa nóng đường dây, trạm biến áp; định vị sự cố... Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào các hoạt động của EVNNPT đã góp phần từng bước hiện đại hóa lưới điện, nâng cao độ tin cậy trên hệ thống lưới điện truyền tải, tăng năng suất lao động và từng bước thực hiện lộ trình lưới điện thông minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Năm 2016 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề để EVNNPT chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề. Tuy nhiên, vượt qua tất cả, với tinh thần, bản lĩnh và trách nhiệm của những “người lính truyền tải”, Tổng công ty đã cán đích thành công năm thực hiện chủ đề: “Nâng cao năng lực quản trị và nâng cao chất lượng” trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng để EVNNPT thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. 

Năm 2016: EVNNPT quản lý vận hành:

- 7.439,3 km đường dây 500 kV: Tăng 3,5% so với năm 2015;
- 15.468,3 km đường dây 220 kV: tăng 2,6% so với năm 2015; 
- 126 TBA: Tăng 9 trạm so với 2015;
- Dung lượng MBA 500 kV: 26.100 MVA, tăng 13,7% so với 2015; 
- Dung lượng các MBA 220 kV: 40.163 MVA: tăng 12,0 % so với 2015.

 


  • 16/01/2017 10:05
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 15092