Nhiệt điện với vai trò chủ đạo trong hệ thống điện quốc gia

Từ cơ sở ban đầu sau tiếp quản (1954) là 31,5 MW, đến hết năm 2013, chỉ tính riêng nguồn nhiệt điện, tổng công suất đã lên tới 15.539 MW, gấp gần 500 lần. Nhiệt điện chiếm trên 50% tổng công suất đặt trong toàn bộ hệ thống nguồn của cả nước, luôn là nguồn điện năng chủ yếu, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống điện quốc gia.

Bước phát triển vượt bậc

Từ năm 1956 đến 1960, thực hiện chủ trương của Đảng là phải khẩn trương phát triển các nguồn điện, nhằm cải tạo công thương nghiệp, làm cơ sở hậu phương vững chắc để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngành Điện đã lần lượt khởi công xây dựng một loạt các nhà máy nhiệt điện: Lào Cai (8 MW), Vinh (8 MW), Hàm Rồng (6 MW), Việt Trì (16 MW), Thái Nguyên (24 MW), Hà Bắc (12 MW).

Năm 1961, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đợt 1 được xây dựng với công suất 48 MW do Liên Xô giúp đỡ, cung cấp thiết bị và đào tạo cán bộ, công nhân. Sau đó tiếp tục xây đợt 2: 50 MW, đợt 3: 55 MW. Với tổng công suất 153 MW, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí lúc đó là một trong những nhà máy điện chủ lực của miền Bắc. Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình công suất 100 MW do Trung Quốc giúp đỡ cũng được đưa vào vận hành từ năm 1974.

Ở miền Nam, đến cuối năm 1974 có Nhà máy Nhiệt điện Chợ Quán 55 MW (được xây dựng từ năm 1896), Nhiệt điện Thủ Đức (165 MW), Trà Nóc (33 MW). Ngoài ra còn có các cụm diesel đốt dầu FO (96 MW), đốt dầu DO (286 MW), Tua bin khí sử dụng dầu DO (61,5 MW) đặt ở Sài Gòn và các tỉnh miền Nam.

Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Ảnh: Ngọc Cảnh

Năm 1980, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1 công suất 4x110 MW đã được khởi công, công trình do Liên Xô giúp đỡ thiết kế và trang bị kỹ thuật, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Nhiệt điện Việt Nam. Từ năm 1995 đến nay, nhiều nhà máy nhiệt điện than lần lượt được xây dựng và đưa vào vận hành với công suất nhà máy, tổ máy ngày càng lớn như, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 (2x300 MW), Uông Bí mở rộng (300 MW), Uông Bí mở rộng 2 (330 MW), Hải Phòng (4x300 MW), Quảng Ninh (4x300 MW), Nghi Sơn 1 (2x300 MW), Vĩnh Tân 2 (2x622 MW), Vũng Áng 1 (2x600 MW), Mông Dương 2 (2x600 MW).

Cùng với sự phát triển mạnh công suất nguồn nhiệt điện, quy mô, công nghệ các nhà máy nhiệt điện cũng ngày càng cao và hiện đại. Bên cạnh các nhà máy nhiệt điện lò hơi với công nghệ đốt than phun công suất lớn, kết hợp công nghệ xử lý môi trường hiện đại, đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Năm 2015, EVN sẽ đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 (công suất 1.080 MW) với công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn.

Đối với các nhà máy nhiệt điện tua bin khí, trong các năm 1992-1999, ngành Điện đã tiến hành lắp đặt và đưa vào vận hành các tổ máy tuabin khí chu trình đơn, công suất 37,5 MW tại Bà Rịa, Thủ Đức và Cần Thơ. Năm 1997, đã hoàn thành lắp đặt và đưa vào vận hành các tổ máy tuabin khí công suất 145 MW tại Phú Mỹ 2.1. Từ năm 1999 đến nay đã lần lượt xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp công suất lớn, hiện đại, công nghệ tiên tiến, có hiệu suất và mức độ tự động hóa cao, sử dụng nhiên liệu chính là khí thiên nhiên từ các bể dầu khí Cửu Long, Nam Côn Sơn như: Nhà máy điện Bà Rịa (390 MW), Trung tâm Điện lực Phú Mỹ với tổng công suất 4.000 MW.

Đối với nhà máy nhiệt điện đốt dầu FO, ngoài các nhà máy điện đã vận hành từ trước ngày giải phóng miền Nam, năm 1998 có thêm nhà máy điện Hiệp Phước (375 MW) của nhà đầu tư nước ngoài và năm 1999 nhà máy nhiệt điện Ô Môn I.1 (công suất 330 MW) thuộc EVN đã được đưa vào vận hành.

Tính đến hết năm 2013, hệ thống nhiệt điện của nước ta có sự lớn mạnh vượt bậc cả về quy mô cũng như đa dạng về nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí), công suất gấp gần 500 lần so với năm 1954, sản lượng chiếm trên 53% toàn hệ thống. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện còn có bước phát triển vượt bậc về công nghệ và thông số lò hơi, tua bin, các thiết bị đo lường, điều khiển và tự động hóa, thiết bị và công nghệ bảo vệ môi trường… đáp ứng được yêu cầu vừa sản xuất điện, vừa đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Ảnh: Ngọc Hà

Giữ vai trò chủ đạo

Trong 60 năm qua, các nhà máy nhiệt điện luôn giữ vai trò chủ đạo đối với hệ thống điện quốc gia. Năm 1985, công suất đặt của cả nước 1.605,3 MW, nhiệt điện (bao gồm nhiệt điện than, dầu, tua bin khí) chiếm 81,9% cơ cấu nguồn điện với 70% sản lượng điện của cả nước. Đến năm 1995,  toàn bộ hệ thống có 4.549,7 MW, nhiệt điện chiếm 36,6% cơ cấu nguồn và 28% sản lượng của cả nước.

Năm 2005, hệ thống có 8.871 MW, nhiệt điện chiếm 41% cơ cấu nguồn điện và 48% sản lượng điện của cả nước. Đặc biệt, tính đến hết năm 2013, tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia là 30.597 MW, trong đó, nhiệt điện là 15.539 MW chiếm 50,79% và chiếm 53,64% sản lượng điện toàn hệ thống. Những con số trên đã chứng minh cho vai trò đặc biệt quan trọng của nhiệt điện đối với hệ thống điện quốc gia.  

Mặc dù nguồn thủy điện có ưu thế đặc biệt là giá thành rẻ, song nhược điểm là phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn. Do đó, trong quá trình phát triển hệ thống nguồn, đồng thời với việc tận dụng ưu thế nguồn năng lượng giá rẻ của thủy điện, việc chú trọng phát triển các nguồn nhiệt điện đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển phụ tải là rất quan trọng để có sự điều tiết hoạt động hợp lý giữa thủy điện và nhiệt điện.

Các kỹ sư vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn. Ảnh: Xuân Tiến

Theo Quy hoạch điện VII, trong thời gian tới, nhiều trung tâm nhiệt điện lớn sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành như, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Vân Phong, Vĩnh Tân, Quảng Trị, Vũng Áng, Quảng Trạch, Nghi Sơn, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương,… làm tăng đáng kể công suất nguồn và sản lượng điện từ các nguồn nhiệt điện. Tổng công suất nhiệt điện đốt than năm 2020 sẽ chiếm 48% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 46,8% sản lượng điện sản xuất, đến năm 2030 chiếm 51,6% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 56,4% lượng điện sản xuất; tổng công suất nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên (gồm cả LNG) năm 2020 chiếm 16,5% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 24% lượng điện sản xuất, đến năm 2030 chiếm 11,8% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 14,8% lượng điện sản xuất.

Như vậy, theo quy hoạch đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy nhiệt điện (than, khí) đạt khoảng  64,5% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 70,8% sản lượng điện và đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy nhiệt điện (than, khí) chiếm 63,4% tổng công suất đặt, sản xuất khoảng 71,2% sản lượng điện.

Tuy nhiên, việc phát triển nhiệt điện cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, khi nguồn than và khí trong nước sẽ không đủ cung cấp cho các nhà máy điện, phải nhập khẩu nhiên liệu. Do đó, việc đảm bảo ổn định, lâu dài nguồn nhiên liệu than, khí, trong đó có nguồn nhiên liệu nhập khẩu, cung cấp ổn định cho các nhà máy nhiệt điện sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo đủ điện cho phát triển đất nước.


  • 05/01/2015 04:43
  • Nguồn: Ấn phẩm Điện lực VN - 60 năm: Thắp sáng niềm tin
  • 43815


Gửi nhận xét