Nhiều cường quốc chật vật trong “cơn khát” năng lượng

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang đẩy châu Âu, Trung Quốc và nhiều quốc gia vào tình cảnh thiếu điện, thiếu nhiên liệu,… Dù phải bỏ ra chi phí khổng lồ để mua than, khí với giá cao kỷ lục, nhưng bài toán cân bằng năng lượng chưa thể có lời giải ngay.

Tình cảnh khó khăn của Châu Âu

Sau cơn suy thoái kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi, nhiều ngành sản xuất hàng hoá trở lại hoạt động, kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhiều năng lượng. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành năng lượng đã không theo kịp nhu cầu sử dụng tăng đột biến này.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng bắt đầu nổi lên ở châu Âu hồi đầu tháng 9, khi lượng khí đốt dự trữ trong khu vực xuống thấp nhưng nguồn cung khí đốt cung cấp từ một số quốc gia, đặc biệt từ Nga, Na Uy bị hạn chế. Tờ Bloomberg đưa tin ngày 27/9, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gần 500% trong năm qua.

Tim Gore, chuyên gia thuộc Viện Chính sách Môi trường châu Âu, cho biết ngoài những lý do trên, nhiều yếu tố khác đang khiến vấn đề thêm trầm trọng. "Chúng tôi đã thành công trong việc đưa than đá ra khỏi hệ thống sản xuất điện, nhưng nguồn năng lượng từ gió gần đây lại sụt giảm vì thời tiết", Gore giải thích.

Liên minh châu Âu (EU) đang dần cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Năm 2020, năng lượng tái tạo lần đầu tiên trở thành nguồn điện chính của khối này. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo chưa đủ sức để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng vọt. Hiện, các công ty điện lực ở châu Âu buộc phải chuyển qua sử dụng than để sản xuất điện, đẩy giá than tăng nhanh và kéo theo giá điện tăng lên mức kỷ lục ở nhiều nước. Người dân ở các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Pháp và Ba Lan hiện đang phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng cao nhất mọi thời đại, làm tăng thêm những khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra.

Trung Quốc: Thiếu điện, giá than cao kỷ lục

Trung Quốc – đất nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, cũng đang chật vật vì thiếu than. Trong những tháng gần đây, lượng than dự trữ ở các nhà máy nhiệt điện than ở Trung Quốc xuống thấp, khiến các nhà máy nhiệt điện chật vật tìm mua đủ than để duy trì hoạt động. 

Khi nguồn cung than thiếu hụt, kéo theo tình trạng Trung Quốc đang thiếu điện nghiêm trọng. Cùng đó, các tiêu chuẩn về khí hậu ngày càng khắt khe, buộc nước này phải áp dụng rộng rãi nhiều biện pháp nhằm hạn chế lượng điện tiêu thụ.

Trung Quốc đã cam kết cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ trên mỗi đơn vị tăng trưởng kinh tế là khoảng 3% trong năm 2021, để có thể đạt được các mục tiêu khí hậu mà nước này đặt ra.

Công nhân trên lưới truyền tải điện Trung Quốc. Nguồn ảnh: https://foreignpolicy.com/

Theo tờ The guardian, có khoảng 20 tỉnh ở Trung Quốc đang phải trải qua cơn khủng hoảng thiếu điện năng, tuỳ theo các cấp độ. Nhiều công ty điện lực đã gửi thông báo đến các nhà máy tiêu thụ nhiều điện, trong đó yêu cầu các nhà máy chỉ sản xuất trong giờ thấp điểm vào đêm đến sáng sớm, hoặc đóng cửa hoàn toàn trong hai đến ba ngày một tuần. Nhiều nhà máy khác thì được yêu cầu đóng cửa cho đến một thời điểm xác định hoặc đến khi có thông báo mới.

Thiếu than, than giá cao là vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt. Giá than nhiệt cao ở Trung Quốc chạm mức cao nhất mọi thời đại, lên tới 212,92 đô-la mỗi tấn vào ngày 29/9, tạo áp lực khiến các công ty điện lực phải bù đắp chi phí nhiên liệu tăng thêm. Một số nhà máy nhiệt điện buộc phải đóng cửa để tiết kiệm chi phí và điều này làm tăng nguy cơ thiếu điện khi mùa đông tới.

Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh gom mua LNG  trên thị trường quốc tế để phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm mùa đông, làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung khí đốt trên toàn cầu.

Mỹ lo ngại thiếu nhiên liệu trong mùa đông tới

Các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu tăng vọt từ châu Á và châu Âu khi các hoạt động kinh tế phục hồi, thúc đẩy nhu cầu điện.

Trong nửa đầu năm nay, Mỹ xuất khẩu gần 10% sản lượng LNG. Xuất khẩu than cũng Mỹ cũng đang tăng mạnh trong năm nay, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hạn chế mua than của Úc do các căng thẳng ngoại giao. Trong quí 2, xuất khẩu than của Mỹ tăng 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo S&P Global Market Intelligence.

Tuy nhiên, nguồn cung than của Mỹ đang có dấu hiệu thắt chặt. Trong tháng 7, xuất khẩu than cốc của Mỹ đã giảm hơn 20% so với tháng 6, xuống còn 3,08 triệu tấn, theo dữ liệu của hãng tư vấn hàng hóa Argus. Nguồn cung than ở Mỹ bị hạn chế do các nhà sản xuất bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay và tình trạng thiếu lao động.

Các kho dự trữ than ở Mỹ cũng đang vơi dần vì xuất khẩu tăng mạnh khi giá tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Thông tin năng lượng Mỹ dự báo lượng than dự trữ của các nhà máy điện ở Mỹ có thể giảm về mức 61,3 triệu tấn vào cuối quí 4, thấp hơn 50% so với năm ngoái và thấp nhất kể từ năm 1997. Có nguy cơ các công ty điện lực ở Mỹ sẽ thiếu than để vận hành nếu mùa đông sắp tới trở nên khắc nghiệt hơn bình thường.

Cuộc cạnh tranh mua hàng hóa năng lượng của châu Âu và châu Á là tin tốt lành cho các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, nhưng có thể nhanh chóng trở thành tin xấu trong mùa đông sắp tới. Các dữ liệu cho thấy lượng LNG ở các kho dự trữ của Mỹ đang giảm và thấp hơn 7,1% so với mức trung bình của 5 năm. Lượng dầu dự trữ thương mại theo mùa vụ của Mỹ cũng đang ở mức thấp hơn 5% so với trước đại dịch.

Mới đây, Hiệp hội các nhà tiêu thụ năng lượng công nghiệp Mỹ (IECA), tổ chức đại diện cho các các công ty sản xuất hóa chất, thực phẩm và nguyên vật liệu ở Mỹ, đã gửi thư cho Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm, hối thúc bộ này hành động ngay lập tức để hạn chế xuất khẩu LNG, giúp Mỹ có thể tích trữ đủ lượng khí đốt cần thiết trước khi mùa đông tới, tránh nguy cơ giá tăng vọt. Động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng ở nước ngoài.

Thực tế, khi vòng xoáy khủng hoảng năng lượng xảy ra, ảnh hưởng của nó không chỉ tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế, đời sống dân sinh từng quốc gia, mà hiệu ứng domino của nó còn lan tới nhiều quốc gia khác trên thế giới.


  • 30/09/2021 04:04
  • PV (tổng hợp)
  • 11164